Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao chứng nghiện khẩu trang ở Nhật Bản khó thay đổi

Dù lo ngại về Covid-19 lắng xuống, viễn cảnh người dân xứ Phù Tang bỏ khẩu trang hàng loạt khó xảy ra vì đó là thói quen tồn tại từ lâu trước khi đại dịch bùng phát.

Khẩu trang y tế là vật dụng không thể thiếu đối với Keiko Kataoka từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát ở Nhật Bản.

Cô đeo chúng suốt mùa sốt hoa cỏ và cả khi lượng phấn hoa giảm xuống. Bà mẹ 2 con cũng che mặt khi tập thể dục mà không trang điểm, theo The Japan Times.

Khi SARS-CoV-2 xuất hiện, Kataoka đeo khẩu trang đến và về từ nơi làm việc cũng như trong các cuộc họp. Cô chỉ tháo chúng ra để dùng bữa.

Khẩu trang cuối cùng trở thành lớp bảo vệ và khiến Kataoka cảm thấy thoải mái hơn khi đeo vì “tôi không thích khuôn miệng của mình”.

Chung nghien khau trang o Nhat Ban anh 1

Cuộc tranh luận về việc người dân có nên tiếp tục đeo khẩu trang hay không ngày càng gay gắt ở Nhật Bản. Ảnh: Kyodo.

Tuy nhiên, Kataoka tin rằng món đồ được sử dụng rộng rãi đang ảnh hưởng đến các tương tác xã hội và khiến cô khó nhận ra người quen trong đám đông với khuôn mặt bị che đi một nửa.

Kataoka cũng lo lắng về những thiệt hại mà nó gây ra đối với sự phát triển của con cô.

Giờ đây, với số ca bệnh ở mức ổn định, chính phủ dần nới lỏng quy định đeo khẩu trang khi đất nước trải qua mùa hè đặc biệt nóng và ẩm ướt, Kataoka và phần lớn dân số tự nguyện tuân thủ các hướng dẫn trong hơn 2 năm qua đang đặt ra câu hỏi khi nào là thời điểm thích hợp để tháo bỏ chúng.

“Tôi đã quen đeo khẩu trang. Tôi có thể tháo chúng khi ra ngoài nhưng có lẽ tiếp tục sử dụng ở văn phòng hoặc nơi đông người ngay cả khi dịch bệnh qua đi”, Kataoka nói.

Tự nguyện

Khẩu trang trở nên phổ biến ở Nhật Bản khi cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu diễn ra. Đây là hiện tượng được ghi nhận bắt nguồn từ văn hóa tuân thủ xã hội mà các chuyên gia cho rằng giúp đất nước này giảm thiểu số ca tử vong đáng kể so với một số quốc gia khác.

Thực tế, mối quan tâm của Nhật Bản đối với khẩu trang có từ nhiều thế kỷ trước. Những đợt bùng phát như cúm Tây Ban Nha (1918-1920), cúm Hong Kong (1968-1969) và các dịch bệnh sau đó đã khắc sâu hiệu quả của vật dụng này trong việc ngăn chặn sự lây lan virus.

Khẩu trang trở thành hình ảnh phổ biến trong mùa sốt hoa cỏ và cúm, trong khi một số người, thường là phụ nữ, đeo chúng vì thẩm mỹ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều quốc gia điều chỉnh quy định về khẩu trang ở mức độ khác nhau, cuộc tranh luận về việc khi nào Nhật Bản sẽ nới lỏng hoặc xóa bỏ chúng đang nóng lên.

Chung nghien khau trang o Nhat Ban anh 2

Khẩu trang được cho là giúp làm chậm sự lây lan của Covid-19 ở Tokyo khi số ca mắc hàng ngày của thành phố này tăng vọt. Ảnh: Kyodo.

Tháng 5, chính phủ Nhật Bản ban hành hướng dẫn về việc sử dụng khẩu trang. Theo đó, mọi người có thể tháo bỏ che mặt khi ở ngoài, ngay cả khi đứng gần cá nhân khác, với điều kiện không trò chuyện với nhau. Trẻ em từ 2 tuổi trở lên cũng không bắt buộc đeo khẩu trang.

GS Intetsu Kobayashi, chuyên gia dịch tễ học, cho biết: “Chúng ta đều biết các triệu chứng ngày càng ít nghiêm trọng hơn và nhiều người đã tiêm 2-3 loại vaccine. Đất nước cũng đang bước vào mùa hè nóng ẩm làm tăng nguy cơ say nắng. Vì vậy, chính phủ cần ban hành hướng dẫn rõ ràng về cách ứng xử trong các tình huống khác nhau, nếu không, mọi người có thể không chịu được áp lực từ xung quanh và tiếp tục đeo khẩu trang”.

Theo cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu Nippon Information thực hiện vào tháng 2, 54,5% trong số 972 người được hỏi trong độ tuổi 16-69 cho biết họ sẽ luôn đeo khẩu trang ngay cả khi đại dịch lắng xuống.

Tỷ lệ này gia tăng ở phụ nữ 20-30 tuổi, với hơn một nửa cho biết họ có thể ra ngoài mà không cần trang điểm.

