Ngày 29/5 là lần thứ hai những người dân ở khu tập thể nhà chị Hoàng Thanh phải đi "tát nước" chỉ trong vòng một tháng qua. Trước đó là khi trận mưa lớn xảy ra hôm 22-23/5, mọi người phải nơm nớp lo sợ khi nước dâng đến gần bậu cửa.
Khu tập thể nhà chị Thanh nằm trong con ngõ nhỏ ở đường Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội). Cứ khi mưa lớn ập xuống, các nhà dân ở tầng một phải đồng loạt kê đồ đạc lên cao và chắn ván ngoài cửa để nước không tràn vào nhà.
"Trận mưa chiều qua quá khủng khiếp, khiến chúng tôi không kịp trở tay mà chỉ có thể tát nước từ nhà ra ngoài, nếu không trong nhà sẽ biến thành bể bơi", chị Thanh than thở.
Mệt mỏi vì ngập
Theo chị Thanh, trận mưa lớn kéo dài 2 giờ chiều 29/5 khiến ngõ nhà chị ngập sâu. Mưa xối xả trút xuống bất ngờ, người dân trở tay không kịp, nước tràn hết vào nhà dân mang theo lá cây, rác thải. Vì đã có kinh nghiệm, các hộ dân chủ động kê đồ điện lạnh, điện tử lên cao để tránh thiệt hại.
"Ngập nhiều lần nên mọi người cũng quen và chủ động, có người đem cả tấm chắn to để chặn trước ngõ, ngăn ôtô đi vào tạo sóng làm nước tràn vào nhà nhiều hơn. Một số hộ dọn dẹp xong vẫn kê ván chặn cửa, đề phòng mưa lớn tiếp trong đêm", chị Thanh chia sẻ kinh nghiệm.
Chị cho biết sau khoảng một giờ kể từ khi mưa dứt, nước mới rút hết trong nhà và ngoài ngõ. Trong khi đó, người dân vẫn rất vất vả lau dọn nhà cửa, đồ đạc. Còn bùn đất đọng lại, mọi người sẽ dọn dẹp tiếp vào sáng hôm sau. "Ai nấy đều mệt mỏi sau mỗi trận mưa gây ngập", người phụ nữ than.
Nước ngập ngang bắp chân ở ngõ nhà chị Thanh sau trận mưa chiều 29/5, một người mang đồ đạc ra chặn không cho ôtô đi vào ngõ, tránh tạo sóng nước. Ảnh: H.T. |
Trong khi đó, Hoàng Thị Bảo (25 tuổi, quận Thanh Xuân), lại có trải nghiệm tồi tệ khi di chuyển trên đường trong trận mưa chiều 29/5. Bảo mất 2 giờ để di chuyển từ Hưng Yên lên Hà Nội với quãng đường chỉ 25 km, gấp đôi thời gian thường lệ.
Chiều qua, trong cơn mưa lớn, cô gái phải vật lộn trong dòng xe cộ kẹt cứng ở dưới chân cầu Vĩnh Tuy, rồi tiếp tục đi trong "biển nước" ở đường Nguyễn Trãi. Đến khu vực đường Lương Thế Vinh, Bảo "sốc" khi chứng kiến cảnh "đường biến thành sông", nước ngập ngang người. Nữ nhân viên văn phòng quyết định dắt xe qua dòng nước nặng trịch, vừa đi vừa lo xe hỏng, người ngã.
Cứ mưa lớn là ngập
Nhắc đến trận mưa lớn chiều qua nhấn chìm nhiều phố phường Hà Nội, ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó giám đốc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội, nhận định trận mưa vượt quá công suất thiết kế của hệ thống thoát nước trong nội đô.
Theo thiết kế, hệ thống đáp ứng được năng lực tiêu thoát với lượng mưa 310 mm trong 2 ngày. Trong khi đó, nhiều điểm mưa ở Hà Nội vừa qua lên tới 180 mm chỉ trong vòng 2 giờ. Mưa lớn trút xuống trong thời gian ngắn vượt gấp đôi năng lực thiết kế hệ thống thoát nước của thành phố.
