Gần đây, diễn viên nữ phim Việt bắt đầu mặc đẹp và mặc đắt mỗi khi lên sóng truyền hình. Thậm chí, có những người đẹp phải bỏ ra hàng tỷ đồng, đi nhiều nước mua sắm trang phục để lên hình "cho đẹp".
Trả lời Zing về vấn đề này, diễn viên Lã Thanh Huyền nói: "Mỗi cảnh quay, tôi mặc một bộ đồ mới, không lặp lại. Cát-xê có thể không đủ để trang trải những khoản đầu tư cho vai diễn, nhất là những nhân vật sang chảnh. Song, tôi nghĩ diễn viên vẫn phải tự đầu tư nếu muốn có vai ấn tượng". Cô thừa nhận học hỏi việc chuẩn bị trang phục chỉn chu, hợp với nhân vật từ các nữ diễn viên Hàn Quốc, đặc biệt là Son Ye Jin trong Hạ cánh nơi anh.
Đầu tư hàng hiệu cho vai diễn đã là việc quá quen thuộc với các sao nữ cũng như ngành công nghiệp phim ảnh xứ kim chi. Đặc biệt, với dòng phim truyền hình, có một nguyên tắc bất thành văn luôn xuất hiện trong mọi tác phẩm, đó là sao nữ phải luôn mặc đẹp, mặc sang và thời thượng.
Ở đợ, nợ tiền hay nhặt rác vẫn phải mặc hàng hiệu
Thời điểm Hạ cánh nơi anh lên sóng, nhiều phương tiện truyền thông đã đặt câu hỏi về việc nhân vật Yoon Se Ri (Son Ye Jin) luôn mặc đồ hiệu dù đang lưu lạc ở vùng quê nghèo tại Triều Tiên - nơi gần như "tuyệt giao" với thế giới phồn hoa bên ngoài và không tồn tại khái niệm hàng hiệu.
Không khó để tìm ra tung tích các mẫu quần áo được Yoon Se Ri diện trong giai đoạn này. Hầu hết là trang phục đắt đỏ của các nhà mốt châu Âu, thậm chí còn là mẫu nằm trong các bộ sưu tập mới nhất.
Đơn cử, chiếc áo sơ mi "công chúa kén ăn" mua được ở khu chợ nghèo thực tế là mẫu thiết kế đến từ thương hiệu Vivienne Westwood. Hay chiếc áo vest hoa cô mặc đi chợ lại là thiết kế đến từ Giambattista Valli có giá gốc lên tới 4.200 USD. Chiếc chân váy hoa nữ diễn viên mặc trong cảnh đi cắm trại bờ sông thuộc về thương hiệu Marc Jacobs với giá 295 USD.
Son Ye Jin mặc toàn hàng hiệu xa xỉ dù nhân vật của cô đang lưu lạc ở miền quê nghèo tại Triều Tiên, trong tay không có tiền bạc, không có gì ngoài chiếc dù gặp nạn. |
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình huống vô lý này trong các phim truyền hình Hàn.
Trong Huyền thoại biển xanh, Jeon Ji Hyun vẫn mặc hàng hiệu đắt đỏ dù đang hóa thân vào vai người vô gia cư. Cảnh minh tinh 39 tuổi nhặt được quần áo, giày dép trong thùng rác trở thành chủ đề bàn tán khi người hâm mộ phát hiện các mẫu trang phục này đều đến từ thương hiệu thời trang xa xỉ như Lanvin, Miu Miu, Chanel, Saint Laurent với mức giá hàng nghìn, thậm chí cả chục nghìn USD.
Hoặc trong City Hunter, nhân vật Kim Na Na của Park Min Young vẫn diện đồ hiệu, đeo túi ngoại nhập dù phải làm đủ nghề để kiếm sống như lái xe thuê, dán tờ rơi quảng cáo, làm vệ sĩ...
Cô gái nhà nghèo Cha Eun Sang (Park Shin Hye) trong Người thừa kế không có đủ tiền đi học và phải ở nhờ nhà người khác nhưng vẫn chất đầy tủ quần áo những mẫu thiết kế đến từ thương hiệu nước ngoài như Zadig & Voltaire, American Vintage, Tommy Hilfiger... Cô còn có trong tay mẫu điện thoại thông minh mới nhất và đắt tiền nhất thời điểm phim lên sóng là năm 2013.
