Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vì sao Covid-19 'giảm nhiệt' ở Mỹ nhưng nóng lên ở nhiều nơi?

Chênh lệch về khả năng tiếp cận vaccine tạo ra hai thái cực đối lập về đại dịch, khi Mỹ bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường còn nhiều nơi vẫn chìm trong khủng hoảng.

Dai dich Covid-19 chua dung lai anh 1

Cuộc sống đang dần trở lại bình thường ở nhiều nơi trên nước Mỹ. Nhà hàng và hộp đêm bắt đầu đông đúc, khách sạn kín phòng trong khi các chuyến bay hết vé. Thậm chí, người ta còn khoác vai nhau hò hét tại các sự kiện thể thao.

Niềm hân hoan của người Mỹ hoàn toàn có cơ sở. Phần lớn người dân được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, trong khi số ca nhiễm mỗi ngày đang duy trì ở mức thấp nhất sau 12 tháng, theo Washington Post.

Đại dịch rõ ràng đang có dấu hiệu lùi xa tại Mỹ và một số quốc gia phát triển khác.

Ngành y tế Anh hôm 1/6 lần đầu tiên ghi nhận nước này không có ca tử vong do Covid-19, từ tháng 3/2020. Dù vậy, “Covid-19 không kết thúc sau một vụ nổ lớn", ông Devi Sridhar, nhà nghiên cứu tại Đại học Edinburgh, khẳng định.

Dai dich Covid-19 chua dung lai anh 2

Covid-19 không kết thúc sau một vụ nổ lớn. Ảnh: Reuters.

Covid-19 chưa kết thúc

“Trong lịch sử, các đại dịch chấm dứt khi căn bệnh không còn chi phối cuộc sống hàng ngày, chúng lui về phía sau như những thách thức thông thường về sức khỏe”, ông Sridhar nói.

Trên thực tế, bên ngoài Mỹ, Covid-19 vẫn đang hoành hành. Nhiều biến thể nguy hiểm của SARS-CoV-2 xuất hiện, trong khi nỗ lực tiêm chủng ở nhiều nơi diễn ra chậm chạp, tạo ra những đợt "sóng trào" chết chóc.

Số ca dương tính Covid-19 trên toàn thế giới năm 2021 cao hơn năm 2020, và số ca tử vong nhiều khả năng cũng không ngoại lệ.

Tại Đông Nam Á, khu vực từng là thành trì vững chắc trước làn sóng virus khi chúng tàn phá các quốc gia phương Tây, nay đang chìm trong đợt gia tăng số ca bệnh mới.

Trong tháng 5, Thái Lan ghi nhận các ca nhiễm tăng đáng kể. Tại Malaysia, số ca nhiễm trên một triệu dân thậm chí cao hơn cả Ấn Độ và vượt qua nhiều quốc gia châu Á. Chính phủ nước này đã phải áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài trong hai tuần, bắt đầu từ ngày 1/6.

"Chúng ta đang nhìn vào vực thẳm", nhà báo Munir Majid khẳng định. “Nền kinh tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều người đã chết và nhiều người khác cũng sẽ ra đi".

Các nước châu Phi cũng lo ngại về khả năng bùng phát một đợt lây nhiễm mới, nhất là khi tại đây đã xuất hiện loại biến thể virus dễ lây lan. Không chỉ vậy, hệ thống y tế ở nhiều nước trong châu lục này đứng trước nguy cơ quá tải khi số ca bệnh tăng nhanh.

Nghiên cứu gần đây cho thấy châu Phi có tỷ lệ bệnh nhân tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới. Tình trạng trên xảy ra do châu Phi thiếu hụt trầm trọng nguồn dự trữ oxy tại các cơ sở chăm sóc y tế.

Trong khi đó, virus corona vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm ở Mỹ Latin. Tại Peru, dữ liệu của chính phủ cho thấy quốc gia này có tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên toàn dân cao nhất thế giới. Thậm chí, Peru còn không có ý định hoãn tổ chức cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Ngay cả ở Đông Á, dù áp dụng biện pháp hạn chế rất nghiêm ngặt, một số nơi vẫn chứng kiến tình trạng virus lan nhanh trong cộng đồng. Trong khi Đài Loan (Trung Quốc) ghi nhận sự bùng nổ số ca nhiễm mới, nhiều khu vực tại Nhật Bản, kể cả thủ đô Tokyo, vẫn đang áp dụng tình trạng khẩn cấp.

Dai dich Covid-19 chua dung lai anh 3

Covid-19 vẫn khiến nhiều quốc gia phải lao đao. Ảnh: Reuters.

