Theo ông Nguyễn Văn Hoàn (tổ 15, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội), dự án này dài 1.565 m, rộng 40 m nhưng do đi vào khu dân cư để tránh khu đất nông nghiệp nên đã ảnh hưởng đến nhà cửa, vườn tược của 444 hộ dân thuộc các tổ dân phố từ 12 đến 17 của phường Bồ Đề.
“Nếu quy hoạch con đường thẳng đi qua khu đất nông nghiệp, nhà nước sẽ tiết kiệm nhiều tỷ đồng mà đời sống bà con cũng không bị xáo trộn. Như vậy mới là ích nước lợi nhà. Nhưng tôi không hiểu vì sao chủ đầu tư nhất quyết làm đường cong vào khu dân cư”, ông Hoàn cho biết.
Bức xúc về sự lãng phí vô lý của con đường này, ông Vũ Văn Bá (tổ 14, phường Bồ Đề) tính toán: “Nhà ít nhất cũng phải bồi thường cỡ 2 tỷ và nhà nhiều lên 5 tỷ đồng. Tôi lấy bình quân khoảng 2,5 tỷ đồng một nhà thì 100 nhà là 250 tỷ đồng”.
Đồ họa mô phỏng đoạn đường cong đi qua khu dân cư. Ảnh: VTV. |
Văn phòng Chính phủ yêu cầu xem xét khiếu nại của người dân
Ngày 25/10/2013, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành quyết định “Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đường nối từ đường Nguyễn Văn Cừ với đê Tả ngạn sông Hồng”, giao UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 985 tỷ đồng, trong đó chi phí cho bồi thường của dự án là 481 tỷ đồng, chi phí xây dựng trên 256 tỷ, chi phí dự phòng là trên 221 tỷ đồng, còn lại là chi phí thiết bị, tư vấn, quản lý dự án.
Ngày 8/1/2014, Ban Giải phóng mặt bằng quận Long Biên, UBND phường Bồ Đề và các cơ quan chức năng mời các hộ dân có đất bị thu hồi đến họp, nghe thông báo quyết định của thành phố.
Đại diện tổ dân phố 14 - 15 phường Bồ Đề kiến nghị thành phố xem xét điều chỉnh quy hoạch đường ra khu đất ruộng, thay vì đi qua khu dân cư nhằm giảm chi phí bồi thường, tránh lãng phí kinh tế; Đề nghị xem xét lại chế độ hỗ trợ, bồi thường, tái định cư cho phù hợp với thực tế...
Sau buổi họp, lãnh đạo phường Bồ Đề hứa sẽ chuyển những kiến nghị của người dân lên cơ quan cấp trên.
"Thay vì đi thẳng con đường lại được uốn vào khu dân cư", ông Nguyễn Văn Lực nói. Ảnh: C.K |
Tiếp đó, ngày 14/3, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị xem xét, giải quyết kiến nghị của ông Nguyễn Văn Lực và 100 hộ dân trú tại tổ 14 - 15 phường Bồ Đề về việc điều chỉnh lại quy hoạch theo hướng dịch chuyển con đường ra khỏi khu dân cư để giảm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, ngày 26/6, trả lời kiến nghị của ông Lực, ông Đỗ Văn Chiến, Phó chủ tịch UBND quận Long Biên khẳng định, vị trí và hướng tuyến đường tại hồ sơ chỉ giới đường đỏ đảm bảo thống nhất và phù hợp với quy hoạch chi tiết quận Long Biên được thành phố phê duyệt năm 2005; Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011.
"Không có việc tuyến đường bị 'nắn' cong thành hình cung như các hộ dân đã phản ánh", ông Phó chủ tịch quận cho biết.
Dù vậy, người dân không đồng tình với trả lời này. Theo ông Hoàn, việc mở đường là thiết thực, hoàn toàn phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước nhằm phục vụ và nâng cao đời sống của nhân dân, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đầu tư cả nghìn tỷ đồng vào công trình không phải trọng điểm quốc gia là sự lãng phí ghê gớm và chưa cần thiết trong điều kiện đất nước đối mặt với khó khăn về nguồn vốn đầu tư.
"Chúng tôi muốn được các cấp chính quyền làm rõ là vì sao con đường đi thẳng qua khu đất nông nghiệp nhưng chủ đầu tư dự án lại lấy đường vào khu vực bà con đang sinh sống nhiều đời nay. Việc này sẽ khiến hàng trăm hộ dân mất nhà một cách không cần thiết, nhà nước thêm tốn kém", đơn kiến nghị của người dân nêu.
Tuân thủ quy hoạch
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ đường Nguyễn Văn Cừ với đê tả ngạn sông Hồng do UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư là nhiệm vụ chung của toàn thành phố, nhằm góp phần cải thiện điều kiện giao thông đô thị, tạo cảnh quan môi trường hiện đại cho thủ đô, chỉ giới đường đỏ tuyến đường phải đảm bảo yêu cầu tuân thủ các quy hoạch được duyệt.
Nếu điều chỉnh hướng tuyến đường như đề xuất của các hộ dân thì sẽ không tuân thủ các quy hoạch được duyệt, ảnh hưởng các dự án liên quan được cấp thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận, đã và đang triển khai.