Dù nhiều lần bị chỉ ra việc lựa chọn trang phục vô lý đến nực cười như trên, dàn sao nữ Hàn vẫn không từ bỏ thói quen mặc đồ hiệu đắt đỏ lên phim bất chấp hoàn cảnh nhân vật. Khán giả nhiều lần chê bai các nhân vật trên vì ăn mặc quá xa hoa so với hoàn cảnh câu chuyện, đoàn làm phim cũng hứng chịu không ít chỉ trích.
Park Min Young, Park Shin Hye và nhiều diễn viên vẫn mặc đồ hiệu, dùng điện thoại đời mới dù đóng vai nhà nghèo. |
Cơn sốt thời trang đến từ phim ảnh
Không thể phủ nhận thực tế thời trang trong phim của nữ diễn viên sẽ góp phần định hình phong cách của giới trẻ Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung. Với những bộ phim ăn khách, khán giả có xu hướng chạy theo các mốt do nhân vật chính lăng xê.
Có thể lấy ví dụ, từ chiếc áo khoác lửng của Song Hye Kyo trong Ngôi nhà hạnh phúc, đến chiếc áo khoác dáng dài có nút cài bằng gỗ của Park Shin Hye trong Người thừa kế, hay phụ kiện cài tóc điệu đà của Ji Yeon, Suzy trong loạt phim Dream High, mới nhất là phong cách thời trang cổ điển của IU trong Hotel Del Luna đều tạo nên xu hướng.
Với sức lan tỏa mạnh mẽ trên, các nhãn hàng thời trang trong và ngoài Hàn Quốc bắt đầu nhận ra lợi ích của việc lăng xê trang phục, thời trang qua phim ảnh. Thay vì những bộ cánh giá bình dân ở giai đoạn trước, từ năm 2013-2014 trở đi, minh tinh xứ kim chi bắt đầu xuất hiện với các bộ cánh lộng lẫy, xa xỉ từ các thương hiệu hàng đầu.
Đơn cử, Jeon Ji Hyun và gu thời trang "chặt chém" trong Vì sao đưa anh tới (2014) từng trở thành đề tài bàn tán rôm rả của giới mộ điệu thời trang. Người đẹp 39 tuổi mặc Gucci, Chanel, Dolce&Gabbana, Balmain, Celine, Hermes trong mọi hoàn cảnh, từ dạo phố đến dọn nhà, nấu ăn, đi ngủ... Các mẫu trang phục cô mặc được phụ nữ tầng lớp quý tộc nước này nhanh chóng "dọn sạch" khỏi kệ đồ của các hãng.
Hay tiểu thư Ah Mo Ne (Lee Da Hae) - người thừa kế khách sạn 5 sao hàng đầu Hàn Quốc trong phim King Of Hotel - cũng luôn diện trang phục đến từ Ralph Lauren, Prada, Michael Kors.
Trong Vì sao đưa anh tới, Jeon Ji Hyun được khen mặc đẹp như lookbook của thương hiệu thời trang xa xỉ. |
Gần nhất, bác sĩ Ji Sun Woo (Kim Hee Ae) của Thế giới hôn nhân cũng khiến người xem "mắt tròn mắt dẹt" với tủ quần áo toàn Hermès, Louis Vuitton, Salvatore, Ferragamo, Givenchy, Tom Ford, Chanel, Max Mara, Lanvin… Đóng vai bác sĩ thành đạt, có địa vị trong xã hội, không khó hiểu khi Kim Hee Ae lại mạnh tay chuẩn bị hàng loạt thiết kế đắt đỏ để mặc trong phim.
Thực tế, không phải diễn viên nào cũng tự bỏ tiền mua sắm cả "núi" hàng hiệu để mặc trong phim. Đa số diễn viên Hàn đều có ê-kíp hỗ trợ gồm công ty quản lý, stylist, thợ trang điểm... Ê-kíp này có nhiệm vụ nghiên cứu kịch bản, xác định hình tượng của nhân vật và lên ý tưởng về trang phục cho nghệ sĩ. Từ phác thảo ý tưởng trên, ê-kíp của mỗi diễn viên sẽ liên lạc với các nhãn hiệu thời trang trong nước và quốc tế để mượn trang phục.
