Khi điện thoại di động mới xuất hiện tại nước Mỹ, những chiếc điện thoại "cục gạch" thuở ban đầu luôn được bán cùng các gói dịch vụ của nhà mạng. Mức giá của các gói cước di động vào thời kỳ đó chắc chắn sẽ khiến bạn lắc đầu ngán ngẩm: hơn 5 USD (hơn 100.000 đồng) cho mỗi phút cuộc gọi! Nếu như bạn muốn thay thế chiếc điện thoại cũ (kể cả trong trường hợp bạn để mất điện thoại, điện thoại bị hỏng, hoặc đơn giản là bạn muốn nâng cấp), bạn sẽ phải tìm đến các nhà mạng và yêu cầu họ cập nhật thông tin tài khoản của bạn để "trỏ" tài khoản này sang một mã thiết bị mới.
Mỗi chiếc điện thoại di động vào thời kỳ đó đều có một mã định danh riêng, do đó quá trình nâng cấp điện thoại bằng cách… cập nhật thông tin của người dùng thực tế lại khá dễ dàng. Tuy vậy, bạn vẫn sẽ phải chịu đựng sự bất tiện, phải chấp nhận bỏ thời gian đến văn phòng của các nhà mạng và chịu đựng bất kỳ thủ tục khó chịu nào mà họ đưa ra.
Sau đó, chuẩn mạng GSM ra đời và trở nên phổ biến. Các mạng GSM chuyển sang sử dụng các con chip nhỏ có tên "module định danh người dùng" thay vì sử dụng mã định danh cho thiết bị như trước. Các "module định danh người dùng" (Subscriber Identity Module – SIM) có một lợi thế đặc biệt: chúng có thể được tháo ra khỏi chiếc điện thoại này và lắp vào chiếc điện thoại khác. Nhờ có mạch SIM, nhà mạng có thể chuyển hướng cuộc gọi vào số điện thoại của bạn, bất kể là bạn đang sử dụng "cục gạch" nào. Mạch SIM thực chất là "cánh cửa" từ điện thoại của bạn đến mạng di động. Sự ra đời của mạch SIM đã giúp cho cuộc cách mạng di động bùng nổ, gia tăng đáng kể số lượng điện thoại di động trên toàn cầu.
Về mặt kỹ thuật, thẻ SIM thực chất là một mạch tích hợp (IC) có mục đích lưu trữ thông tin IMSI (Số định danh Người dùng Di động Toàn cầu) một cách an toàn, bên cạnh số chìa khóa có mục đích xác định người dùng trên các thiết bị thông minh, bao gồm không chỉ có điện thoại mà cả tablet và máy tính.
Sự khác biệt về kích cỡ của các thế hệ thẻ SIM |
Ban đầu, mạch SIM được coi là một phần quan trọng trong tiêu chuẩn "thẻ thông minh" – các mạch SIM ban đầu sẽ được tích hợp lên một chiếc thẻ có kích cỡ to bằng... thẻ tín dụng. Sau đó, thẻ SIM càng ngày càng được thu nhỏ kích cỡ, từ mini, micro đến nano – kích cỡ phổ biến nhất cho các loại smartphone cao cấp hiện tại. Bắt đầu được đông đảo người dùng biết đến kể từ khi chiếc iPhone 5 ra đời, thẻ SIM Nano chỉ có kích cỡ bằng móng tay của người dùng.
Chúng ta có còn cần thẻ SIM?
Trong suốt 20 năm qua, công nghệ di động nói riêng và ngành công nghệ nói chung đã tiến những bước dài. Điều này giúp tạo ra các giải pháp có thể thay thế thẻ SIM.
Tại thời điểm hiện tại, gần như tất cả các mạch SIM trong cuộc sống của chúng ta đều được chế tạo dưới dạng thẻ SIM và kết nối vào thiết bị thông qua khe SIM bên hông thiết bị. Trong khi khe gắn SIM có chi phí sản xuất rất thấp (có lẽ chỉ vài nghìn đồng), chúng sẽ gây ảnh hưởng tới độ dày và khả năng chống nước, chống bụi của thiết bị. Rõ ràng là phần diện tích dành cho khe gắn SIM có thể được dành cho một module khác (ví dụ như chip âm thanh cao cấp) hoặc loại bỏ hoàn toàn để giảm độ dày/to của thiết bị.
Điều này làm đặt ra câu hỏi: tại sao chúng ta không gắn luôn mạch SIM vào các thiết bị thông minh? Thực tế, nhờ có một tiêu chuẩn mới có tên Embedded Universal Integrated Circuit Card (eUICC – Thẻ Mạch Tích hợp Nhúng Đồng nhất), các nhà sản xuất hoàn toàn có thể "gắn" cứng số SIM vào điện thoại hay tablet của bạn.
Và ngay cả những chiếc smartphone và tablet bây giờ cũng được gắn mã định danh (ví dụ như IMEI). Chúng ta hoàn toàn có thể gắn mã SIM trên các chip đã có sẵn trên thiết bị. Điều này hiện đã trở thành hiện thực với các mẫu điện thoại di động sử dụng kết nối CDMA của các nhà mạng Verizon và Sprint (Mỹ).
Nhưng thẻ SIM vẫn là lựa chọn tuyệt vời nhất
Bất kể công nghệ có tiến xa đến đâu, con người vẫn sẽ luôn hướng trải nghiệm số của mình theo hướng càng tự do càng tốt. Nếu như những chiếc smartphone khóa mạng đã làm cho bạn khó chịu thì hiển nhiên những chiếc smartphone bị gắn liền với số SIM (không thể thay đổi được) sẽ càng làm người dùng khó chịu.
Chưa kể, trong "thế giới phẳng" của thế kỷ 21, việc gắn mạch SIM vào điện thoại sẽ càng gây khó khăn cho người dùng khi đi du lịch tới nước ngoài. Lúc này, bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trả tiền cho các nhà mạng để mua các gói cước roaming siêu... đắt để sử dụng tại nước ngoài.
Cuối cùng, sự tồn tại của thẻ SIM vẫn là để đảm bảo cho quyền lợi của người dùng, rằng các thiết bị mà bạn đã bỏ tiền ra mua vẫn sẽ thực sự thuộc quyền sở hữu của bạn. Chưa kể, trong tương lai, các dự án nghiên cứu như Project Fi của Google sẽ giúp bạn có thể sở hữu một thẻ SIM tương thích với nhiều dịch vụ (đến từ các nhà mạng khác nhau) cùng lúc.
Bởi vậy nên dẫu rằng thế giới công nghệ mới không thực sự còn cần tới sự tồn tại của thẻ SIM, những gì mà sản phẩm công nghệ có tuổi đời hàng chục năm này mang lại vẫn còn mang ý nghĩa quan trọng đối với người dùng.