Chung nghien khau trang o Nhat Ban anh 3

Phần lớn dân số Nhật Bản đeo khẩu trang trong suốt đại dịch do kết quả của các chuẩn mực xã hội. Ảnh: Reuters.

Khi đại dịch kéo dài, chủ nghĩa “kao pantsu” xuất hiện nhằm châm biếm cách một số người phản kháng mạnh mẽ đối với việc bỏ khẩu trang ở nơi công cộng. Cụm từ này về cơ bản so sánh khẩu trang với đồ lót - mọi người không thể rời khỏi nhà mà không mang chúng.

Yuzo Kikumoto, Giám đốc điều hành của dịch vụ tư vấn Kikiwell, cho biết: “Những người nhạy cảm, hướng nội, gặp khó khăn khi giao tiếp và không tự tin với vẻ ngoài của mình thường bị ám ảnh bởi khẩu trang”.

Ông nhận thấy đại dịch gây ra các triệu chứng tương tự vì một số lý do như “không hợp vệ sinh” trở thành cái cớ để tiếp tục đeo chúng.

Trong cuộc khảo sát năm 2020 được thực hiện bởi MedPeer, nền tảng cộng đồng dành cho bác sĩ, 416 trong số 1.058 người được hỏi cho rằng phụ thuộc vào khẩu trang là căn bệnh thời hiện đại cần được theo dõi, chỉ đứng sau bệnh viêm da do khẩu trang.

Kikumoto cảnh báo rằng hiện tượng này không chỉ ảnh hưởng đến người lớn mà còn tới trẻ em ở độ tuổi đến trường.

“Những đứa trẻ vào tiểu học kể từ khi Covid-19 bùng phát luôn phải đeo khẩu trang. Chắc chắn có nhiều vấn đề phát sinh từ đó”, ông nói.

Khó thay đổi

Khi nào Nhật Bản xóa bỏ khẩu trang là điều còn phải bàn cãi, nhưng đối với một số người, các biện pháp vệ sinh do Covid-19 tạo ra khó có thể loại bỏ.

Takao Saito, chủ sở hữu kiêm bếp trưởng của nhà hàng ở Tokyo, cho biết: “Kể từ khi đại dịch bùng phát, chúng tôi đã cung cấp cho khách hàng đi theo nhóm các phần sashimi riêng lẻ thay vì phục vụ trên đĩa lớn để giảm thiểu sự tiếp xúc. Đó là điều mà chúng tôi sẽ tiếp tục vì khách hàng không phải lo lắng khi giành đồ ăn với nhau trong bữa tiệc”.

Saito cũng sẽ đeo khẩu trang khi chuẩn bị và phục vụ thức ăn bất kể tình trạng dịch như thế nào vì “điều này hợp vệ sinh và sạch sẽ hơn”.

GS Mitsutoshi Horii, nhà xã hội học hiện công tác tại ĐH Shumei ở Anh, nói rằng thực tế là không có bất kỳ quy định nào về khẩu trang có hiệu lực pháp luật ở Nhật Bản có thể khiến quốc gia này gặp khó khăn trong việc chuyển đổi sang xã hội không che mặt.

“Ở Anh nơi tôi sống, khi quy định khẩu trang được dỡ bỏ, hầu hết người dân đều tháo chúng ra. Nhưng ở Nhật, sự chuyển đổi có thể phức tạp hơn vì việc đeo khẩu trang chủ yếu là tự nguyện. Trừ khi có các quy tắc rõ ràng được áp dụng cho nơi làm việc và trường học, mọi người có thể cảm thấy bắt buộc phải tuân theo đám đông để tránh trở thành kẻ lạc loài”, ông nói.

Chung nghien khau trang o Nhat Ban anh 4

Phụ nữ 20-30 tuổi sẽ tiếp tục đeo khẩu trang ngay cả khi đại dịch lắng xuống vì điều đó giúp họ có thể ra ngoài mà không cần trang điểm. Ảnh: The Japan Times.

Đến nay, hơn 30.800 người tử vong vì Covid-19 ở Nhật Bản, với số ca mắc mới dao động 15.000-20.000 người/ngày. Số ca nặng hàng ngày tiếp tục giảm, hiện xuống dưới 80.

Trong khi các sự kiện lịch sử và đặc điểm văn hóa được cho là nguyên nhân đằng sau chứng nghiện khẩu trang ở Nhật Bản, với số ca mắc và tử vong giảm, chắc chắn mọi người sẽ không đeo chúng mãi mãi?

“Chúng ta sẽ chờ xem. Khẩu trang đã phát triển thành vật phẩm giúp mọi người giảm bớt lo lắng trong những thời điểm không chắc chắn”, Horii nói.

Điều đó có nghĩa là các chuẩn mực xã hội, hơn là hướng dẫn của chính phủ và khoa học, cuối cùng có thể quyết định khi nào mọi người sẽ tạm biệt với việc che mặt.

“Thậm chí sau đó, tôi chắc chắn rằng chứng nghiện khẩu trang sẽ vẫn xuất hiện ở một số hình thức”, Horii nói.

Khi Phuket không khẩu trang

Phuket cho phép người khỏe mạnh cởi bỏ khẩu trang khi ở địa điểm ngoài trời như bãi biển, công viên và sân vận động. Bangkok cũng sẽ nối gót ngay khi có thể.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm