G-Dragon được truyền thông quốc tế chú ý khi xuất hiện trên đường phố Paris (Pháp) sau thời gian dài nhập ngũ. Không bị thụt lùi so với giới trẻ, nam ca sĩ vẫn giữ vẫn phong độ về thời trang và được nhiều trang báo quốc tế đánh giá thời thượng tại show diễn Haute Couture Xuân - Hè 2020 của nhà mốt Chanel.
G-Dragon xuất hiện trên đường phố Paris trong bộ cánh sành điệu. Ảnh: Kwonyc. |
Sự gắn kết giữa G-Dragon và Chanel
Trong thời gian nhập ngũ, thông tin G-Dragon chấm dứt hợp đồng với Chanel được lan truyền trên mạng xã hội. Tuy nhiên, phía nhà mốt không có bất cứ phản hồi nào về vấn đề này, thậm chí hình ảnh của nam ca sĩ hợp tác trong các chiến dịch vẫn được sử dụng.
Mới đây, hình ảnh G-Dragon xuất hiện trên hàng ghế đầu của nhà mốt Pháp càng khẳng định lời đồn kia không đúng sự thật. Anh còn chứng minh tư duy thời trang khác biệt, trẻ trung đúng với tinh thần Chanel đang hướng đến trong trang phục tông tím đi kèm áo sơ mi họa tiết và quần ống suông chuyển từ sắc đậm sang nhạt. Ngoài ra, 8X còn kết hợp nhiều chiếc kim cài áo để thể hiện vẻ cá tính của bản thân.
Chanel đã cho thấy trưởng nhóm Big Bang vẫn là một trong những gương mặt đại diện của hãng khi đăng tải hình ảnh trên Instagram cạnh ngôi sao Pharrell Williams cùng dòng chú thích: "House ambassador G-Dragon" (tạm dịch: Đại diện thương hiệu G-Dragon).
G-Dragon vẫn là một trong những gương mặt đại diện của thương hiệu Chanel trên thế giới. Ảnh: Chanel. |
G-Dragon và mối lương duyên với 'ông hoàng' Karl Lagerfeld
Mối lương duyên giữa Karl Lagerfeld và G-Dragon đến từ sự hâm mộ tài năng âm nhạc, tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của trưởng nhóm Big Bang trên thế giới. Tuy nhiên, điều khiến nam ca sĩ để lại ấn tượng nhiều nhất cho giám đốc sáng tạo quá cố của Chanel chính là gu ăn mặc khác biệt, biết cách cân bằng giữa xu hướng thời trang và cá tính riêng.
Chính vì điều này, Karl Lagerfeld đã dành lời mời đến G-Dragon tham dự show diễn Chanel. Năm 2016, nam ca sĩ chính thức trở thành gương mặt đại diện của nhà mốt Pháp. Không ai có thể phù hợp với tiêu chí của thương hiệu đặt ra cho người đại diện như G-Dragon. Một điều quan trọng hơn hết là thần thái của anh luôn toát lên vẻ sang trọng - điều Chanel tâm niệm khi tìm kiếm gương mặt cho hãng.
Thậm chí, G-Dragon cùng siêu mẫu Cara và nữ diễn viên Kristen Stewart không chỉ là nguồn cảm hứng để Karl Lagerfeld sáng tạo ra những bộ cánh thời trang đẳng cấp, mà còn như tác phẩm nghệ thuật của Chanel.
G-Dragon nhiều lần xuất hiện trên hàng ghế đầu của nhà mốt Chanel. Ảnh: Pascal le Segretain, G-Dragon one, ELLE. |
Nam ca sĩ cũng dành nhiều tình cảm cho giám đốc sáng tạo quá cố. Anh từng chia sẻ trên tạp chí Vogue: "Hàng năm, tôi nhận được những lời mời tham dự các show thời trang, nhưng với Chanel thì cảm giác như người bạn thân. Vì thế, tôi cảm thấy thoải mái hơn nhiều. Thật vinh dự khi được làm việc cùng Karl Lagerfeld và tôi cũng cảm thấy biết ơn khi có thể hoàn thành những công việc mọi người đặt ra cũng như sự hài lòng với chúng".
Không chỉ được mời tham dự các buổi trình diễn thông thường, G-Dragon còn từng góp mặt trên hàng ghế đầu của Chanel tại Tuần lễ Haute Couture - điều rất hiếm sao Hàn nào nhận được vinh dự như trưởng nhóm Big Bang. Bởi những khách mời ở đó cũng có số lượng giới hạn, thường là người am hiểu thời trang thuộc giới quý tộc. Việc góp mặt trong show diễn Haute Couture danh giá cũng chứng tỏ đẳng cấp và sự nổi tiếng của ngôi sao trong làng mốt thế giới.
