Đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn và cả găng tay y tế, P.N. (20 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) đi bộ rời nhà để mua thuốc, thực phẩm.
Cứ cách khoảng 4 ngày, F0 này lại ra đường dù cho vẫn còn triệu chứng sốt nhẹ, ho nhiều và mệt mỏi. Dù cảm thấy rất áy náy, cô bắt buộc phải làm vậy để đảm bảo sinh hoạt cho mình và một người bạn F0 khác sống cùng nhà trọ.
"Giữa việc trả phí ship rất cao, dao động 30.000-40.000 đồng/đơn hàng, và chạy ra khu chợ cách nhà 200 m, tôi thấy phương án sau khả thi hơn", P.N. nói với Zing.
Giờ đây, những giấy dán và barie đánh dấu khu vực cách ly vắng bóng tại Hà Nội, TP.HCM. Ảnh minh họa: Thạch Thảo. |
P.N. không phải F0 duy nhất ra đường dù chưa khỏi bệnh. Thực tế cho thấy nhiều bệnh nhân Covid-19 khi tự điều trị tại nhà vẫn xuất hiện tại nơi công cộng. Mua thuốc, thực phẩm, đi khai báo y tế và xét nghiệm là một trong những lý do.
Bên cạnh đó, một số F0 lại rời nhà với mục đích khá đặc biệt như chăm vợ đẻ hoặc đến công ty hoàn thành tiến độ dự án.
Không còn giấy dán hay hàng rào barie đánh dấu khu vực cách ly, họ ra khỏi nhà khá dễ dàng như bất kỳ người khỏe mạnh. Tất cả đều cho rằng việc ra đường của mình là bất khả kháng.
F0 vẫn đi làm
Khoảng 2 tuần qua, cứ đến 19h hàng ngày, M. (27 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại đến công ty làm việc. Sau giờ hành chính, đồng nghiệp ra về hết, nam F0 cho đây là thời điểm thích hợp để có mặt tại văn phòng.
Cuối tháng 2, M. nhận kết quả xét nghiệm dương tính dù không có triệu chứng bệnh. Thấy số nhân viên mắc Covid-19 tăng cao, công ty của M. quyết định cho tất cả làm việc tại nhà, chỉ một số F1 có mặt tại văn phòng để giải quyết các thủ tục, giấy tờ bắt buộc.
Ở nhà, sức khỏe của M. vẫn tốt nhưng anh không thể làm việc online do không có thiết bị phù hợp. Trong khi đó, công ty của anh ký hợp đồng với nhiều bên nên lượng công việc rất lớn. Cấp quản lý xin lùi deadline với một số đối tác với lý do dịch bệnh nhưng không phải ai cũng dễ dàng thỏa thuận. M. và nhiều đồng nghiệp khác buộc phải làm việc cho kịp tiến độ nhằm giữ uy tín.
M. có mặt tại văn phòng khi đồng nghiệp về hết. Ảnh: NVCC. |
"Tôi làm công việc dựng phim nên cần máy tính có cấu hình cao, dung lượng lớn. Laptop ở nhà của tôi không đủ mạnh nên thường xuyên bị treo, đơ. Nhiều lúc, tôi dựng phim gần xong thì mọi thứ 'toang', máy hỏng không cứu lại được gì.
Ngoài ra, tôi cũng không có được sự tập trung tối đa nếu làm việc tại nhà. Cứ làm được một lúc là tôi lại nằm ra giường hoặc ngó nghiêng linh tinh, dẫn đến hiệu quả công việc gần như bằng 0", M. nói.
Theo M., mỗi tối rời nhà tới văn phòng, anh đều đeo khẩu trang cẩn thận và lựa chọn khúc đường vắng để di chuyển. Tòa nhà nơi anh làm việc có một vài công ty nhưng hầu hết đều đóng cửa trước 19h, do vậy anh gần như không tiếp xúc với ai.
Anh cũng mang theo nước uống, một chút đồ ăn nhẹ để tránh dùng chung đồ dùng cùng đồng nghiệp tại văn phòng.
"Trước khi quyết định đến công ty làm việc, tôi đã tham khảo ý kiến một số người. Có người nói không nên đi, có người lại bảo nếu không tiếp xúc ai và cơ thể trong trạng thái bình thường thì vẫn có thể ra ngoài.
Ban đầu, tôi đắn đo lắm. Nhưng sau khi đọc thông tin trên báo chí, mạng xã hội rằng có nhiều F0 vẫn ra đường để mua thuốc hay đi khai báo y tế, đây đều là những nơi tập trung đông người, trong khi công việc của tôi không hề tiếp xúc với ai", M. lý giải.
