Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao được hỗ trợ nhiều nhưng học sinh vẫn thờ ơ với ngành sư phạm?

Nhiều phụ huynh luôn mong muốn con được học với giáo viên giỏi nhưng lại có ít học sinh lựa chọn ngành sư phạm.

Chính phủ mới đây ban hành Nghị định quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt của sinh viên sư phạm. Theo đó, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí và 3,63 triệu đồng/tháng. Đây được xem là giải pháp thu hút học sinh lựa chọn ngành sư phạm, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo khối ngành này.

Tuy nhiên các chuyên gia đánh giá, ngành sư phạm hiện vẫn còn kém hấp dẫn với học sinh, và ngay cả khi ngành giáo dục thiếu giáo viên thì học sinh vẫn quay lưng với sư phạm. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2019-2020, toàn quốc thiếu 71.941 giáo viên mầm non, phổ thông. Trong đó giáo dục mầm non thiếu 45.242, tiểu học thiếu 12.450, trung học cơ sở thiếu 4.486, trung học phổ thông thiếu 9.763 giáo viên.

Chuyên gia và các giáo viên chỉ rõ 2 lý do chính dẫn đến tình trạng trên. Thứ nhất, mức lương, chế độ đãi ngộ của giáo viên thấp so với nhiều ngành nghề khác, trong khi áp lực trong công việc lại nhiều. Thứ hai, việc đào tạo ồ ạt ngành sư phạm trong nhiều năm, sự phân bổ chỉ tiêu không đều giữa các địa phương khiến một bộ phận lớn sinh viên ra trường không có việc làm.

hoc sinh van tho o voi nganh su pham anh 1

Lương giáo viên hiện nay còn thấp. Ảnh minh họa.

Theo GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, để ngành sư phạm thu hút học sinh, nhà nước phải tập trung nâng cao đời sống, mức lương cho giáo viên. Một số quốc gia hoặc ngay như Thái Lan, lương giáo viên có thể nuôi sống được gia đình 4 người.

Người làm nghề dạy học ở nước bạn thu nhập tốt, có tài sản tích lũy. Từ đó họ mới yên tâm làm chuyên môn. Nhưng giáo viên Việt Nam thì chưa có điều kiện được như vậy. Vì thế, nhiều thầy cô bên cạnh công việc chuyên môn còn phải làm thêm kiếm tiền, chất lượng giảng dạy vì thế sẽ không đảm bảo.

Giáo sư Dong nói, điểm mấu chốt khiến cho ngành sư phạm hiện nay không thu hút được học sinh là do chế độ lương, thưởng của giáo viên còn quá thấp. Dù nhà nước có nhiều chính sách quan tâm đến thầy cô, thực tế là có người không thể sống được bằng nghề.

Việc thừa thiếu giáo viên ở các địa phương là do cơ chế chồng chéo tuyển dụng, quản lý giữa Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT. Trong khi sử dụng giáo viên và quản lý giáo viên là Bộ GD&ĐT thì tuyển dụng, tính toán chỉ tiêu lại là Bộ Nội Vụ. Đồng nghĩa với việc được sử dụng nhưng lại không có quyền tuyển dụng và ngược lại.

Cách tính biên chế giáo viên hiện theo công thức tỷ lệ số học sinh tương ứng với số giáo viên. Chẳng hạn 500 học sinh thì tương ứng với 10 giáo viên. Thực tế sẽ có những môn thừa giáo viên, môn thiếu giáo viên. Nếu theo cách tính này thì theo thầy Dong, giáo viên thừa cứ thừa mà thiếu cứ thiếu.

hoc sinh van tho o voi nganh su pham anh 2

Nhiều thầy cô phải làm thêm công việc bên ngoài vì đồng lương chính quá thấp. Ảnh: V.N.

“Tôi nghĩ việc tuyển dụng biên chế giáo viên nên giao lại cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra chúng ta nên sử dụng cơ chế đặt hàng. Hàng năm, Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục sẽ tính toán nhu cầu giáo viên của từng môn học. Sau đó đặt hàng về các trường sư phạm địa phương. Như vậy sẽ không lo bị đào tạo thừa mà chất lượng đào tạo cũng được nâng cao”, giáo sư Dong đề xuất.

PGS Trần Xuân Nhĩ cũng ủng hộ việc tăng lương cho giáo viên. Bởi nếu làm đúng chức năng, nhiệm vụ thì thời gian của nhà giáo chỉ làm tốt công tác giáo dục.

Mặc dù cống hiến và làm việc nhiều nhưng mức lương khởi điểm của một giáo viên mầm non, tiểu học khi mới ra trường chỉ 3-4 triệu đồng/tháng.

“Mức lương ấy làm sao mà sống nổi. Vì vậy giáo viên phải làm thêm, chân trong, chân ngoài dẫn đến lơ là công tác chuyên môn. Tôi nghĩ hệ số lương của đội ngũ giáo viên cũng phải bằng hệ số lương của công an, quân đội”, PGS Trần Xuân Nhĩ nói.

Cô giáo Phạm Thị Hằng, giáo viên huyện Ba Vì (Hà Nội), công tác 21 năm trong ngành giáo dục khi lương được 160.000 đồng, và đến giờ mức lương là 1.390.000 đồng. Đây là mức lương của những giáo viên hợp đồng ở Hà Nội.

Con gái cô Hằng cũng rất thích ngành sư phạm, nhưng đến năm thi đại học, cô bé chọn đi xuất khẩu lao động. Cô Hằng lý giải con gái nhìn cảnh mẹ làm vất vả lương lại quá thấp nên quyết định từ bỏ ước mơ từ bé. “Con gái nói con đi làm thêm một tháng cũng được 5 triệu đồng", cô Hằng nói.

Bộ GD&ĐT nói gì khi ĐH Đông Đô xảy ra sai phạm nghiêm trọng?

Bộ GD&ĐT thừa nhận công tác quản lý của bộ còn nhiều bất cập tuy nhiên không buông lỏng quản lý, tạo kẽ hở cho sai phạm của ĐH Đông Đô.

https://vtc.vn/vi-sao-duoc-ho-tro-nhieu-nhung-hoc-sinh-van-tho-o-voi-nganh-su-pham-ar582557.html?fbclid=IwAR2Z7bKzkZvHU2dTa3ztLXgVSfydm3OQYs3RAL5k9ZrefKU9nuFQKDcT0ss

Vũ Ninh / VTC

Bạn có thể quan tâm