Giữa tháng 3/2019, hình ảnh nhân vật trẻ tuổi có tên Khá Bảnh được một nhóm học sinh vây kín, tung hô và chụp ảnh cùng khiến dư luận khá tò mò về danh tính thanh niên này.
Khá Bảnh tên thật là Ngô Bá Khá, sinh năm 1993 tại Bắc Ninh, nổi tiếng trên mạng xã hội với những video "đạo nghĩa giang hồ", "tình anh em" và các clip nhảy trong vũ trường theo phong cách Vinahey.
Cuộc sống "trong mơ" của giới trẻ
Nhiều ý kiến cho rằng các video của Khá Bảnh gây được sự tò mò, thích thú bởi chất sống nghĩa khí của nhân vật này. Trong mô tả của kênh YouTube, Khá Bảnh cho rằng châm ngôn sống của anh là "Lẽ đời là phải sống đẹp. Sống với bản lĩnh thật sự của chính mình. Bước đường Bảnh đi, chiếc gương chiếu sáng hai từ quân tử".
Theo nhà tâm lý học Adam Philips, người xem có xu hướng hâm mộ những nhân vật giang hồ trên phim ảnh bởi họ có thể tự tạo ra luật lệ, môi trường và cuộc sống của chính mình.
Khá Bảnh tuyên bố sẽ là người Việt đầu tiên có nút kim cương. |
Với trường hợp của Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Dương Minh Tuyền, các nhân vật này nổi lên như một hiện tượng "giang hồ mạng" không chỉ bởi họ tự do làm những việc người thường không dám mà còn bởi đây không phải phim ảnh.
Khi xem phim, dù thích thú với những pha bắn nhau "trả nợ máu", người xem vẫn ý thức đó là phim. Nhưng với "giang hồ mạng", các video được thực hiện rất chân thực với đao kiếm, súng ống và các hoạt động chửi thề, đánh nhau xảy ra song song với đời sống thực. Các video được thực hiện dưới dạng vlog khiến người xem tin đây là thật.
Các nhân vật trong danh sách "giang hồ mạng" tự xưng có xuất thân từ bảo kê, đòi nợ mướn. Các video thường là vui chơi, "giải quyết công việc" và đếm tiền. Điều này tạo nên hình mẫu mơ ước của giới trẻ - chơi không làm nhưng vẫn rủng rỉnh tiền bạc, xe hơi.
Hội anh em "giang hồ" có thể tự do bắn pháo hoa trong một buổi ăn mừng, cầm súng, mã tấu, gậy gộc đi "giải quyết công việc". Dù nội dung xoay quanh hai chữ "quân tử" nhưng cách nhân vật này thể hiện khiến nhiều người lo ngại về hiện tượng bạo lực lên ngôi. Đây là những hành động không phải ai cũng có thể làm được.
Tháng 2/2019, nhóm anh em Khá Bảnh còn tự do chụp ảnh trên đường cao tốc Hạ Long - Hà Nội như một cách nâng tầm ảnh hưởng.
Cộng đồng YouTuber "giang hồ"
Trước Khá Bảnh, "thánh chửi" Dương Minh Tuyền nổi lên như một hiện tượng giang hồ trên YouTube. Nhân vật này có hình mẫu "giang hồ đất cảng", tuyên bố sẽ tìm đánh những ai dám động đến mình. Những trận khẩu chiến Bắc Nam thu hút hàng triệu người theo dõi khoảng thời gian 2016-2017.
Tuy vậy, thời điểm đó, các nhân vật giang hồ hoạt động độc lập với các kênh YouTube riêng biệt. Đến năm 2018, hiện tượng Khá Bảnh nổi lên, liên kết với nhiều kênh khác như Huấn Hoa Hồng, Dương Minh Tuyên, Phú Lê, Dũng Trọc và nhiều cái tên khác.
Không còn các video quay bằng camera trước, các nhân vật này tạo dựng kịch bản, sản xuất phim, MV ca nhạc cùng nhau. Bên cạnh các sản phẩm này, những hoạt động tụ tập ăn uống, đến thăm nhà nhau hay cùng "giải quyết công việc" cũng tạo nên một cộng đồng YouTuber "giang hồ".
