Cuối tuần qua, mưa lớn diện rộng xảy ra trên địa bàn Hà Nội. Nút giao đại lộ Thăng Long và Lê Trọng Tấn bị ngập nhiều ngày, gây thiệt hại lớn về tài sản, đảo lộn cuộc sống của người dân, giao thông tê liệt...
Theo tìm hiểu của Zing.vn, khu vực này thường xuyên ngập sâu do nhiều nguyên nhân, đáng kể nhất là thiết kế đường gom, hệ thông thoát nước không đảm bảo yêu cầu, nền các dự án khu đô thị cao hơn nên nước tập trung đổ về đường gom.
Khốn khổ vì ngập nhà, ngập đường
Chia sẻ với phóng viên về những ngày sống trong ngập lụt, anh Trần Văn Nam (ở khu đô thị Geleximco trên đường Lê Trọng Tấn) cho biết khu này cứ hễ có mưa to là ngập nặng.
"Ngày 21/7, khu nhà tôi bị cô lập trong nước lũ. Các tuyến đường nội bộ của khu đô thị này đều ngập sâu ở mức từ 30-60 cm khiến giao thông tê liệt. Người dân không thể di chuyển, tầng hầm ngập sâu trong nước", anh Nam nói.
Theo ghi nhận, nhiều người dân phải đắp bao cát để ngăn nước vào và sơ tán hàng hóa, nước vẫn dâng cao tràn đầy tầng hầm. Nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình bị thiệt hại khá lớn do để xe máy, hàng hóa ở tầng hầm. Người dân bức xúc với tình trạng ngập úng và họ cho rằng do hệ thống hạ tầng, thoát nước không đồng bộ và kém.
Hầm chui nút giao đường gom đại lộ Thăng Long và Lê Trọng Tấn ngập sâu, nhiều ôtô, xe máy bị chết máy. Ảnh: Thắng Quang. |
Chị Trần Phương Thảo cho hay gia đình chị bỏ hàng chục tỷ đồng mua căn hộ cao cấp ở khu đô thị Nam An Khánh với cam kết hạ tầng tốt nhất có thể và tránh ồn ào ở nơi phố thị. Nhưng khi về đây ở, chị thấy cảnh ngập úng, đường biến thành sông nên có ý định bán nhà đến chỗ khác.
"Mọi nẻo đường bị cô lập khi có mưa lớn. Tôi đi làm không đi được, đường ngập để ôtô ở nhà, lấy xe máy ra tìm lối cũng khó. Các cơ quan chức năng bao năm nay thấy người dân sống trong ngập lụt mà không đưa ra phương án nào cụ thể cả. Không lẽ cứ để dân sống mãi thế này", chị Thảo bức xúc.
Đường gom, hệ thống thoát nước sai thiết kế
Liên quan đến dự án đại lộ Thăng Long, cuối năm 2010, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận có nhiều sai phạm, khuyết điểm của chủ đầu tư và nhà đầu tư thực hiện dự án là Vinaconex và một số cơ quan, đơn vị liên quan khác trong quá trình triển khai dự án làm tổng mức đầu tư bị "đội" hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, ngay từ khâu lập, thẩm định và trình duyệt thiết kế, tổng mức đầu tư dự án, kết quả thanh tra cho thấy, chất lượng công tác lập tổng mức đầu tư, thiết kế, dự toán chưa cao, có nhiều sai sót. Trong khi đó, công tác thẩm tra, thẩm định, trình duyệt chưa chặt chẽ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai dự án.
Ngập sâu ở cổng khu đô thị Nam An Khánh trên đường Lê Trọng Tấn, cuối tuần qua. Ảnh: Thắng Quang |
Về thiết kế, theo quyết định 2013/QĐ ban hành năm 2003 của Bộ trưởng GTVT thì chiều rộng nền đường dự án tối thiểu là 140 m. Nhưng thực tế, chiều rộng nền đường tối đa chỉ còn 134 m, hụt mất 6 m (trừ đoạn xả lũ sông Đáy).
Một số khu đô thị (trong đó có khu được bàn giao quỹ đất sai đối tượng khi triển khai dự án), khu công nghiệp dọc hai bên tuyến đường tiến hành san lấp mặt bằng cao hơn cao độ theo quy hoạch được duyệt, không có đường gom nội bộ mà lại kết nối trực tiếp với đường gom thuộc tuyến đại lộ Thăng Long.
Thiết kế cao độ đường gom và hệ thống thoát nước hai bên tuyến đường thực tế không đúng quy định. Cao độ đường gom không được lấy theo cao độ san nền khu vực tuyến đường đi qua.
"Đoạn từ km 4+990 đến km 30+180 (tức là dài hơn 25 km - PV), cao độ đường gom thấp hơn cao độ nền xây dựng hai bên đại lộ Thăng Long từ 0,5-1,5 m. Cách thiết kế các hạng mục này sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, gây mất an toàn giao thông khi tuyến đường đi vào khai thác", kết luận thanh tra nêu.
Đường gom đại lộ Thăng Long bị ngập có nguyên nhân lớn là sai thiết kế, nền các khu đô thị cao hơn. Ảnh: Việt Linh. |
Thanh tra Chính phủ xác định Bộ GTVT, Bộ Xây dựng và UBND Hà Nội có trách nhiệm về việc chưa thực hiện đúng các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc quy hoạch, xác định quỹ đất giao cho nhà đầu tư khai thác tạo vốn, phê duyệt dự án khi chưa đủ các yếu tố cơ bản về nguồn vốn, khả năng tài chính của nhà đầu tư… dẫn đến phải thay đổi hình thức đầu tư, làm chậm tiến độ dự án, tăng tổng mức đầu tư do biến động giá với giá trị trên 1.000 tỷ đồng.
Đơn vị này yêu cầu UBND Hà Nội tiến hành kiểm điểm những cá nhân có sai phạm trong dự án này. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, tính toán làm rõ nghĩa vụ đối với những dự án không nằm trong diện đổi đất lấy hạ tầng nhưng vẫn được hưởng lợi từ đại lộ Thăng Long, như: Khu đô thị Nam An Khánh, khu đô thị - công nghiệp Quốc Oai...
Kết luận thanh tra đã rõ đúng sai trong thiết kế. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan liên quan chưa có phương án sửa chữa, thay thế các hạng mục vi phạm.
Ngã ba gần khu đô thị Nam An Khánh (khoanh đỏ), Thiên đường Bảo Sơn là những khu vực gần đại lộ Thăng Long ngập sâu mấy ngày qua. Ảnh: Google Maps. |
Đại lộ Thăng Long là công trình đặc biệt quan trọng của Hà Nội dài gần 30 km, kết nối trung tâm thủ đô với chuỗi đô thị phía tây: Xuân Mai - Miếu Môn - Hoà Lạc - Sơn Tây và nối liền các tuyến vành đai 2, 3 và 4 với quốc lộ 21 (đường Hồ Chí Minh). Dự án có tổng mức đầu tư điều chỉnh lên tới trên 7.530 tỷ đồng (vốn đầu tư xác định ban đầu hơn 3.730 tỷ đồng). Dự án được khởi công từ tháng 3/2005 và đưa vào sử dụng đầu tháng 10/2010.