Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao 'cuộc chơi' của CEO ngoại ở ngân hàng Việt đổ vỡ?

Giấc mơ CEO ngoại sẽ mang lại diện mạo mới, phong cách hiện đại, quy mô lớn hơn của nhiều ông chủ ngân hàng đã không thành hiện thực.

Tuyển CEO ngoại ngay từ đầu năm 2011, Mekong Bank (MDB) muốn tiếp tục giấc mơ “Thánh Gióng”, sau khi đã lớn nhanh như thổi từ trào lưu chuyển đổi lên ngân hàng thành thị. Tuy nhiên, giấc mơ đã bị đánh thức bởi quyết định buộc phải sáp nhập với MaritimeBank mà Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận từ năm 2014.

CEO ngoại thiếu đất diễn

MDB có tiền thân là Ngân Hàng TMCP Nông thôn Mỹ Xuyên, được thành lập ngày 12/10/1992 và đặt trụ sở chính tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Mọi sự thay đổi bắt đầu từ năm 2005, khi chuyển mình thành ngân hàng thành thị với cái tên MDB, vốn điều lệ tăng chóng mặt, từ mức 24,7 tỷ đồng vào năm 2005 lên đến 3.750 tỷ đồng hiện nay, tức là tăng đến 151 lần sau 10 năm.

Trong quá trình tăng vốn khủng này đã xuất hiện các cổ đông lớn như Fullerton Financial Holdings nắm 20% vốn, MaritimeBank nắm 10,16% (chưa kể khoản đầu tư ủy thác thông qua Công ty CP Quản lý Quỹ Tín Phát - TPF khoảng 282 tỷ đồng)...

Sau một thời gian chững lại, từ đầu năm 2011, MDB đã trao quyền điều hành cho ông Lau Boon Tuan, CEO người Singapore, là người từ đối tác chiến lược Fullerton Financial, thuộc tập đoàn Temasek, Singapore, với kỳ vọng sẽ có được bước phát triển mạnh mẽ như những thời kỳ trước.

Thực tế, qua một năm sau khi Tổng giám đốc mới nắm quyền điều hành, MDB đã tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.750 tỷ đồng, hoàn tất hệ thống công nghệ thông tin. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 500 tỷ đồng, bằng 139% so với kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,08%, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trên 55,87%, tỷ lệ chia lợi tức cổ phần là 10,5%... CEO Lau Boon Tuan được tái bổ nhiệm trong nhiệm kỳ 2012 - 2017.

Tuy nhiên, kết quả hoạt động năm 2012 không được tốt lắm, và MekongBank đã tiếp tục thay ông Lau Boon Tuan bằng một CEO ngoại khác. Theo đó, từ năm tháng 12/2012, ông Tay Han Chong chính thức làm Tổng giám đốc MDB.

Sự thay đổi này cũng không cứu vãn được sự tụt dốc trong hoạt động kinh doanh của MDB. Cái giá phải trả cho sự phát triển nóng đó là mất tên trên thị trường, khi phải sáp nhập với MaritimeBank.

Cùng với trào lưu này, MaritimeBank và Techcombank cũng từng tuyển CEO ngoại về, với kỳ vọng sẽ tiếp cận được phương thức quản lý và điều hành chuyên nghiệp của ngân hàng lớn trên thế giới, cũng như tạo bước đột phá trong hoạt động kinh doanh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo đó, Techcombank đã tuyển ông Simon Morris (Quốc tịch Anh) về làm Tổng giám đốc từ tháng 12/2011. Chỉ sau gần 2 năm ngồi ghế nóng, ông Simon xin từ nhiệm (ngày 13/8/2013) với lý do gia đình. Ông Atul Malik cũng được tuyển về làm Tổng giám đốc của MaritimeBank từ năm 2012 đến nay. Tuy nhiên, dấu ấn của những CEO ngoại trong kết quả kinh doanh của 2 ngân hàng này thì không mấy vui. Năm 2012, lợi nhuận trước thuế của Techcombank là 1.018 tỷ đồng, đạt 22% kế hoạch và giảm 76% so với năm 2011.

Tại MaritimeBank, trong năm 2012, lợi nhuận trước thuế cũng giảm mạnh hơn 70% so với năm trước, với con số khiêm tốn chỉ hơn 255 tỷ đồng. Cho đến hết năm 2014, vị CEO ngoại này cũng không để lại dấu ấn nào trong kết quả hoạt động kinh doanh của Maritime Bank.

