Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao đô thị Tam Kỳ ngập lụt kéo dài?

Mưa lớn kỷ lục bất thường trong tháng 12 kết hợp với thủy triều dâng cao đạt đỉnh; hệ thống thoát nước bất cập đã khiến đô thị Tam Kỳ (Quảng Nam) ngập lụt dài ngày.

Theo quan trắc của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, từ 7h ngày 9/12 đến 13h ngày 12/12, Quảng Nam xuất hiện mưa lớn kỷ lục. Cụ thể, tại Câu Lâu là 1.014 mm; Tam Kỳ 944 mm; Hội An 770 mm; Giao Thúy 603 mm; Ái Nghĩa 534 mm; Tiên Phước 259 mm...

Đợt mưa lũ lớn này gây tổn thất lớn cho các huyện Phú Ninh, Thăng Bình và TP Tam Kỳ khiến 4 người chết, tổng thiệt hại khoảng 126 tỷ đồng.

Mưa kỷ lục bất thường 50 năm qua

Ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, cho biết trong 50 năm qua, địa phương chưa từng xảy ra mưa lớn kỷ lục, bất thường vào trung tuần tháng 12 như vậy.

Theo ông Hải, mưa lớn dồn dập trùng khớp thời điểm triều cường dâng cao đạt đỉnh khiến mực nước dâng cao đột biến đến 3,23 m (xấp xỉ đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 3,24 m).

"Lượng mưa quá lớn kết hợp với triều cường dâng cao khiến hệ thống cống không thoát nước kịp gây ngập sâu đô thị Tam Kỳ", lãnh đạo Công ty Khai thác thủy lợi Quảng Nam nhận định.

Mua lu ngap sau Quang Nam anh 1
 Khu dân cư khối phố Trường Đồng (phường Tân Thạnh) nằm bên trong khu vực đê sông Tam Kỳ bị cô lập dài ngày trong mưa lũ. Ảnh: Minh Hoàng.

Hàng loạt tuyến đường và nhà dân ở TP Tam Kỳ ngập sâu, có nơi ngập 2 - 3 m. Gắn bó với mảnh đất này hàng chục năm qua, ông Trần Văn Anh (ngụ phường An Sơn) cho rằng mình chưa từng chứng kiến mưa lớn xuất hiện vào gần giữa tháng cuối năm dâng cao nhanh và kéo dài như vậy.

"Từ khuya 8/12 mưa lớn trút xuống dồn dập. Sau đó, nước bất ngờ dâng cao khiến người dân không kịp trở tay. Nhiều khu dân cư bị ngập sâu, cô lập kéo dài suốt ba ngày nước mới rút xuống", ông Anh nói.

Tuyến quốc lộ 1 từ TP Tam Kỳ đi Đà Nẵng và đoạn qua các xã Bình An, Bình Tú, Bình Trung (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) bị ngập nặng khiến giao thông tê liệt.

Mua lu ngap sau Quang Nam anh 2
 Khu vực chợ Tam Kỳ ngập sâu trong mưa lũ 2m. Sau ba ngày ngập lụt, các tiểu thương nơi đây mới có thể trở lại buôn bán. Ảnh: Minh Hoàng.

Hệ thống cống thoát chưa đồng bộ

Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay lượng mưa lớn kỷ lục trút xuống tập trung từ Thăng Bình vào đến Núi Thành. Mưa lớn dồn dập kết hợp với triều cường dâng cao khiến Tam Kỳ ngập sâu kéo dài. 

Theo ông Thanh, mưa lũ lớn không thể thoát kịp qua 5 cống thoát ở TP Tam Kỳ. Dù Quảng Nam chưa đánh giá nhưng đê bao sông Tam Kỳ cũng là một trong những yếu tố khiến mưa lũ dồn ứ trong khu vực đô thị.

"Thực tế là sau khi xây xong đê bao sông, hệ thống thoát nước của thành phố còn bất cập, chưa được đầu tư đồng bộ. Tỉnh sẽ đầu tư mở rộng khẩu độ hệ thống cống thoát sau trận mưa lũ này", vị phó chủ tịch Quảng Nam nói. 

Kiến trúc sư Quy hoạch đô thị Huỳnh Quốc Hội (ngụ Quảng Nam) phân tích mưa lớn dồn dập dâng cao trên sông gặp triều cường ép lên gây ngập sâu các phường Hòa Hương, Phước Hòa, Tân Thạnh (khu vực bờ sông đô thị). 

Mua lu ngap sau Quang Nam anh 3
 Miệng cống thoát nước Phú Thọ trên đường Phan Chu Trinh (TP Tam Kỳ) nhỏ hẹp lại bị người dân đổ xà bần bồi lấp. Ảnh: Minh Hoàng.

Bất cập quy hoạch đô thị

Ông Hội cho rằng sự xuất hiện của cây cầu Điện Biên Phủ, đường dẫn và đê bao sông Tam Kỳ vô tình đã  bó hẹp dòng chảy tự nhiên của thủy triều mùa lũ.

Cuối năm 2018, dự án đê bao sông Tam Kỳ nằm trong tiểu dự án cải thiện chống biến khí hậu mới hoàn thành 50% (khoảng 8 km). Qua đợt mưa lũ vừa qua, đê bao này bộc lộ mặt trái là lũ tràn vào bên trong đê gây ngập, cô lập các khu dân cư dài ngày. Giải pháp lúc này là dùng máy bơm công suất lớn đưa nước từ bên trong đê ra bên ngoài mới mong chấm dứt tình trạng ngập kéo dài. 

Vị Kiến trúc sư giải thích thêm, khu vực chợ Tam Kỳ (phường Phước Hòa) ngập sâu, chia cắt suốt ba ngày là do nước mưa lớn dồn ứ, lại thêm nước sông ép vào (nước trồi lên từ cống, hố ga) nên không có khả năng thoát. Do vậy, trong lúc nhiều khu vực mưa lũ đã rút hết thì ở khu vực này nước vẫn còn lênh láng. 

"Để cải thiện tình trạng này, cơ quan chức năng Quảng Nam cần cân nhắc khi cấp phép, cấp đất cho các  nhà đầu tư nhằm bảo vệ lưu vực chứa nước mùa lũ. Nhà chức trách xem xét hạn chế phát triển đô thị tràn lan và bê tông hóa quá mức cản trở dòng thoát lũ gây hệ lụy khó lường", ông Hội cảnh báo. 

Rác, rau củ thối rữa tràn lan chợ Tam Kỳ sau mưa lũ Hàng trăm tiểu thương Tam Kỳ (Quảng Nam) thiệt hại nặng do hàng hóa bị ngập trong mưa lũ lâu ngày. Rác thải, rau củ quả hư hỏng, thối rữa tràn lan ở chợ Tam Kỳ.

Minh Hoàng

Bạn có thể quan tâm