Ở trận bán kết lượt đi rạng sáng nay (10/5), Man City có trận hòa 1-1 trên sân của Real ở bán kết lượt đi Champions League.
Bàn gỡ của đội khách được ghi từ cú sút xa đẹp mắt của Kevin De Bruyne ở phút 67, bắt nguồn từ pha đoạt bóng của Rodri sau khi Camavinga có pha chuyền hỏng ở giữa sân.
Tuy nhiên, tranh cãi nổ ra khi đài beIN Sports đã dùng công nghệ 3D để kiểm tra và xác định bóng hoàn toàn đi hết biên ở tình huống cứu bóng diễn ra vài chục giây trước đó của Bernardo Silva.
Đài beIN Sports đã dùng công nghệ 3D để kiểm tra và xác định bóng hoàn toàn đi hết biên ở tình huống cứu bóng của Bernardo Silva. Ảnh: beIN Sports. |
Một lần nữa, sự tranh cãi của góc quay và việc công nghệ goal-line không được áp dụng ở đường biên lại được nhắc đến. Nếu đó là một quả ném biên, Man City đã không có cơ hội lên bóng, đồng nghĩa Real không bị thủng lưới.
Thị giác người xem có thể đã bị đánh lừa
Đây không phải lần đầu mà câu hỏi bóng có hoàn toàn đi qua vạch vôi đường biên gây tranh cãi. Ví dụ gần nhất có thể kể đến kỳ World Cup 2022 trên đất Qatar, với bàn thắng nâng tỷ số lên 2-1 của Nhật Bản trước Tây Ban Nha ảnh hưởng đến số phận của một đội bóng lớn khác trong bảng là Đức.
Phút 51, Ao Tanaka dứt điểm cận thành tung lưới Tây Ban Nha để nâng tỷ số lên 2-1 cho Nhật Bản. Tuy nhiên, bàn thắng khi đó bị từ chối ngay vì một số góc máy quay cho thấy bóng dường như đã lăn hết qua vạch vôi trước khi Mitoma chuyền vào trong.
Tổ VAR mất đến hơn 2 phút, nhìn mọi góc máy quay cận cảnh trước khi đưa ra quyết định công nhận bàn thắng cho Nhật Bản.
Một số góc máy quay đầu tiên cho thấy bóng dường như đã lăn hết qua vạch vôi trước khi Mitoma chuyền vào trong. Ảnh: Reuters. |
Nhiều góc quay cho thấy bóng đã đi hết đường biên ngang. Tuy nhiên, góc quay dọc ở một số bức ảnh đã cho thấy bóng dường như vẫn còn trong sân dù chỉ là một vài milimet.
Để đưa ra luận điểm bảo vệ tổ trọng tài, tờ Telegraph đã công bố hình ảnh mà họ cho rằng đã giúp các trọng tài đưa ra quyết định nhưng không được trình chiếu cho khán giả.
Theo đó, bàn thắng của Nhật Bản hợp lệ vì đường cong của quả bóng khiến nó vẫn còn nằm trong sân.
Khi xét đến nhiều góc máy quay trực diện hơn từ trên cao, có thể thấy một phần nhỏ ở rìa quả bóng vẫn còn nằm trong sân. Điều này tương tự khi một số cầu thủ đá phạt góc đưa bóng hơi lượn ra ngoài một chút, nhưng thực tế vẫn hợp lệ.
Điều 9 trong 17 luật bóng đá cũng đề cập rất rõ về khi nào quả bóng được tính là nằm trong và ngoài sân: "Bóng ngoài cuộc khi toàn bộ trái bóng trôi qua đường cầu môn hoặc đường biên dọc, dù ở trên mặt đất hay trên không".
Thực tế, bàn thắng của Nhật Bản hợp lệ vì "đường cong của quả bóng" khiến nó vẫn còn nằm trong sân. Ảnh: AP. |
Ngoài ra, theo phóng viên James Sharpe của Times, sự bất bình của các BLV sau khi xem lại pha quay chậm đầu tiên là minh chứng cho thấy góc quay cũng ảnh hưởng đến phán đoán.
Sharpe sau đó quay video chứng minh khi đặt một trái bóng nằm hoàn toàn ngoài sân và cách một khoảng so với vạch vôi, nhưng từ từ lia góc quay lên trên.
