Chiều 8/4 (giờ địa phương), hàng chục ngàn người trên khắp thế giới nín thở chờ đón khoảnh khắc tên lửa Falcon 9 đáp thành công xuống Đại Tây Dương. Giây phút tên lửa của SpaceX "hạ cánh" nhẹ nhàng xuống một bệ nổi trên biển theo phương thẳng đứng cũng là lúc toàn bộ nhân viên của tỷ phú Elon Musk thở phào, vỡ oà trong hạnh phúc.
Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng bày tỏ sự vui sướng với thành công mới của SpaceX. "Nhờ những nhà phát kiến như các bạn và NASA mà nước Mỹ vẫn tiếp tục dẫn đầu trong việc khám phá vũ trụ", ông Obama viết trên Twitter.
Trước đó, vào tháng 12/2015, tên lửa của SpaceX cũng từng gây ngạc nhiên khi có thể quay trở về trái đất sau khi hoàn thành nhiệm vụ đưa 11 vệ tinh cỡ nhỏ lên quỹ đạo. Khi đó, Falcon 9 hạ cánh xuống mặt đất.
Tên lửa tái sử dụng có thể đáp xuống trên biển là một cột mốc quan trọng biến giấc mơ du hành không gian trở nên thực tế hơn với số đông. Ảnh: SpaceX. |
SpaceX đã thử nghiệm việc đáp tên lửa trên biển và thất bại hai lần vào tháng 1/2015 và tháng 4/2015. Trong tháng 1 và tháng 3 năm nay, SpaceX tiếp tục thất bại. Nhưng lần này, thời tiết thuận lợi và kỹ thuật hoàn thiện đã giúp Falcon 9 "hạ cánh an toàn".
SpaceX, thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk, theo đuổi việc tạo ra những tên lửa có thể tái sử dụng, thay vì tự cháy và rơi xuống biển sau khi hoàn thành sứ mệnh như những tên lửa đẩy truyền thống. Musk nói rằng việc tạo ra tên lửa tái sử dụng là cách duy nhất cho phép con người du lịch vào vũ trụ với chi phí thấp.
Thế nhưng, có một câu hỏi được đặt ra đối với những người theo dõi nỗ lực của SpaceX, là "tại sao tên lửa phải hạ cánh xuống một bệ nổi nhỏ nhấp nhô trên biển thay vì một khu vực trống trải, bằng phẳng trên đất liền".
Trả lời Bloomberg, Scott Pace, Giám đốc Viện chính sách không gian Đại học George Washington, hạ cánh trên biển cho biên độ an toàn cao hơn, đặc biệt là khi SpaceX tiến xa hơn vào không gian và trở về Trái Đất với vận tốc cực lớn. "Nếu tên lửa quay về với tốc độ cao hơn, chỉ tính toán sai một chút, vị trí đáp đất sẽ lệch đi rất xa", Scott nhận định.
Theo chuyên gia này, mặt biển sẽ an toàn hơn gấp nhiều lần vì rộng, dễ ứng phó và di dời bệ nổi nếu cần. Trong khi đó, bệ đáp cố định trên mặt đất khó di dời và đất liền có nhiều dân cư.
Ngoài lý do an toàn, theo The Verge, việc hạ cánh trên biển sẽ giúp tên lửa tiết kiệm nhiên liệu hơn. Falcon 9 từng trở về mặt đất vào tháng 12 năm ngoái. Trong cuộc thử nghiệm này, Falcon 9 đã phải "uốn lượn" theo một quỹ đạo chuyển động khá phức tạp để quay về đúng bệ đáp được chỉ định.
Trong khi đó, với cách đáp trên biển, Falcon 9 chỉ việc hạ cánh thẳng xuống Đại Tây Dương và ở đó có một bệ nổi không người lái chờ sẵn. Bệ nổi này sẽ tự căn chỉnh vị trí cho phù hợp với vận tốc và hướng bay của tên lửa. Thậm chí, SpaceX cũng có thể bố trí nhiều bệ nổi khác nhau trên biển để linh động hơn nếu có sai số trong việc dự đoán điểm đáp.
Trong tháng Giêng, một chiếc Falcon 9 sau khi đưa vệ tinh Jason-3 vào quỹ đạo đã thất bại khi tìm cách đáp xuống bệ nổi ở Thái Bình Dương. Đến 4/3, công ty của Elon Musk lại nếm quả đắng khi Falcon 9 không thể trở về bệ đáp nổi ở Đại Tây Dương, cách bờ biển Florida 645 km.
Lần thử nghiệm thành công gần nhất là vào tháng 12/2015, khi Falcon 9 trở về nguyên vẹn trên mặt đất ở Floria, Mỹ.
Để có được kết quả như hiện tại, SpaceX của Elon Musk đã trải qua rất nhiều lần thất bại. Ba chiếc tên lửa đầu tiên của công ty đã nổ tung trước khi kịp rời khí quyển. Phải đến lần phóng thứ 4 vào 12/2008, SpaceX mới lần đầu phóng được tên lửa và nhận hợp đồng 6 năm với NASA. Số tiền 1,6 tỷ USD từ Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ đã cứu sống công ty của Elon Musk, sau khi tỷ phú này gần như cạn vốn vì ném tiền tấn vào không trung.