Nền tảng YouTube đang dung dưỡng cho "giang hồ mạng"
Bức ảnh Khá Bảnh chụp cùng "người hâm mộ" đa phần là trẻ dưới tuổi vị thành niên trong đồng phục học sinh phổ biến những ngày qua làm dấy lên những lo lắng lớn hơn. Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng của nhân vật này rất lớn với những thiếu niên nhận thức còn non nớt.
Bên cạnh đó, toàn bộ video có cách hành xử bạo lực kiểu "giang hồ mạng" đều không được giới hạn độ tuổi. Đây là điều khó chấp nhận bởi dễ thấy những nội dung này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý trẻ dưới tuổi vị thành niên.
Theo chia sẻ của Khá Bảnh, kênh YouTube của người này hiện có 1,7 triệu lượt xem với nút vàng do Google trao tặng. Khá Bảnh cũng tuyên bố sẽ cố quay thêm nhiều video để trở thành người Việt Nam đầu tiên có nút kim cương.
Người hâm mộ Khá Bảnh đa phần là học sinh, thuộc nằm lòng động tác múa quạt của nhân vật này. |
Trong một video đăng tải tháng 2/2019, Khá Bảnh cho biết mỗi tháng nhân vật này kiếm được 500 triệu đồng từ YouTube bằng những video của mình. Với thu nhập và tầm ảnh hưởng này, có thể thấy giang hồ mạng sẽ tiếp tục phát triển và nở rộ tại Việt Nam trong thời gian tới.
Điển hình cho trào lưu này là việc sau Khá Bảnh, các kênh như Phú Lê, Dũng Trọc, cậu Giang, Ngân Trọc và hàng chục kênh khác cũng đầu tư thực hiện các clip về chủ đề giang hồ.
Ngoài nhận tiền quảng cáo từ YouTube, những nhân vật giang hồ còn nhận thêm các công việc như quảng cáo game, ứng dụng. Đặc biệt, các trang đánh bạc online đang tận dụng những nhân vật giang hồ để quảng bá trang web của mình.
Trong video "Khá Bảnh một ngày náo loạn phố Yên Bái", logo, liên kết của một trang web đánh bạc lớn đã được chèn vào phần mô tả.
"Người xem Khá Bảnh là nhóm khách hàng màu mỡ cho các trang web đánh bạc. Bên cạnh đó, các nhân vật như Khá Bảnh cũng là cách tiếp cận người xem YouTube duy nhất của các trang cờ bạc bởi những quảng cáo này không được Google Adsense chấp nhận", Quốc Lê, chuyên gia quảng cáo Google Adsense tại TP.HCM cho biết.
Quy định sản xuất phim của Hollywood từ lâu đã quan tâm đến chủ đề "giang hồ"
Từ năm 1930, trước trào lưu những video mang hơi hướm "giang hồ", Hollywood đã soạn thảo bộ quy định về sản xuất phim. Trong đó, các phim không được xuất hiện các hình ảnh hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức của người xem. Cụ thể, cái ác trong các bộ phim không được xuất hiện hấp dẫn. Sau khi xem phim, người xem không cảm thông, đứng về phía tội ác, người làm sai...
Lo ngại văn hóa bạo lực nở rộ với nền công nghiệp điện ảnh, Hollywood đã tạo ra bộ quy chuẩn về phim ảnh từ những năm 30 thế kỷ 20. |
Dẫn chứng trong video có tiêu đề "Tình anh em" của Khá Bảnh. Nội dung video thể hiện việc Bảnh ra tay đánh đàn em của nhóm giang hồ khác để "trả nợ" cho anh em của mình.
Trong một đoạn hội thoại, Bảnh cho rằng "ở đây không có đúng sai, chỉ có mạnh yếu". Chính yếu tố này thể hiện sự bất chấp của Khá Bảnh, hành xử tự phát, thiếu tôn trọng luật pháp và khiến người xem cho rằng hành động này xuất phát từ tình anh em.