Một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất chứng tỏ mối quan hệ tốt đẹp giữa nam ca sĩ và nhà mốt hàng đầu thế giới chính là ở show Chanel Haute Couture Thu - Đông 2015. Karl Lagerfeld đăng bức ảnh chụp những ngôi sao nổi tiếng Hollywood có mặt tại đây, trong đó có G-Dragon với dòng chú thích: "Những người bạn thân yêu của tôi" trên mạng xã hội. Điều này cho thấy nam ca sĩ rất được giám đốc sáng tạo quá cố trân trọng.
G-Dragon xuất hiện trong show diễn Haute Couture của nhà mốt Chanel, bên cạnh dàn ngôi sao nổi tiếng Hollywood. Ảnh: Karl Lagerfeld. |
Giá trị của thiết kế Haute Couture
Từ "Haute" trong tiếng Pháp có nghĩa là sự xa xỉ, sang trọng, còn "Couture" tương đương với từ "dressmaking" trong tiếng Anh ý chỉ công việc may đo, thiết kế nên sản phẩm thời trang. Do đó, "Haute Couture" có thể hiểu là thời trang cao cấp. Chất liệu tạo nên trang phục là những loại vải đắt tiền được làm bằng tay với thủ công tinh xảo từ người thợ lành nghề.
Trang phục phải là thiết kế nguyên bản do nhà thiết kế chính của hãng sáng tạo. Các tác phẩm phải được thực hiện tại xưởng may riêng (workshop) của nhà mốt đặt tại Paris (Pháp) với ít nhất 20 thợ lành nghề làm việc hàng ngày.
Mỗi mùa, nhãn hàng phải cho ra mắt một bộ sưu tập với ít nhất 35 thiết kế, bao gồm trang phục ban ngày và ban đêm. Các sản phẩm được may đo chuẩn xác theo kích thước của người mặc để mang đến sự hoàn hảo khi khoác lên người.
Những quy định nghiêm ngặt này khiến số lượng nhà thiết kế dòng Haute Couture giảm từ 106 vào năm 1946 xuống còn hơn 20 người như ngày nay. Tuy nhiên, điều đó cũng phần nào giúp các thương hiệu danh giá dễ dàng khẳng định uy tín và tài năng bậc thầy trong làng mốt.
Đối với một bộ Haute Couture mặc ban ngày, giá bán sẽ ở khoảng 15.000 USD. Trong khi đó, các thiết kế ban đêm sẽ đắt đỏ hơn gấp nhiều lần. Với những nhà mốt sử dụng loại vải hiếm cùng món trang trí làm từ vật liệu quý, giá bán có thể lên đến con số vài triệu USD.
Mỗi bộ cánh Haute Couture được xem như một tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: Chanel. |
Đối tượng khách hàng Haute Couture
Haute Couture không được bày bán rộng rãi như các sản phẩm may sẵn vì tính "độc nhất vô nhị". Không phải cứ có thật nhiều tiền là bạn có thể mua được. Ngày trước, người xem thường là khách hàng của các nhà mốt danh giá.
Những tín đồ Couture đã lập ra cộng đồng nhỏ khoảng 200 thành viên khắp nơi trên thế giới. Họ sẽ gặp gỡ, trò chuyện, thậm chí có thể đi mua sắm cùng nhau. Các bản vẽ và mẫu vải sẽ được nhà may gửi đến cho thành viên trong nhóm để tham khảo và lựa chọn.
Ngày nay, đa phần khách hàng chịu chi cho các sản phẩm Haute Couture thường là phụ nữ vùng Trung Đông có địa vị hay những quý bà có tiền tại Trung Quốc.
Một tệp khách hàng khác cũng mới bắt đầu "chơi" Haute Couture chính là thế hệ Millennial. Họ là phụ nữ trong độ tuổi 20-30 đến từ vùng Trung Á, Đông Á và Ấn Độ.
Tạp chí Vogue nhận định đối tượng khách hàng mới được tạo thành từ các cô con gái trong gia đình giàu có, hay làn sóng nữ doanh nhân, blogger thời trang với số lượng tăng đáng kể vài năm gần đây.
Ngày nay khách hàng của dòng sản phẩm Haute Couture thường nằm ở các nước Trung Đông và Trung Quốc. Ảnh: ELLE. |