Cơn mưa tối qua đổ xuống TP.HCM, đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) ngập mênh mông. Hàng loạt xe bị chết máy khi chạy qua khu vực trước tòa nhà The Manor, người dân mò mẫm lau chùi bugi.
Khu vực này nằm trong phạm vi chống ngập của Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (Công ty Quang Trung). Cuối tháng 4 vừa qua, TP.HCM đã ký hợp đồng thuê máy bơm chống ngập của doanh nghiệp này trong 7 năm, giá thuê mỗi năm 14,2 tỷ đồng.
Lý giải cho tình trạng ngập, trong báo cáo gửi lên UBND TP.HCM ngày 15/9, Công ty Quang Trung cho rằng trận mưa lớn liên tục 3 giờ ngày 14/9 vượt thiết kế và hợp đồng cả về vũ lượng và thời gian mưa.
Đường ngập, máy bơm vẫn hoàn thành nhiệm vụ
Công ty Quang Trung cho biết cơn mưa kéo dài hơn 3 giờ, vũ lượng đo tại trạm bơm là 165 mm, vượt so với thiết kế và hợp đồng. Trong lúc mưa to, đường Nguyễn Hữu Cảnh có một số chỗ bị ngập 15-20 cm, sau đó nước mưa chảy xuống các miệng cống rồi chảy về trạm bơm.
Phía đơn vị vận hành máy bơm cho rằng trong lúc mưa lớn, tại khu vực bị ngập trong phạm vi hợp đồng phải hứng chịu nước từ những khu vực lân cận bên ngoài phạm vi chống ngập của máy bơm như khu vực đường Điện Biên Phủ đổ dồn về.
“Trạm bơm đã bơm hết sạch nước lúc 20h30 nên xét về các yêu cầu kỹ thuật và sự việc diễn ra thực tế thì chức năng của máy bơm đã hoàn thành nhiệm vụ”, Công ty Quang Trung báo cáo.
Doanh nghiệp này viện dẫn tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng để khẳng định máy bơm chống ngập thành công. Theo đó, sau khi dứt cơn mưa sau 30 phút mà khu vực chống ngập vẫn bị ngập thấp hơn 10 cm được coi là không bị ngập; lớn hơn 10 cm được coi là ngập nhẹ; lớn hơn 20 cm được coi là ngập vừa; lớn hơn 30 cm được coi là ngập nặng.
Xe bị chết máy trên đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn gần cầu Sài Gòn sau cơn mưa tối 14/9. Ảnh: Sỹ Đông. |
Thực tế, theo ghi nhận của Zing.vn chiều tối qua trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, đoạn từ cầu vượt Thủ Thiêm đến số nhà 125A Nguyễn Hữu Cảnh (bao gồm cả đoạn trước tòa nhà The Manor, nằm trong phạm vi hợp đồng thuê máy bơm chống ngập), cảnh tượng xe chết máy hàng loạt vẫn diễn ra.
Ông Trần Văn Thanh (ngụ quận 4) vừa dắt xe lên vỉa hè vừa nói với Zing.vn: "Thật khó hiểu khi thành phố tốn hơn chục tỷ đồng thuê máy bơm để chống ngập 6 tháng mùa mưa nhưng dân vẫn phải lội nước bì bõm".
Xe của ông Thanh bị chết máy khi cố chạy qua đoạn nước ngập khoảng 40 cm. Sau một hồi lọ mọ sửa chữa, chiếc xe vẫn không nổ máy, người đàn ông này dắt bộ tìm tiệm sửa xe.
Bà Trần Thị Mây (ngụ quận 9) ngồi nép vào hiên nhà để trú mưa trong thời gian chờ người nhà đến, chiếc xe máy dựng trên vỉa hè. Người phụ nữ cho biết đây là lần đầu tiên gặp cảnh xe bị chết máy dù đã nghe nhiều câu chuyện ngập nước ở tuyến đường này.
Cần có nơi trữ nước mưa
Ngoài máy bơm chống ngập, đường Nguyễn Hữu Cảnh sắp được Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM nâng cấp để chống ngập. Dự án sẽ sửa chữa, nâng cấp toàn bộ tuyến đường này với tổng mức đầu tư gần 473 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách.
“Sau khi dự án hoàn thành, đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ cơ bản hết ngập”, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông khẳng định.
Máy bơm công suất lớn của Công ty Quang Trung. Ảnh: Phước Tuần. |
Trong khi đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc thuê máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh chỉ là giải pháp tạm thời. Ngay cả dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường này cũng không thể đảm bảo hết ngập trong tương lai.
Theo ông Sơn, khu vực này trước đây không bị ngập do nước mưa ngấm xuống đất hoặc thoát tự nhiên ra sông, rạch. Nhưng đến nay, đường Nguyễn Hữu Cảnh giống như con mương bởi các dự án 2 bên đường như The Manor, Saigon Pearl, Vinhomes Tân Cảng đều có cốt nền cao, mật độ xây dựng lớn và bê tông hóa.
“Nước mưa đổ dồn từ các dự án vào đường Nguyễn Hữu Cảnh thì không có tuyến cống nào đáp ứng được nên ngập là tất yếu”, KTS Nam Sơn nêu thực tế.
Ông cho rằng đây là lỗi quy hoạch của chính quyền khi đã không yêu cầu chủ đầu tư dự án bất động sản đánh giá tác động môi trường. Do vậy, thành phố cần sửa sai bằng cách làm việc với các chủ đầu tư và đề nghị họ xây dựng các không gian trữ nước.
“Việc này có lợi cho cả chính quyền và chủ đầu tư dự án. Đường không ngập thì giá trị căn hộ, uy tín chủ đầu tư tăng lên còn thành phố không phải lo chống ngập, người dân đi lại an toàn”, KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích.
Phạm vi chống ngập của máy bơm. Ảnh: Google Maps. |