Sự chênh lệch về khả năng tiếp cận vaccine

Các chuyên gia y tế nhận định những biện pháp nghiêm ngặt, vốn giữ cho những nơi như Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore an toàn hơn các quốc gia phương Tây trong suốt năm 2020, có thể không phải là giải pháp dài hạn.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc triển khai vaccine ở các quốc gia chậm lại do tình trạng thiếu nguồn cung.

Bày tỏ quan điểm về điều này, ông Koji Tomita, đại sứ Nhật Bản tại Mỹ, cho rằng ban đầu các quốc gia Đông Á cố gắng kiềm chế sự lây lan, nhưng chưa xây dựng được nền tảng cho miễn dịch cộng đồng.

Nhật Bản và các nước Đông Á đang "bị trói buộc trong sự thành công của chính họ”, ông Tomita cho biết.

Chênh lệch toàn cầu về khả năng tiêm chủng chính là lý do hàng đầu giải thích cho sự lây lan của Covid-19.

Tại Mỹ, khi người ta bắt đầu nói về những mũi tiêm bổ sung cho người dân, nhân viên tuyến đầu tại một số nước đang phát triển thậm chí còn chưa được tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đồng lòng thảo ra một kế hoạch trị giá 50 tỷ USD để đẩy nhanh việc phân phối vaccine cho các nước nghèo và có thu nhập trung bình.

Số tiền này cũng được dùng để mở rộng và đa dạng hóa năng lực sản xuất vaccine trên toàn thế giới.

“Việc phân phối vaccine không hợp lý đang khiến hàng triệu người dễ dàng bị nhiễm virus, trong khi các biến thể nguy hiểm vẫn xuất hiện và phát tán trở lại”, đại diện các cơ quan này cho biết.

“Đại dịch diễn ra đang làm sâu sắc thêm sự phân hóa về phục hồi kinh tế (giữa các quốc gia), và hậu quả tiêu cực xảy đến với mọi người”, các tổ chức quốc tế khẳng định.

Dai dich Covid-19 chua dung lai anh 4

Khả năng xây dựng miễn dịch cộng đồng vẫn là dấu hỏi lớn. Ảnh: Reuters.

Nguy hiểm chưa qua đi

Trong khi đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hôm 31/5: “Sẽ là một sai lầm lớn khi nghĩ rằng nguy hiểm đã qua đi”.

Ông Ghebreyesus cảnh báo "chúng ta sẽ phải đối mặt với những lỗ hổng (về y tế), vốn từng khiến một vụ bùng phát nhỏ nay trở thành đại dịch toàn cầu".

Giờ đây, tâm điểm chú ý của thế giới hướng vào cuộc họp trong tháng 6 của nhóm G7. Tại đây, các nhà lãnh đạo hàng đầu dự kiến thúc đẩy việc cung cấp vaccine Covid-19 cho các nước đang thiếu hụt khác.

Trong khi đó, chính quyền Biden cũng hỗ trợ các cuộc đàm phán tại WTO về khả năng từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19, nhằm mở rộng sản xuất ở nhiều nơi. Dù vậy, động thái này vẫn vấp phải sự phản đối từ một số quốc gia phương Tây.

Giờ đây, thời gian là điều cốt yếu. Nhiều biến thể lây lan nhanh đang tàn phá các quốc gia không có đủ biện pháp để nâng cao miễn dịch.

Nhà báo Zeynep Tufekci cho rằng các nước giàu như Mỹ nên ưu tiên cung cấp vaccine cho các nước đông dân và đang phát triển. “Các kho dự trữ dư thừa đến mức chúng có thể phân phối cho các quốc gia đang cần mà không khiến chương trình tiêm chủng bị chậm lại”, ông cho biết.

Dù vậy, ông Anthony Fauci, chuyên gia đầu ngành về bệnh truyền nhiễm ở Mỹ, còn nhận ra mối đe dọa ở quy mô lớn hơn.

Theo cựu giám đốc Viện Dị ứng và bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, “miễn là dịch bệnh vẫn xảy ra trên thế giới, luôn tồn tại nguy cơ xuất hiện các biến thể mới có khả năng làm giảm hiệu quả sử dụng vaccine".

Mỹ cam kết không chia sẻ vaccine 'vì quyền lợi chính trị'

Trả lời Zing, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nói Mỹ sẽ chia sẻ vaccine dựa trên nhu cầu các nước, chứ không dựa vào yếu tố chính trị.

Mỹ tuyên bố chia sẻ 80 triệu liều vaccine ‘không dựa trên chính trị’

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo Mỹ sắp công bố kế hoạch phân phối 80 triệu liều vaccine trên toàn cầu, theo Reuters.

Phạm Ân

Bạn có thể quan tâm