Bài toán quỹ đất
Ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, cho biết, khó khăn chủ yếu khi muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là chính sách. Chẳng hạn việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất chuyên dùng cho loại cây nông nghiệp nào đó mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.
“Ngoài ra, vấn đề thiếu vốn cũng làm đau đầu các doanh nghiệp (DN). Bởi thị trường chứng khoán nước ta vẫn chưa phải là kênh huy động vốn hiệu quả, còn nếu phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng thì cũng không tốt đối với DN”, ông Sơn chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho rằng, vấn đề quỹ đất vẫn đang là bài toán khó đối với các DN đầu tư vào nông nghiệp. Có những dự án để có được quỹ đất, DN phải mất mấy năm trời thương thảo với các hộ dân mới có mặt bằng. Điều này làm DN mất nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến công việc kinh doanh.
Thực tế tại một số tỉnh, thành, khi DN vào các khu công nghiệp thì được trải thảm đỏ, nhưng để có vùng nguyên liệu nông sản, trang trại quy mô lớn thì có thể nói là “nhiệm vụ bất khả thi” vì không lấy đâu vài chục hecta đất “sạch”.
Thiếu quỹ đất nên một số đại gia phải ra nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp. Trong ảnh: Nhà máy chế biến đường HAGL tại Lào. Ảnh: Quang Huy. |
“Điều đó lý giải tại sao nhiều đại gia phải sang Lào, Campuchia, thậm chí những nước xa hơn để có quỹ đất rộng lớn làm nông nghiệp (trồng mía, cao su, nuôi bò…). Bởi chỉ khi có quỹ đất rộng lớn mới thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ cao, cơ giới hóa trong nông nghiệp, tiết giảm chi phí tối đa, giảm được giá thành sản xuất để sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế”, ông Lịch nói.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, chia sẻ câu chuyện: Tập đoàn có ý định đầu tư 1 tỷ USD để thực hiện dự án hiện đại hóa sản xuất giống tôm, cá rô phi thuần chủng. Để làm được điều này, Minh Phú cần một diện tích đất rất lớn, và phải liên kết với nông dân để hình thành chuỗi sản xuất, song lại gặp vướng mắc tại các địa phương.
“Rất may mắn là khi tham gia một cuộc họp với nhóm thu hút đầu tư vào nông nghiệp đầu năm 2015, ý kiến của chúng tôi được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát lắng nghe và chỉ đạo kịp thời, nhờ vậy dự án mới được triển khai thuận lợi”, ông Quang nói.
Hỗ trợ đầu tư công nghệ cao
Đại diện Tập đoàn VinGroup cho hay, với việc đầu tư vào nông nghiệp thì bên cạnh mục tiêu kinh doanh, tập đoàn muốn góp phần tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy các DN, nông dân… cùng hướng tới một nền nông nghiệp sạch vì sức khỏe của cộng đồng.
Trong khi đó, Tập đoàn TTC đã đầu tư hơn 20 triệu USD để xây dựng nhà máy nước dừa và sữa dừa, với công suất dự kiến 24 triệu lít một năm, theo công nghệ tiên tiến của Thụy Điển. Ngoài ra, tập đoàn cũng vừa đầu tư sản xuất sản phẩm nước cất từ hương mía theo công nghệ ngưng tụ hơi nước.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC, lý giải, theo lộ trình hội nhập ngành mía đường của Việt Nam với ASEAN, ngành này sẽ đối mặt với những thử thách, khi thời điểm giảm thuế suất đường nhập khẩu về 5% vào năm 2018.
“Vì vậy chiến lược của TTC từ nay đến năm 2020 sẽ cùng với chính quyền địa phương, nông dân ổn định vùng nguyên liệu. Đồng thời, chỉ có áp dụng khoa học kỹ thuật, kiện toàn công tác nông nghiệp như tưới tiêu, thí điểm cánh đồng mẫu lớn, cải tạo giống mía… mới có thể giúp ngành đường Việt Nam nâng sức cạnh tranh”, ông Thành nói.
Nhưng để các DN cạnh tranh được, Nhà nước cần phải “xắn tay áo” tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi để họ đầu tư vào nông nghiệp. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng, Chính phủ cần có gói tín dụng trung và dài hạn hỗ trợ vốn ưu tiên cho các DN đầu tư vào nông nghiệp. Đồng thời có những quỹ đầu tư, bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất cho DN đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Câu lạc bộ các đại gia
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), cho hay, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất thành lập Câu lạc bộ các nhà đầu tư nông nghiệp. Câu lạc bộ này có sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng thuộc Bộ và khoảng 30 tập đoàn, DN lớn đã và đang đầu tư vào nông nghiệp, cùng 8 tỉnh tiên phong tái cơ cấu nông nghiệp.
Trong số gần 30 DN này, có rất nhiều tên tuổi lớn như T&T, Hòa Phát, TH true MILK, VinaMit, Trung Nguyên, Vingroup, Viettel, FPT, Vĩnh Hoàn, Minh Phú…
Động thái này nhằm tạo cơ chế và diễn đàn hợp tác công-tư, tạo đột phá trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp.
“Câu lạc bộ các nhà đầu tư nông nghiệp cũng sẽ có mối quan hệ chặt chẽ với ban chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu nông nghiệp. Từ đó cơ quan quản lý có thể dễ dàng tháo gỡ các khó khăn và đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu của các nhà đầu tư”, ông Dũng nói.
Bên cạnh việc yêu cầu Nhà nước có chính sách hợp lý để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, ở chiều ngược lại, một số chuyên gia cho rằng, các đại gia, các DN lớn cũng cần cân nhắc đầu tư những ngành mình có lợi thế về thông tin, kinh nghiệm, thị trường để tránh rủi ro cao. Nếu đầu tư kiểu phong trào thì khó tránh khỏi thất bại.
Thực tế cũng có hiện tượng một số DN đã phải “tháo chạy” khỏi nông nghiệp, vì giá cao su sụt giảm, dù trước đó đã đổ cả đống tiền đầu tư trồng cao su “ăn theo” các đại gia trước đó đã làm.
Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện nay, riêng lĩnh vực chăn nuôi có 26 thủ tục hành chính là rào cản khiến ngành nông nghiệp phát triển chậm. Vì vậy, cần phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm từ 30% đến 50% thời gian giải quyết thủ tục, để tạo thuận lợi cho DN đầu tư vào lĩnh vực này.