Những ngày qua, dư luận ở miền Tây xôn xao chuyện Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (Công ty Công Lý, phường 8, TP Cà Mau) tặng 2 xe Lexus, mỗi chiếc trị giá trên 3,1 tỷ đồng, cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh Cà Mau. Lý do tặng và nhận là để phục vụ công tác kiểm tra hạn hán, phòng chống lụt bão, cháy rừng, xâm nhập mặn...
Sự việc càng được người dân Cà Mau chú ý khi Công ty Công Lý "đầu năm tặng xe sang, cuối năm ứng tiền tỷ".
Cụ thể, ngày 23/3/2016, ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty Công Lý, ký văn bản số 48 với nội dung doanh nghiệp đang đầu tư dự án điện gió Khai Long ở xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), với vốn đầu tư lên đến 6.583 tỷ đồng. Trong thời điểm này, tình hình El Nino biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt ở Cà Mau nên doanh nghiệp muốn có sự đóng góp cho tỉnh khi thấy lãnh đạo tỉnh này thiếu phương tiện để đi kiểm tra thực tế tại địa bàn xảy ra thiên tai.
Một trong hai xe Lexus mà Công ty Công Lý tặng cho tỉnh Cà Mau. Ảnh: Hải Long. |
Sau khi UBND tỉnh Cà Mau tiếp nhận 2 xe Lexus trị giá trên 3,1 tỷ đồng mỗi chiếc, sự "hào phóng" của doanh nghiệp sẽ không bị chú ý nếu nửa năm sau đó Công ty Công Lý không nêu ra những khó khăn tại nhà máy xử lý rác. Đó là tài sản bị hư hỏng cần phải sửa chữa hoặc thay thế nên Công ty Công Lý đề nghị UBND tỉnh Cà Mau cho doanh nghiệp tạm ứng ngân sách 30 tỷ đồng.
Tiếp nhận đề nghị của Công ty Công Lý, UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Tài chính và các ngành liên quan tham mưu vào cuối tháng 10/2016. Lúc này, Sở Tài chính Cà Mau cùng với lãnh đạo cấp phòng của các sở, ngành đi kiểm tra thực tế tại nhà máy rác.
Để đảm bảo tính khách quan, UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục yêu cầu Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư Cà Mau thành lập đoàn phúc tra với sự tham gia của các phó giám đốc.
"Lần kiểm tra thứ hai chúng tôi xác nhận nhà máy rác có nhiều thiết bị hư hỏng cần thay thế mà đơn hàng chỉ ở nước ngoài mới có. Sau khi xem xét đơn hàng và giá cả, chúng tôi lập báo cáo gửi cấp trên và UBND tỉnh Cà Mau quyết định", ông Đoàn Quốc Khởi, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau, nói.
Nhà máy rác ở Cà Mau được cho là xuống cấp, cần sửa chữa. Ảnh: Hải Long. |
Theo ông Khởi, nhà máy xử lý rác của Công ty Công Lý (đặt tại TP Cà Mau) hoạt động nhiều năm, giá thành xử lý mỗi tấn rác là 460.000 đồng. Do đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, phân compost sản xuất từ quy trình xử lý rác chưa bán được nên Công ty Công Lý đề nghị UBND tỉnh trợ giá mỗi tấn rác 450.000 đồng.
"Ngân sách eo hẹp nên tỉnh chỉ hỗ trợ được 350.000 đồng/tấn rác nên doanh nghiệp luôn bù lỗ. Chính vì lỗ mà đầu năm 2016, Công ty Công Lý xin chuyển chủ đầu tư nhưng địa phương chưa tìm được đơn vị nào thay thế. Vì vậy, tỉnh đã động viên doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động để xử lý rác", ông Khởi chia sẻ.
Đầu năm 2017, lượng rác từ các huyện vận chuyển về TP Cà Mau tăng nhiều. Vì vậy, Công ty Công Lý dự kiến xử lý 145 tấn rác mỗi ngày và nếu nhà máy đóng cửa thì mỗi tháng sẽ ứ đọng khoảng 4.350 tấn rác. Xét thấy đây là vấn đề cấp bách nên UBND tỉnh Cà Mau đồng ý cho Công ty Công Lý tạm ứng 25 tỷ đồng từ tiền xử lý rác để sửa chữa máy móc hư hỏng.
"Tỉnh cho doanh nghiệp tạm ứng tiền từ ngân sách, việc này chưa có quy định cụ thể tại văn bản nào nhưng pháp luật cũng không cấm việc này. Hình thức hoàn trả tạm ứng là trừ 50% chi phí xử lý rác hàng tháng mà ngân sách phải chi trả cho doanh nghiệp. Năm 2012, tỉnh có cho Công ty Công Lý ứng 20 tỷ đồng và trừ hết vào ngày 31/1/2016”, ông Khởi nói.
Văn bản của Công ty Công Lý gửi UBND tỉnh Cà Mau về việc có nhã ý tặng xe Lexus. Ảnh: Việt Tường. |
Từ những lý do trên, ông Khởi khẳng định tỉnh Cà Mau cho Công ty Công Lý ứng 25 tỷ đồng là đúng quy định pháp luật và nếu tham mưu sai ông sẽ chịu trách nhiệm.