Vì sao cửa hàng ở Hà Nội từ chối phục vụ khách Việt?
Vẫn phục vụ khách quen người Việt, nhưng với người lạ, ông chủ cửa hàng sản phẩm thêu trên phố Hàng Bè lại từ chối bằng câu nói: "Em đi ra ngoài đi".
Sáng nay, dù mở cửa từ 9h, nhưng 9h15, khi chúng tôi tới cửa hàng, ông chủ vẫn cho biết chưa mở cửa và yêu cầu khách đi ra. Đến 9h30, có 3 người khách nước ngoài vào mua hàng, trong đó có một người châu Á, ông chủ vẫn đón tiếp.
Khá lịch thiệp, ông chủ cửa hàng vừa bán cho khách nước ngoài, vừa mời khách hàng Việt ra khỏi cửa hàng với câu nói: "Em đi ra ngoài đi" mà không kèm theo lời giải thích nào. Khi được hỏi vì sao chỉ bán hàng cho khách nước ngoài trong khi người Việt không được tiếp, chủ cửa hàng từ chối trả lời thẳng, chỉ liên tục mời khách ra khỏi cửa. Trao đổi với một vị khách người Nhật bước ra khỏi quán, người này cho hay vì không hiểu tiếng Việt nên không biết câu chuyện trao đổi giữa người bản địa, và cũng không biết vì sao quán phục vụ người này mà không phục vụ người khác.
Sau khi trình bày tới tìm hiểu nghi vấn cửa hàng từ chối phục vụ khách Việt, ông chủ vẫn tiếp tục mời phóng viên ra ngoài, và chỉ đồng ý nói chuyện ở bậc thềm trên vỉa hè.
Từng bị người Việt vào cửa hàng ăn cắp đồ khiến ông chủ từ chối phục vụ khách trong nước. |
"Trước đây, cửa hàng chủ yếu bán cho khách Việt Nam, việc buôn bán cũng rất tốt và thực tế là bán cho khách Việt thích hơn bán cho người nước ngoài. Tuy nhiên, vì xảy ra một số việc không hay, từng có khách hàng người Việt vào trộm cắp nên từ đó tôi từ chối phục vụ, mặc dù điều này khiến nguồn thu của cửa hàng giảm đi không ít".
Theo người này, tên của quán là Embroidery House (tạm dịch là: nhà trưng bày hàng may thêu), tức là không phải cửa hàng mua bán. Tuy nhiên, khách nước ngoài tới lấy hàng vẫn phải trả tiền bằng ngoại tệ và được thối lại bằng USD.
"Tôi không treo biển 'không phục vụ khách Việt', cũng không có lời lẽ khiếm nhã với khách hàng nội vào cửa hàng, chỉ đơn giản tôi không bán hàng cho người mà tôi không thích. Khách có hỏi lý do thì tôi cũng chỉ nói là đang bận ăn sáng hoặc chưa mở cửa", ông chủ cửa hàng cho biết.
Tiết lộ mình đã từng là giảng viên đại học, đã từng biết sự việc tương tự tại Đà Nẵng và Trung Quốc, nhưng ông chủ cửa hàng Phương Thảo vẫn kiên quyết không phục vụ khách Việt, "dù có phải đóng cửa quán 1 hay 2 năm". "Tôi là người Việt Nam, kinh doanh có giấy phép và đóng thuế đầy đủ. Kể cả khi quán bị người Việt tẩy chay không mua hàng thì cũng không sao, vì tôi chỉ bán hàng cho người nước ngoài thôi", anh này cho biết.
"Không phải tôi không còn bán hàng cho người Việt, vì khách quen đến đây vẫn mua được hàng bình thường. Thậm chí, hàng mua không hợp ý khách, cửa hàng sẵn sàng sửa lại mà không lấy tiền công. Nhưng đó chỉ là với khách cũ, người quen biết", ông chủ nhấn mạnh.
Khách nước ngoài, kể cả người châu Á, vẫn được ông chủ đón tiếp nhiệt tình. Riêng khách Việt, cửa hàng chỉ giao dịch với người quen. |
Về sự việc nữ khách hàng chia sẻ trên mạng xã hội vào tối ngày 18/3, ông chủ cửa hàng cho hay anh không có lời lẽ khiếm nhã với người này. "Tôi vẫn mời khách ra ngoài một cách lịch sự nhưng chị ta đòi chụp ảnh card visit của tôi. Khi tôi không cho phép, người này lấy luôn chiếc card và kiên quyết không trả lại. Dù chỉ là card visit, nhưng đó cũng là tài sản cá nhân. Chưa kể, người này sau đó còn gọi điện đe dọa sẽ khiến cửa hàng phải đóng cửa, hay khủng bố bằng gạch đá, mắm tôm".
Trước đó, chia sẻ trên mạng xã hội, một nữ khách hàng cho biết vào khoảng 18h30 ngày 18/3, khi vào cửa hàng Phương Thảo tại ngã tư Hàng Bè giao cắt Hàng Bạc, người này đã bị chủ quán mời ra ngoài. Vì quá bức xúc, người phụ nữ đã xin card visit của chủ cửa hàng nhưng bị từ chối. Khi chị lấy điện thoại ra chụp lại mặt card thì người bán hàng lao ra hùng hổ quát: "Làm gì đấy? Đã bảo ở đây không bán hàng, ai cho chụp card…" rồi tuôn thêm một tràng những từ ngữ thô thiển. Câu chuyện sau khi share trên mạng xã hội đã nhận được hàng loạt comment, trong đó hầu hết là những ý kiến lên án và đề nghị tẩy chay.
Trần Anh
Theo Infonet