Trưởng thành ở vùng ngoại ô Salem (bang Massachusetts, Mỹ), nơi nổi tiếng vì những vụ xét xử phù thủy năm 1692, Lee Roberts cảm thấy một sự gắn kết đặc biệt với Halloween. Thời niên thiếu, anh tham gia diễu hành và làm việc tại các nhà ma vào ngày lễ rùng rợn này.
"Khi còn nhỏ, tôi không rõ tại sao mình lại thích Halloween đến thế. Tôi bị cuốn hút bởi rất nhiều khía cạnh của ngày lễ này", Roberts, một người chuyển giới, nói với NBC News.
Đến giờ, Roberts vẫn được sống cùng những tưởng tượng của mình vào ngày Halloween khi làm drag queen với nghệ danh Sweaty Eddy.
"Tôi thích khám phá những khía cạnh mới trong công việc. Từ đó, tôi học cách trân trọng những điều bị coi là dị biệt", anh nói.
Halloween là dịp để nhiều người trong cộng đồng LGBTQ+ thể hiện bản thân. Ảnh: Getty. |
Lịch sử đặc biệt
Halloween là dịp những trang phục hào nhoáng, ấn tượng có cơ hội được phô diễn. Nhiều người trong cộng đồng LGBTQ+ như Roberts tôn vinh Halloween là "Giáng sinh của người đồng tính". Niềm phấn khích về ngày lễ này có từ lịch sử lâu đời.
Theo Marc Stein, giáo sư lịch sử tại Đại học San Francisco, vào thập niên 50-60 của thế kỷ trước, cộng đồng LGBTQ+ tại Philadelphia (bang Pennsylvania, Mỹ) ăn mừng Halloween bằng cách mặc trang phục drag queen và tiệc tùng tại các quán bar đồng tính của thành phố.
Hàng trăm người sẽ theo chân những drag queen qua các quán bar. Những sự kiện đó trở thành buổi diễu hành đầu tiên của cộng đồng LGBT vào Halloween.
"Tôi nghĩ rằng Halloween có ý nghĩa đặc biệt với cộng đồng LGBTQ+ bởi vào ngày lễ này, mọi ranh giới xã hội đều có thể bị vượt qua. Nhiều người được thoải mái thể hiện giới và xu hướng tính dục của họ", giáo sư Stein cho biết.
Những người tham gia lễ diễu hành Halloween năm 2000 tại Mỹ. Ảnh: Getty. |
Vào thời điểm đó, cross-dressing (mặc trang phục người khác giới) bị cấm tại nhiều thành phố và bang trên toàn nước Mỹ. Tuy vậy, vào Halloween, mọi người có thể ăn mặc tùy ý mà không bị bắt.
Giáo sư Michael Bronski, nghiên cứu về phụ nữ và giới tại Đại học Harvard, cho biết: "Halloween là dịp an toàn để nhiều người cross-dress, thể hiện đúng danh tính thật của mình".
Theo sau làn sóng đấu tranh đòi quyền lợi và sự hiện diện của cộng đồng LGBTQ+, bắt đầu từ cuộc bạo loạn Stonewall năm 1969, những cuộc diễu hành Halloween nổi lên khắp nước Mỹ.
Brad Balof (42 tuổi) là người tổ chức cuộc diễu hành Halloween hàng năm trong khu Northalsted, còn được gọi là "Boystown", của thành phố Chicago. Là người đồng tính nam, Balof cảm thấy Halloween là một trong những dịp duy nhất trong thời niên thiếu mà anh không bị tẩy chay, trừng phạt hay chỉ trích vì cách ăn mặc rực rỡ, phá cách.
"Đây là thời điểm duy nhất trong năm mà những trang phục như vậy được tôn vinh, thay vì bị coi là quá lòe loẹt, màu mè", anh nói.
Thể hiện sự khác biệt
Dù các buổi diễu hành vẫn thu hút hàng nghìn người tham gia, một số khác trong cộng đồng LGBTQ+ đã rời khỏi đường phố và đến các hộp đêm dành cho người đồng tính vào ngày Halloween.
Các quán bar LGBTQ+ trên khắp đất nước tổ chức tiệc theo chủ đề Halloween xuyên suốt tháng 10. Đây là mùa đông khách và kiếm được nhiều tiền nhất trong năm của họ.
Merrie Cherry kín lịch biểu diễn trong tuần lễ trước ngày Halloween. |
Lisa Menichino, chủ quán bar Cubbyhole dành cho người đồng tính nữ ở New York, cho biết Halloween là "ngày bận rộn thứ hai trong năm của quán, chỉ sau Pride".
Merrie Cherry, drag queen ở Brooklyn (New York, Mỹ), cho biết cô đã kín lịch biểu diễn tất cả đêm của tuần lễ trước ngày Halloween.
"Chúng tôi luôn phải mang một chiếc mặt nạ để bảo vệ bản thân khỏi cuộc sống thường ngày. Halloween mang đến cho cộng đồng LGBTQ+ cơ hội để thỏa sức thể hiện sự kỳ quặc, điên rồ của mình", Cherry nói.