Theo South China Morning Post, hồi năm 2009, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố một kế hoạch đầy tham vọng. Đó là nâng cấp Hải Nam thành một điểm đến du lịch đẳng cấp thế giới vào năm 2020. "Hải Nam được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, từ những bãi biển đầy nắng, rợp bóng cọ, thác nước, suối nước nóng đến rừng mưa nhiệt đới", báo cáo hồi năm 2011 của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới nhấn mạnh.
"Không có gì ngạc nhiên khi Hải Nam được mệnh danh là 'Hawaii của phương Đông'. Rất ít nơi trên thế giới, chứ đừng nói riêng Hawaii, có nhiều điểm tham quan và cơ hội để giải trí ngoài trời như vậy", báo cáo viết. Nhưng đến năm 2020, hòn đảo vẫn thất bại trong việc phát huy hết tiềm năng du lịch bất chấp việc chính quyền Trung Quốc liên tục trợ cấp và ưu đãi đầu tư.
Năm 1988, Hải Nam trở thành đặc khu kinh tế (SEZ) giống Thâm Quyến và Chu Hải. Năm 2009, Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố hòn đảo là đặc khu phát triển du lịch quốc tế.
"Hawaii phương Đông"
Năm 2018, Trung Quốc thông báo Hải Nam sẽ trở thành cảng miễn phí, đồng nghĩa với việc du khách sẽ được mua hàng miễn thuế 100.000 NDT mỗi năm, tăng mạnh so với mức 30.000 NDT trước đây. Cùng với đó là một loạt khoản giảm thuế để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, không biện pháp nào đạt hiệu quả.
Hòn đảo đã làm tốt trong việc thu hút du khách trong nước, trở thành bãi biển hàng đầu của quốc gia. Các nhà quản lý khách sạn địa phương khẳng định hoạt động kinh doanh trong mùa hè này vẫn tốt bất chấp lệnh cấm đi lại nước ngoài vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, so với các tỉnh khác và tăng trưởng trên thị trường cả nước, Hải Nam vẫn tụt hậu về khả năng thu hút khách nội địa.
Trong năm 2018, du khách quốc tế chỉ chiếm 1,2% trong tổng số 76 triệu lượt khách du lịch đến hòn đảo và thời gian lưu trú trung bình là 3,3 đêm. Như vậy, chỉ 1,4% trên tổng số 63 triệu người nước ngoài đến Trung Quốc vào năm 2018 tới thăm Hải Nam.
Trên chiếc xe buýt tham quan hai tầng ở thành phố Hải Khẩu, lịch trình không chỉ khó tìm mà còn viết hoàn toàn bằng tiếng Trung. Tiền vé cũng phải được thanh toán qua ứng dụng địa phương WeChat và Alipay.
Khu nghỉ dưỡng hàng đầu Hải Nam Atlantis. Ảnh: Steven Ribet. |
Các nhân viên phục vụ không nói tiếng Anh. Trên khắp hòn đảo, tại khu nghỉ mát bãi biển của thành phố Tam Á (tỉnh Hải Nam), người nước ngoài muốn thuê chỗ ở qua Airbnb phải đăng ký với cảnh sát khi tới nơi. Họ không thể truy cập Wi-fi miễn phí trong các nhà hàng và quán bar nếu không có số điện thoại Trung Quốc.
Du khách nước ngoài cũng không thể đăng ảnh chụp lên Facebook hoặc Instagram. Vào lúc 19h, hồ bơi sâu 1,5 m của khu dân cư đóng cửa. Các bãi biển cũng thường đóng cửa lúc hoàng hôn khi có bão hoặc sóng quá lớn. Giáo sư Yuan Guohong tại Đại học Hải Nam thừa nhận Hải Nam đã thất bại trong việc trở thành điểm đến du lịch đẳng cấp thế giới.
"Chất lượng của các sản phẩm du lịch Hải Nam vẫn chưa đạt tới đẳng cấp quốc tế", ông khẳng định. Ông cũng thừa nhận rằng Hải Nam quảng bá hình ảnh và xây dựng thương hiệu chưa tốt. Du khách cũng thường xuyên phàn nàn về việc mua sắm, ăn uống và các dịch vụ khác đắt đỏ.
"Không đáng tiền"
Tại Fosun Group, công ty điều hành các khu nghỉ dưỡng hàng đầu của Hải Nam, Atlantis và Club Med, Giám đốc điều hành Andrew Xu Bingbin thừa nhận rằng việc "không đáng tiền" từng là vấn đề nhưng đang được cải thiện.
"Khi chúng tôi quảng bá Tam Á cho khách hàng châu Âu, họ so sánh với Bali và Phuket rồi thấy chi phí tại đây cao hơn. Và có thể vào thời điểm đó chất lượng dịch vụ ở Bali và Phuket cũng tốt hơn", ông nói thêm. Tại Dadonghai ở Tam Á, giá của đồ ăn nhanh McDonald’s cao hơn khoảng 50% so với Bắc Kinh dù giá thuê mặt bằng và tiền lương thấp hơn một phần ba so với thủ đô Trung Quốc.
