Ngày 30 Tết hàng năm, người dân Việt gấp rút hoàn thành những công việc, lễ nghi cuối cùng trước khi đón năm mới. Trong ngày ấy, hai nghi lễ cúng tất niên và cúng giao thừa được các gia đình Việt rất coi trọng.
Cúng tất niên 30 Tết
Trong sách Nghi lễ dân gian - Nghi lễ cúng gia tiên, Minh Đường cho biết ngày 30 Tết, người dân thường ra mộ tổ tiên và người thân đã khuất để lễ tạ Thổ thần. Đồng thời, họ đắp thêm đất và sửa sang mộ, rước vong linh gia tiên về đón năm mới. Khi ra mộ, người ta thường chuẩn bị lễ cúng, gọi là lễ Chạp.
Với những gia đình không có điều kiện ra mộ, họ có thể rước gia tiên về đón năm mới bằng cách bày cỗ lên bàn thờ với đền, hương, hoa dâng cúng vào trưa (giờ Ngọ) ngày 30 Tết. Sau đó, con cháu khấn tổ tiên về dự hưởng Tết với gia đình.
Mâm cỗ gia tiên phải được chuẩn bị chu đáo, bao gồm hương hoa, trầu cau, vàng mã. Ngoài ra, lễ mặn hoặc ngọt tùy theo gia chủ chuẩn bị nhưng mâm cúng lễ phải đầy đặn, bày biện cẩn thận để mang ra ngoài mộ hoặc bày lên bàn thờ gia tiên.
Ý nghĩa lễ trừ tịch
Sau khi cúng tất niên, lễ cúng giao thừa (hay lễ trừ tịch) được thực hiện vào nửa đêm 30, rạng sáng mùng một Tết.
Nhà nghiên cứu Minh Đường nhấn mạnh lễ giao thừa là lễ quan trọng nhất trong dịp Tết Nguyên đán. Đó là lễ dâng hương vào giây phút chuyển giao giữa giờ khắc cuối cùng (giờ Hợi) của năm cũ và giờ khởi đầu (giờ Tý) của năm mới.
Người ta tin rằng mọi điềm hay, dở xảy ra vào giây phút này có liên quan tới mọi sự hay, dở của tất cả thành viên gia đình trong năm mới. Trong giây phút thiêng liêng ấy, mọi người đều quên đi tất cả những điều không hay trong năm cũ. Mọi sự kiêng kỵ được thực hiện triệt để từ giây phút giao thừa tới sáng sớm mùng 1 Tết.
Người Việt thường chuẩn bị những mâm cỗ thịnh soạn để cúng tất niên, giao thừa. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Tác giả Nhất Thanh lý giải thêm về ý nghĩa của tục cúng giao thừa hay lễ trừ tịch trong sách Đất lề quê thói. Theo ông, người ta làm lễ trừ tịch vào thời khắc giao thừa để tiễn vị thần năm cũ và đón vị thần năm mới. Vị thần cũ giao lại công việc để thần mới tiếp nhận (trừ là trao lại chức quan, tịch là ban đêm).
Người Việt xưa tin rằng mỗi năm có một vị thần Hành khiển coi việc nhân gian gọi chung là Đương niên chi thần, ngoài ra, mỗi vị có tên riêng với vương hiệu và có một vị phụ tá là Phán quan. Mười hai vị Hành khiển luân phiên từ năm Tý đến Hợi. Sau khi hết lượt mười hai năm, năm Tý quay trở lại với vị Hành khiển của năm ấy.
Theo Nhất Thanh, Hành khiển có ông thiện, ông ác. Vì vậy, có nhiều năm người dân phải chịu thiên tai, hạn hán, lụt lội, mất mùa, đói kém hay dịch tễ, chết hại. Những tai ương ấy là do sớ tấu của Hành khiển trừng phạt vua quan không có nhân chính hay dân ăn ở càn rỡ.
Bên cạnh việc tiễn, đón các vị Hành khiển, Phán quan của các năm cũ, mới, người dân còn cầu cúng cả Bản cảnh Thành hoàng và Thổ địa Thần kỳ trong lễ trừ tịch.
Các thôn xã thiết lập hương án nơi trung thiên, sân đình, Văn chỉ hay ở ngã ba trước điếm canh để tế lễ trọng thể với đầy đủ lễ vật. Tư gia thường không làm riêng lễ trừ tịch.
Mâm cỗ cúng giao thừa
Thời điểm giao thừa, người ta thường cúng lễ ngoài trời và trong nhà.
Lễ vật cúng giao thừa ngoài trời gồm hương, đăng (nến), trầu, rượu, vàng, tiền (hàng mã)… Ngoài ra, lễ vật cần thêm thủ lớn luộc (cả cái) hoặc gà trống luộc (cả con, đủ bộ), xôi nếp, bánh chưng…
Những lễ vật này cần được chuẩn bị từ trước thời điểm giao thừa. Chúng được đặt trên bàn hay mâm lớn kê trên một cái đôn (không để trên mặt đất). Tới đúng thời điểm giao thừa, người dân thắp đèn, hương. Nếu có chuẩn bị văn khấn trên giấy để đọc thì sau khi đọc xong, người ta đốt ngay cùng với tiền, vàng dâng cúng.
Sau khi cúng giao thừa, người Việt còn có tục đi chùa cầu may. Ảnh: Zing.vn.
|