Ông Sơn cho biết đơn vị ghi nhận 35 điểm ngập úng trong thành phố sau trận mưa chiều qua, trong đó tập trung nhiều điểm ở lưu vực sông Tô Lịch ở địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Cầu Giấy và một số địa bàn thuộc lưu vực sông Nhuệ (quận Nam Từ Liêm), lưu vực Long Biên.
"Lưu vực sông Tô Lịch được đầu tư bởi dự án thoát nước giai đoạn 1 và 2 nên có thể chịu được trận mưa 310 mm trong 2 ngày. Còn lại những lưu vực khác phụ thuộc rất lớn vào hệ thống tự chảy của sông Nhuệ và sông Cầu Bây, hệ thống thoát nước đô thị và hệ thống nông nghiệp thủy lợi nên không tránh khỏi việc thoát kém", ông Sơn thông tin.
Mưa lớn trút xuống chiều 29/5 khiến nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập sâu. Ảnh: Thạch Thảo - Tuấn Anh. |
Theo thống kê, hệ thống thoát nước khu vực nội thành gồm 5.700 km cống, 254 km mương, sông, kênh, 125 hồ điều hòa, 10 trạm bơm thoát nước mưa chính và 5 nhà máy, trạm xử lý nước thải.
Hệ thống này được chia thành 5 khu vực gồm: Tô Lịch, Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, Hà Đông và Long Biên. Trong số này chỉ có khu vực sông Tô Lịch được đầu tư hoàn chỉnh.
Một số trạm bơm tiêu chính như Liên Mạc, Yên Nghĩa hoàn thành nhưng chưa phát huy hiệu quả do hệ thống kênh dẫn, kênh xả chưa đồng bộ. Còn trạm bơm Gia Thượng, Cự Khối chưa được cải tạo, nạo vét ảnh hưởng đến tiêu thoát nước trong hệ thống.
Hiện, Hà Nội còn 6 điểm không giảm úng ngập là ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Phùng Hưng, đường Cao Bá Quát, đường Nguyễn Khuyến, đường Trường Chinh và đại lộ Thăng Long.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, một số điểm ngập úng dai dẳng do thi công các dự án giao thông, hạ tầng gây ảnh hưởng đến khả năng tiêu úng.
Nhận định về tình trạng ngập lụt tại Hà Nội, GS Nguyễn Văn Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng thành phố cần đánh giá lại khả năng tiêu thoát của hệ thống thoát nước khi xảy ra mưa cường độ lớn.
Theo ông, các thông số thiết kế cũ chưa thể đáp ứng được trước tình hình biến đổi khí hậu, mưa cực đoan có thể xảy ra ngày càng nhiều. Hệ thống thoát nước hiện tại không còn phù hợp với tình hình mới.
"Cần nhiều giải pháp tổng thể để giải quyết bài toán ngập úng đô thị, trong đó có việc vận hành hồ điều tiết, trồng cây xanh, khơi thông lòng sông và nâng cao năng lực tiêu thoát bằng cách đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước đang bị đình trệ", vị chuyên gia nhận định.
Chiều 29/5, Hà Nội mưa lớn kéo dài từ 14h đến 16h, gây ngập lụt sâu nhiều tuyến phố. Theo kết quả quan trắc, khu vực mưa lớn nhất là Cầu Giấy với vũ lượng lên tới 180 mm. Một số quận nội thành khác mưa phổ biến 90-110 mm.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết với lượng mưa 140 mm, trạm Láng ghi nhận kỷ lục về lượng mưa tích lũy theo ngày trong vòng 36 năm qua. Lần gần nhất, khu vực ghi nhận mưa 132 mm trong vòng 2 giờ là ngày 18/6/1986.
Bình luận