Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một trong những phiên giao dịch giảm mạnh nhất trong lịch sử ngày 9/3. VN-Index giảm 6,3%, HNX-Index giảm 6,4%.
Đây là mức giảm kỷ lục trong một phiên giao dịch của VN-Index kể từ năm 2001. Tuy nhiên, quy mô thị trường hiện tại khác xa so với 19 năm trước. Khi đó, sàn chứng khoán TP.HCM mới chỉ có 5 cổ phiếu đang giao dịch.
Trên sàn HoSE hôm nay, 368 cổ phiếu giảm điểm, chỉ có 34 mã tăng giá. Trong danh mục VN30, 22/30 mã cổ phiếu giảm sàn. Trong đó, 19 mã cổ phiếu trắng bên mua cuối phiên giao dịch. Không riêng một vài nhóm cổ phiếu nào mà đồng loạt tất cả gần như giảm kịch phiên.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích của Công ty chứng khoán Yuanta (YSV), nhận định thị trường chứng khoán hôm nay giảm điểm mạnh do tâm lý nhà đầu tư phản ứng tiêu cực trước tình hình dịch bệnh ở Việt Nam khi cuối tuần qua, số ca mắc bệnh mới tăng đáng kể.
Diễn biến này tương tự thị trường chứng khoán Hàn Quốc có những đợt giảm điểm rất mạnh khi xuất hiện đợt bùng phát ca mắc bệnh mới.
"Điều này phản ánh tâm lý hoang mang của nhà đầu tư với hành động bán tháo toàn thị trường. Giới đầu tư đang lo lắng liệu tình hình dịch bệnh có kiểm soát được hay không và lo ngại quy mô dịch có lớn hơn không", ông Minh nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, diễn biến thị trường thế giới cũng không ủng hộ thị trường Việt Nam. Hầu hết chỉ số tại thị trường châu Á giảm từ 2% trở lên, giá dầu cũng giảm kịch phiên.
"Đây là những yếu tố xấu cộng hưởng khiến thị trường Việt Nam có phiên giảm mạnh nhất từ khi dịch bệnh xảy ra", ông Minh nói với Zing.vn.
Chỉ số VN-Index rớt về mốc 835 điểm. Ảnh: Tradingview. |
Theo chuyên gia này, với tâm lý bán tháo hôm nay, có thể những nhà đầu tư thường xuyên lướt sóng trong thời gian vừa rồi đã có lãi nên chốt bán. Cùng lúc, các nhà đầu tư mới tham gia ngay lập tức cắt lỗ vì chưa dự đoán được tình hình dịch bệnh.
Tuy nhiên, đại diện YSV cho rằng kinh nghiệm trong quá khứ chỉ ra khi chịu tác động bởi yếu tố đột biến như dịch bệnh hay địa chính trị, thị trường sẽ nhanh chóng kết thúc đà giảm và hồi phục. Những cú sốc như hiện tại sẽ khó kéo dài trừ khi nền kinh tế khủng hoảng thật sự.
Ông Minh cho rằng dịch bệnh đang ảnh hưởng nền kinh tế nhưng chưa xuất hiện những tác động trung, dài hạn rõ ràng mà phần lớn là ngắn hạn và tâm lý của nhà đầu tư trong phiên giao dịch hôm nay đã phản ứng thái quá.
Dù có một phiên giảm điểm sâu, chuyên gia này chỉ ra một điểm tích cực với thị trường chứng khoán Việt là khối ngoại đã giảm giá trị bán ròng. Đây là dấu hiệu chứng tỏ khối ngoại không đồng thuận với đà bán tháo của nhà đầu tư trong nước.
Bên cạnh đó, một tia hy vọng tích cực khác theo ông là thị trường Mỹ. "Vừa rồi các chỉ số chứng khoán của Mỹ cũng giảm sâu nhưng chỉ số VIX đo lường tâm lý nhà đầu tư đang đạt gần vùng đỉnh. Khi chỉ số này đã tới mức đỉnh thì sẽ sớm điều chỉnh. Khi đó, thị trường chứng khoán sẽ xác lập vùng đáy ngắn hạn", ông Minh nhận định.
Giám đốc YSV cũng cho rằng có thể FED sẽ tiếp tục giảm lãi suất sau lần cắt giảm vừa qua. Nếu xảy ra, đây có thể sẽ là cú hích đưa dòng tiền dịch chuyển qua các thị trường chứng khoán mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Ông Minh đưa ra lời khuyên các nhà đầu tư cá nhân nên cơ cấu lại danh mục, giảm áp lực margin trong ngắn hạn, ưu tiên giữ lại cổ phiếu từ nguồn vốn tự có để tránh trường hợp rủi ro cao hơn.
"Hiện tại, tôi chưa hoàn toàn kỳ vọng thị trường sớm có những đợt đáy mới. Trong 1-2 phiên tới, rủi ro vẫn còn và có thể sẽ tiếp tục chiều hướng giảm. Tuy nhiên, khi thị trường giảm sâu, sẽ có dòng tiền bắt đáy nhảy vào. Khi đó, thị trường sẽ có những đợt hồi phục", ông kết luận.