1. Lý Sơn là huyện đảo thuộc tỉnh nào?
Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía đông bắc tỉnh, cách đất liền gần 30 km. Các xã An Vĩnh, An Hải và An Bình hiện là 3 đơn vị hành chính trực thuộc huyện này. Trong những năm gần đây, Lý Sơn "nổi lên" như một điểm đến thú vị, du khách không nên bỏ qua trên bản đồ du lịch biển, đảo Việt Nam. |
2. Các xã của huyện Lý Sơn phân bố thế nào?
2 xã An Vĩnh và An Hải tọa lạc trên đảo Lý Sơn, hay đảo Lớn, riêng xã An Bình được thành lập ở đảo Bé. Nằm về phía tây bắc đảo Lớn, đảo Bé còn gọi là cù lao Bờ Bãi, từ trên cao nhìn xuống trông như một con rùa bơi giữa biển. Nơi đây là điểm đến lý tưởng để du khách, nhất là các bạn trẻ, có thể lặn ngắm những rạn san hô muôn sắc màu. |
3. Vì sao đảo Lý Sơn còn gọi là cù lao Ré?
Đảo Lý Sơn trước đây được gọi là cù lao Ré. Theo Địa chí Quảng Ngãi, do cù lao này có nhiều cây ré, một loài thực vật mọc hoang, nên dân gian từ đó gọi thành tên. Địa danh này ngày nay vẫn còn lưu truyền qua câu ca dao: "Đi ngang qua mũi Sa Kỳ/ Ngó ra (cù) lao Ré xiết chi thảm sầu". |
4. Các ngọn núi trên đảo Lý Sơn là chứng tích cho điều gì sau đây?
Theo Cổng TTĐT huyện Lý Sơn, đảo này hình thành cách ngày nay khoảng 25-30 triệu năm. Các hòn núi dạng bát úp hiện tồn tại trên đảo đều là chứng tích của núi lửa phun trào, tạo nên những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, thu hút du khách. |
5. Lý Sơn được mệnh danh là "vương quốc" của loại cây trồng nào sau đây?
Lý Sơn từ lâu được mệnh danh là "vương quốc tỏi" của Việt Nam, trở thành thương hiệu nổi tiếng. Giữ vai trò cây trồng đặc trưng, chủ lực của huyện đảo, tỏi Lý Sơn có nhiều ưu điểm như kích thước nhỏ, củ tròn trịa, thơm, cay nhưng vẫn dịu ngọt. Đặc sản này có hàm lượng tinh dầu khá cao, vừa là gia vị vừa là nguồn dược liệu quý. |
6. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm nào?
Năm 2013, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo hồ sơ di sản của Cục Di sản Văn hóa, lễ hội độc đáo này thể hiện sắc thái văn hóa riêng của cư dân đảo, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, gắn với lịch sử chủ quyền lãnh thổ trên vùng Biển Đông của nước ta... |
7. Mức phí áp dụng cho du khách đến tham quan Lý Sơn là bao nhiêu?
Theo Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND ngày 10/7 của HĐND tỉnh Quảng Ngãi, phí tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng tại xã An Hải và An Vĩnh ở đảo Lớn là 70.000 đồng/người/lượt, tại xã An Bình ở đảo Bé là 30.000 đồng/người/lượt. Nghị quyết cũng quy định rõ đối tượng được miễn phí hoặc giảm 30% và 50% mức phí trên. |