Kết quả là phần rìa quả bóng lúc này thực tế nằm đè lên vạch, dù ở góc quay đầu tiên dường như nó vẫn cách đường kẻ vạch một khoảng.
Giải pháp toàn diện nhất
Bóng đá hiện đại vẫn chưa có công nghệ riêng giúp nhận biết bóng đã ra ngoài đường biên. Trước đó, chỉ tính riêng chuyện quả bóng vượt qua vạch vôi khung thành hay chưa đã từng là vấn đề lớn.
Ví dụ cho thấy góc máy quay có thể khiến thị giác người xem bị đánh lừa. Ảnh: James Sharpe. |
Phải cho đến khi công nghệ goal-line được sử dụng để xác nhận bóng trong hay ngoài vạch vôi trong khung thành, những tranh cãi phần lớn đều đã được loại bỏ.
Tuy nhiên, công nghệ goal-line lại chỉ kiểm tra được vùng trong khung thành. Trong khi đó, với VAR, góc quay tại đường biên ngang chưa có đủ để xem xét tuyệt đối tình huống nên trọng tài có xem lại pha quay chậm cũng vẫn phải đưa ra quyết định theo cảm tính chủ quan.
Thực tế, nếu FIFA dùng một công nghệ tương tự Hawk-Eye (Mắt diều hâu) trong quần vợt cho bóng đá, những tranh cãi tương tự tại bàn thắng của Tanaka hay Kevin De Bruyne có thể được xác định rõ ràng hơn.
Mắt diều hâu là hệ thống điện toán phức tạp để theo dõi đường đi của đối tượng di chuyển. Hawk-Eye ban đầu được tạo ra để dùng trong bộ môn Cricket.
Công nghệ Hawk-Eye (Mắt diều hâu) trong quần vợt là giải pháp toàn diện nhất cho việc xác định bóng đã đi hết biên hay chưa trong bóng đá. Ảnh: Perfect Times. |
Nhờ tạo ra tác động tốt, nó sớm được áp dụng ở billiard, quần vợt. Công nghệ này được áp dụng lần đầu ở tennis từ giải Australia Open vào năm 2003.
Bề ngoài, hệ thống Mắt diều hâu khá đơn giản. Một sân đấu hỗ trợ công nghệ này sẽ có khoảng 10 máy quay đặt xung quanh sân đấu. Những thiết bị này ghi lại chuyển động của quả bóng tennis từ nhiều góc độ khác nhau. Sau đó, thông tin được chuyển về máy tính trung tâm xử lý.
Khi các phép đo ban đầu được đưa ra, 3 máy tính khác sẽ được đưa vào để bổ sung thêm những phương trình tính toán phức tạp. Qua đó, vị trí tiếp đất của quả bóng quần vợt sẽ được xác nhận chính xác với sai số dưới 3 mm.
Tuy nhiên, để sử dụng Hawk-Eye cho toàn mặt sân có nhiều vấn đề cần giải quyết. Sân bóng đá có diện tích lớn, nhiều người chơi nên yêu cầu các đặc tính kỹ thuật khác với quần vợt.
Ngoài ra, một lựa chọn khác cũng đáng được cân nhắc là FIFA áp dụng công nghệ goal-line từ khung thành cho đến cột cờ góc.
Một lựa chọn khác cũng đáng được cân nhắc là FIFA áp dụng công nghệ goal-line từ cả khung thành cho đến cột cờ góc. Ảnh: How It Works. |
Theo Science ABC, công nghệ goal-line là một hệ thống sử dụng camera vật lý hoặc công nghệ từ trường thay đổi để theo dõi quả bóng và xác định bóng đi qua vạch cầu môn hay chưa.
Nếu bóng đi qua vạch vôi, một tín hiệu được mã hóa sẽ được truyền tới đồng hồ trên tay trọng tài, người sau đó có thể quyết định công nhận bàn thắng hay không.
Nếu áp dụng công nghệ này để xác định bóng ra ngoài hay chưa sẽ minh bạch hơn rất nhiều. Qua đó, trọng tài có thể dễ dàng xác nhận bàn thắng trong những tình huống gây tranh cãi.