Chỉ có dấu ấn để lại là số trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng trong năm 2012 - 2013 lần lượt là 755 tỷ đồng, 733 tỷ đồng. Con số này đã tăng gấp đôi so với hồi cuối năm 2011 (trích dự phòng rủi ro hơn 364 tỷ đồng), và chưa kể phần dự phòng rủi ro công nợ tiềm ẩn, các cam kết ngoại bảng…

Tại sao CEO ngoại gặp khó?

Thực tế, việc tuyển nhân sự cấp cao người nước ngoài làm tại nhiều ngân hàng nội hiện đang khá phổ biến, như VIB, Eximbank ở vị trí Phó tổng giám đốc, hay giám đốc khối… Tuy nhiên, không phải ai cũng trụ lại được ở ngân hàng nội. Ngược lại, một ngân hàng ngoại như HSBC mới đây lại bổ nhiệm nhân sự người Việt lên nắm quyền CEO, thay cho CEO người nước ngoài trước đó.

Về vấn đề này, Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank, cho biết tùy thuộc vào chính sách phát triển của từng ngân hàng và nhân sự mà ngân hàng lựa chọn CEO cho phù hợp.

“Tuy nhiên, tùy vào từng ngân hàng, nhân sự của từng ngân hàng và cá nhân người nước ngoài được mời về làm CEO. Nếu cá nhân này có thông tin, kinh nghiệm và kỹ năng khi hoạt động tại Việt Nam thì không sao. Còn người nào thiếu những thứ đó thì khó thành công”, ông Thọ bình luận.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng do văn hóa kinh doanh có phần lắt léo, tính tuân thủ không cao, tính đại chúng trong hoạt động không lớn… của ngân hàng nội, đã khiến cho các CEO ngoại bị cô lập, khó lập được kế hoạch cho hoạt động ngân hàng.

“Tính tuân thủ của ngân hàng ngoại cao, cung cách làm việc chu đáo, trang nghiệp theo hệ thống hàng dọc hàng ngang. Trong khi ngân hàng nội thì lắt léo hơn, vẫn còn hình bóng nông nghiệp và mang tính cha chú trong quan hệ công việc. Vì vậy, khi CEO ngoại về điều hành, họ rất khó thay đổi được phong cách quản trị của ngân hàng”, ông Hiếu bình luận.

Ví như, nếu ở ngân hàng ngoại, một người bị ốm mà chưa hoàn thành kế hoạch của một dự án thì phải bàn giao cho người khác làm, nhưng ở ngân hàng nội thì không thế. Họ vẫn giữ lấy và bảo sẽ nộp sau khi đi làm trở lại. Như vậy, sẽ làm chậm kế hoạch của dự án đó và làm chậm tốc độ hoạt động của ngân hàng.

Ông Hiếu cho biết thêm, điều mà CEO ngoại sợ nhất khi điều hành ngân hàng nội, đó là rất khó tiên đoán hành vi đối tác, đồng nghiệp. “Việc tiên đoán hành vi đối tác là quan trọng, nếu không tiên đoán được hành vi thì khó lập kế hoạch. Trong khi người Việt Nam hay thay đổi. Việc họ làm ngày hôm qua không phải là việc làm trong ngày hôm nay và sẽ không phải là ngày mai. Lời nói cũng thế. Điều này khiến họ có tâm trạng bất an”, ông Hiếu phân tích.

Tuy nhiên, sự hội nhập và áp lực cạnh tranh sẽ không còn sự phân biệt. “Nhân sự nào thỏa mãn vào vị trí nào đấy thì sẽ được hưởng lương xứng đáng chứ không còn sự phân biệt theo định nghĩa CEO ngoại hay nội nữa”, ông Thọ nhận định.

Nhân viên ngân hàng nào làm việc hiệu quả nhất?

Cùng thực hiện một công việc nhưng nhân viên ở từng ngân hàng mang về khoản lợi nhuận rất khác nhau.

http://bizlive.vn/ngan-hang/vi-sao-cuoc-choi-cua-ceo-ngoai-o-ngan-hang-viet-do-vo-829085.html

Theo Trần Giang/ Bizlive

Bạn có thể quan tâm