Quan hệ đôi bên cùng có lợi
Tất nhiên, ê-kíp làm phim luôn có khoản kinh phí dành cho việc mua sắm trang phục cũng như thuê sẵn stylist chung cho cả đoàn. Nhưng khoản kinh phí này thường không đáp ứng đủ yêu cầu về phục trang nếu nhân vật trong phim thuộc tầng lớp thượng lưu như Người thừa kế, Vì sao đưa anh tới, Huyền thoại biển xanh, Điên thì có sao... Stylist của đoàn phim thường cũng chỉ đảm nhận nhiệm vụ trông coi, đảm bảo diễn viên mặc trang phục đúng theo rắc-co.
Các hãng thời trang ngày nay thường khá thoải mái trong việc tài trợ trang phục cho diễn viên đóng phim, nguyên nhân lớn nhất đến từ doanh số bán hàng cũng như độ phủ sóng của thương hiệu sau phim.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia mua hàng hiệu nhiều nhất châu Á, các hãng thời trang xa xỉ thường dành một vài suất đại diện thương hiệu cho các nghệ sĩ xứ kim chi với mục đích tăng danh tiếng và kích cầu sản phẩm. Tài trợ váy áo cho diễn viên đóng phim cũng là cách mang lại hiệu quả tương tự.
Ê-kíp của Seo Ye Ji chuẩn bị rất nhiều trang phục đắt tiền cho vai diễn thuộc tầng lớp thượng lưu trong phim Điên thì có sao. |
Thực tế, việc có mượn được nhiều hàng hiệu cao cấp và các mẫu thiết kế mới nhất hay không thường phụ thuộc vào danh tiếng của diễn viên. Nếu người mượn là những minh tinh hàng đầu như Jeon Ji Hyun, Song Hye Kyo, Kim Tae Hee, Kim Hee Ae, Son Ye Jin hoặc các tên tuổi có tiếng trong giới thời trang như Go Joon Hee, Lee Da Hee, Kim Sung Kyung, IU... các nhãn hàng sẽ "rộng tay" hơn trong việc cho mượn phục trang.
Ngoài ra, mối quan hệ trong nghề của stylist cũng là yếu tố quan trọng trong việc mượn quần áo của thương hiệu lớn. Thông thường, stylist sẽ là người đứng ra đảm bảo với nhãn hàng để mượn miễn phí phục trang. Với một số trường hợp, stylist sẽ đặt cọc tiền thuê và khoản tiền này sẽ được hoàn lại sau khi phim đóng máy và trang phục được trả về cho thương hiệu.
Nhờ việc này, diễn viên Hàn Quốc không cần tốn quá nhiều tiền cho phần phục trang mà vẫn có được ngoại hình chỉn chu, sang chảnh khi lên hình. Nếu cần thiết, họ chuẩn bị thêm phụ kiện, giày dép hoặc một số quần áo có sẵn trong tủ đồ của bản thân.
Không ít người hâm mộ sẵn sàng bỏ ra khoản tiền khổng lồ để được mặc bộ váy đẹp hoặc xách chiếc túi sang chảnh như thần tượng của mình trên phim. Vì vậy, về phía thương hiệu, họ đạt được mục đích khiến các mẫu thiết kế của hãng dễ dàng trở nên phổ biến, thậm chí tạo nên cơn sốt khi được các ngôi sao hàng đầu mặc trên phim.
Ngoài ra, việc lăng xê hiệu quả một vài mẫu trang phục qua tác phẩm truyền hình cũng có thể giúp nữ diễn viên Hàn được các nhà mốt chú ý.
Trường hợp này có thể kể tới IU. Sau khi phim kết thúc, cô được thương hiệu Gucci lựa chọn làm đại sứ thương hiệu tại khu vực Hàn Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng đây là ảnh hưởng từ loạt váy áo của cô trong Hotel Del Luna.
Nhiều ý kiến cho rằng IU được chọn làm đại sứ thương hiệu Gucci nhờ mặc đẹp trong phim Hotel Del Luna. |
Trong phim, nữ ca sĩ 27 tuổi vào vai một ma nữ sống hàng nghìn năm, trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau nên đã quen thuộc với gu thời trang cổ điển, đẹp mắt. IU luôn ghi hình với những bộ cánh đơn giản nhưng sang trọng, đậm màu sắc quý tộc. Các yếu tố này được cho là trùng khớp với "tôn chỉ" mà nhà mốt nước Italy đề ra.
Việc mặc váy áo đắt đỏ trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi đóng vai nghèo, đang trốn nợ... của diễn viên Hàn không hẳn chỉ là thói quen phù phiếm hay là một tai nạn nghề nghiệp của các đạo diễn. Đây là kết quả của mối quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa giới giải trí và ngành công nghiệp thời trang.