Một người dân quay xe khi gặp chốt kiểm dịch. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
M. cho biết thêm một lý do khiến anh phải ra đường đó chính là bản thân dễ bị stress khi ở lâu trong không gian chật hẹp. Phòng trọ của anh khá nhỏ, việc ở nhà cả ngày khiến anh bí bách, khó sáng tạo.
Năm ngoái, sau khi Hà Nội dỡ bỏ quy định giãn cách xã hội, anh phải mất một thời gian khá dài mới cân bằng lại được tâm lý.
"Theo tôi, F0 khỏe mạnh, tự ý thức không tiếp xúc với ai thì có thể đến công ty làm việc. Như công việc của tôi chỉ có thể làm nếu sử dụng máy của công ty để đăng nhập mạng nội bộ và hệ thống cơ sở dữ liệu vì lí do bảo mật, thế nên tôi buộc phải ra khỏi nhà", M. nói.
F0 chăm vợ đẻ
Ngày 14/3, vợ nhập viện sinh con đầu lòng nhưng N.T.L. (sinh năm 1994, quận Thanh Xuân, Hà Nội) không thể đi theo vì là F0, phải cách ly tại nhà.
Ngày 17/3, vợ xuất viện, anh vẫn chưa thể lại gần nhìn mặt con và bế ẵm. Tái nhiễm Covid-19 đã khoảng một tuần, anh chưa có kết quả âm tính nên chỉ có thể chăm vợ từ "vòng ngoài" bao gồm việc mua sắm thực phẩm, đồ dùng. Còn việc ở "vòng trong" như cơm nước, giặt giũ và bế em bé đều do mẹ vợ anh hỗ trợ.
"Vợ tôi từng một lần mắc Covid-19 khi mang thai, may mắn chỉ bị nhẹ nên không ảnh hưởng đến em bé. Bố mẹ tôi ở quê cũng vừa trở thành F0, đôi bên chỉ còn mẹ vợ là khỏe mạnh nên mọi việc đều nhờ bà giúp. Tôi rất sốt ruột khi không thể tự tay chăm vợ", L. nói.
Thùng thực phẩm L. ra bến xe nhận vào sáng 18/3. Ảnh: NVCC. |
Mỗi buổi sáng, khoảng 6h30, L. đều dậy sớm đeo khẩu trang, găng tay y tế rồi chạy xe máy ra khu chợ cách nhà 2 km. Anh cho biết vợ mình mới đẻ, cần ăn thực phẩm tươi ngon để bồi bổ, kích sữa. Thực đơn đều do mẹ vợ anh lên giúp từ buổi tối hôm trước, anh chỉ việc mua theo lời dặn.
Ngoài ra, trong một ngày, anh ra đường thêm vài lần nữa để mua sắm vật dụng cần thiết như giấy ướt, giấy khô, các loại chậu lớn, nhỏ, thuốc và sữa cho sản phụ… Thỉnh thoảng, anh đến bến xe nhận thực phẩm do họ hàng gửi lên từ quê.
"Sinh con đầu lòng nên vợ chồng tôi rất lúng túng, cái gì cũng thấy thiếu dù trước đó đã chuẩn bị kỹ càng. Tôi chỉ sợ rằng chẳng may mình lây bệnh cho vợ con nên định ra khách sạn để cách ly. Nhưng nhà ai có trẻ sơ sinh rồi mới biết một người chăm thôi là rất khó. Mẹ vợ tôi ở quê lên lại không biết đường sá để mua sắm", L. giải thích.
Nhiều F0 cho rằng mình buộc phải ra đường để mua thực phẩm, thuốc men. Ảnh minh họa: Thạch Thảo. |
Anh cho biết việc ra ngoài khi vẫn chưa âm tính là biện pháp bắt buộc để đảm bảo sinh hoạt tối thiểu cho gia đình có sản phụ và trẻ sơ sinh. Việc đặt ship đồ ăn có thể khả thi nhưng thời gian chờ đợi thường khó đoán, mặt hàng cũng không thể đa dạng, đúng ý như tự mình ra chợ.
"Tôi rất áy náy khi phải ra đường như vậy, mỗi lần dắt xe ra khỏi nhà đều phải ngó xem có hàng xóm nhìn thấy không. Nhưng tôi đã dương tính đến ngày thứ 7, gần hết triệu chứng rồi. Giờ đây, số lượng F0 ở thành phố quá nhiều nên đâu còn được hỗ trợ như trước đây", anh nói.