Ngoài giá cao, du khách nước ngoài than phiền rằng Hải Nam thiếu sản phẩm phù hợp với thị hiếu. Một du khách người Nga tên Maria Merenkova, dạy tiếng Anh ở Phật Sơn (tỉnh Quảng Đông) đến thăm Hải Nam vào kỳ nghỉ. "Tôi thích khiêu vũ nhưng không tìm thấy nơi nào để đi và rất khó tìm đồ ăn", cô Merenkova nói. Dù vậy, cô Merenkova cho rằng khách sạn tại đây "khá rẻ và tuyệt vời". Cô chỉ mất 125 NDT/đêm (18,61 USD) cho một phòng lớn có ban công và tầm nhìn ra biển.
Bà Yana Wengel, phó giáo sư tại Trường Cao đẳng Du lịch Quốc tế thuộc Đại học Hải Nam, tin rằng 95% người nước ngoài đến thăm Hải Nam trước đại dịch đến từ Nga và các nước khác thuộc Liên Xô cũ. Nguyên nhân là những chuyến bay từ đó được trợ giá để quảng bá Hải Nam.
Các du khách quốc tế than phiền Hải Nam thiếu sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu. Ảnh: Steven Ribet. |
Một trở ngại khác đối với sự phát triển của Hải Nam là người Trung Quốc có xu hướng không khuyến khích con cái làm việc trong lĩnh vực khách sạn và du lịch. Họ cho rằng đây là những ngành có địa vị thấp với mức lương thấp và thời gian làm việc dài. Thêm vào đó, những quy định về thị thực cũng khiến việc tuyển dụng người lao động chất lượng cao từ nước ngoài trở nên gian nan hơn.
Việc được chỉ định là SEZ không biến Hải Nam thành Thâm Quyến thứ hai. Thu nhập bình quân đầu người tại đây vẫn thấp hơn 20% so với mức trung bình quốc gia. Thay vào đó, điều này kích thích đầu cơ và dẫn tới bong bóng bất động sản.
Khi bong bóng vỡ, các nhà đầu tư bị thiệt hại và nền kinh tế đi vào suy thoái trong một vài năm. Để ngăn chặn bong bóng sau khi Hải Nam được chỉ định thành cảng tự do vào năm 2018, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra những biện pháp hạn chế thị trường nghiêm ngặt.
Cho phép cá cược
Hải Nam cũng được phép thí điểm cá cược thể thao và đua ngựa. Tại Bắc Kinh, ông Jia Kang, cố vấn chính sách cấp cao, cựu trưởng bộ phận nghiên cứu tại Bộ Tài chính Trung Quốc, kêu gọi nới lỏng lệnh cấm cờ bạc trên toàn quốc. Theo ông, luật hiện hành đã thúc đẩy hoạt động cờ bạc ngầm và cờ bạc tại nước ngoài.
Người Trung Quốc tiêu tốn hàng tỷ USD ở các sòng bạc nước ngoài mỗi năm, dẫn đến nguồn thu đáng kể cho những chính phủ nước khác. Ông Jia muốn Hải Nam sử dụng đặc quyền để phát triển cá cược vào thể thao và đua ngựa, một hình thức cờ bạc nhẹ hơn. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa tỏ ra sẵn sàng. Các quan chức vẫn quyết liệt lên án ba tệ nạn mại dâm, ma túy và cờ bạc.
Những ngày qua, trong khi Trung Quốc và cả thế giới vật lộn với dịch Covid-19, Hải Nam không ghi nhận trường hợp nhiễm virus nào. Hòn đảo không yêu cầu giãn cách xã hội hay đeo khẩu trang, ngoại trừ những địa điểm có nhiều xe khách đến thăm mỗi ngày.
Vào mùa hè này, trong những ngày thấp điểm tháng 6 và tháng 7, giá phòng trong các khách sạn 5 sao của Hải Nam chỉ khoảng 200 NDT (29,78 USD) hoặc 300 NDT/đêm (44,67 USD). Tại Atlantis, khách sạn có hơn 1.300 phòng sang trọng, Giám đốc điều hành Xu cho biết công suất thuê vào khoảng 90% với giá trung bình hàng ngày tăng so với năm ngoái.
Đảo Hải Nam thích hợp cho những du khách lớn tuổi không thích đi du lịch nước ngoài. Ảnh: Steven Ribet. |
Chuyên gia Cathy Kai Jiang ở Công ty tư vấn PwC cho rằng việc mở rộng trợ cấp mua sắm miễn thuế sẽ giúp du khách tăng chi tiêu, thúc đẩy lĩnh vực bán lẻ của hòn đảo. "Đây là một quá trình từng bước. Hải Nam hiện không có cơ sở hạ tầng như Bắc Kinh", bà giải thích.
"Điều này khiến công việc kinh doanh trở nên tốn kém, làm giảm niềm tin, các doanh nhân thường áp dụng chiến lược ngắn hạn hơn là dài hạn. Khi cơ sở hạ tầng được cải thiện, doanh nghiệp sẽ có cái nhìn dài hạn, bao gồm cung cấp giá trị và dịch vụ tốt để tạo ra những khách hàng trung thành", bà nhấn mạnh.
“Thái Lan nổi tiếng thế giới là vùng đất của những nụ cười, Việt Nam có nhiều món ăn tuyệt vời và các di sản. Còn Trung Quốc thì sao?”, phó giáo sư Yana Wengel đặt câu hỏi. "Gần đây, tôi đã nghe được những nhận xét không tốt từ người nước ngoài”, bà nói thêm.