Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô bị truy nã?

Bộ Công an cáo buộc Trần Khắc Hùng là chủ mưu chỉ đạo các bị can khác lợi dụng thiếu sót của Bộ GD&ĐT để cấp hàng trăm bằng cử nhân giả.

Ngày 15/12, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi các bộ ngành liên quan về vụ cấp, sử dụng bằng giả tại Đại học Đông Đô.

Ngoài yêu cầu xác minh, làm rõ những sai phạm liên quan của các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ GD&ĐT, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương truy bắt bị can Trần Khắc Hùng (Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô) theo quyết định truy nã hồi tháng 8/2019.

Cấp bằng cử nhân giả

Theo kết luận của Cơ quan An ninh điều tra, tháng 6/2017, ông Trần Khắc Hùng được UBND TP Hà Nội công nhận là Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô với số vốn góp 37,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, trường này còn 4 thành viên khác góp vốn, gồm Công ty cổ phần VNN, Công ty Bosmi, Công ty cổ phần tập đoàn SARA và bà Trần Thị Yến.

Đầu năm 2018, Trần Khắc Hùng ký quyết định nâng cấp khoa Đào tạo liên tục của trường thành Viện Đào tạo liên tục.

Truy na Tran Khac Hung anh 1

Cựu hiệu trưởng Dương Văn Hòa và 2 bị can liên quan vụ án. Ảnh: Bộ Công an.

Kết luận điều tra nêu Đại học Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2, nhưng các bị can đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và được Bộ GD&ĐT thông báo chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy.

Cơ quan điều tra xác định từ tháng 4/2017, Trần Khắc Hùng lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý tuyển sinh và chính sách tự chủ giáo dục đại học để chỉ đạo Dương Văn Hòa (cựu hiệu trưởng) ký thông báo tuyển sinh văn bằng 2 ngôn ngữ Anh gửi các cơ sở.

Sau đó, 12 cơ sở tuyển sinh của trường đã thu hút hơn 3.500 học viên đăng ký. Tổng số tiền các cá nhân nộp cho Đại học Đông Đô để dự tuyển là trên 24 tỷ đồng.

Đầu năm 2018, bị can Hùng vì lợi nhuận, đã chỉ đạo thuộc cấp làm thủ tục cấp văn bằng 2 cử nhân ngôn ngữ Anh cho các cá nhân không qua đào tạo, tuyển sinh. Theo chỉ đạo của ông Hùng, học viên không cần thi đầu vào, không tham gia đào tạo, được cung cấp đề và đáp án để chép vào bài thi.

Tài liệu điều tra cho thấy 193 người đã được Đại học Đông Đô cấp bằng không qua tuyển sinh, hoặc không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp bằng. Toàn bộ bằng giả do bị can Dương Văn Hòa ký theo chỉ đạo của Trần Khắc Hùng.

Tháng 4/2019, khi Bộ GD&ĐT yêu cầu Đại học Đông Đô giải trình về việc đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh, Trần Khắc Hùng tiếp tục chỉ đạo cấp dưới làm giả quyết định công nhận 47 thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng 2 để gửi cho bộ nhằm che giấu sai phạm.

Trong vụ án, cơ quan chức năng đánh giá Trần Khắc Hùng giữ vai trò chủ mưu. Tuy nhiên, bị can đã bỏ trốn nên cảnh sát ra quyết định truy nã về tội Giả mạo trong công tác, khi bắt được sẽ xử lý sau.

Chân dung bị can Trần Khắc Hùng

Trước khi trốn truy nã, bị can Hùng cư trú tại nhà A5 Khu đô thị Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Truy na Tran Khac Hung anh 2

Bị can Trần Khắc Hùng. Ảnh: Bộ Công an.

Theo tờ Lao động, ông Hùng sinh năm 1972 tại Nghệ An. Ngoài chức danh Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô, bị can còn kiêm nhiệm Viện trưởng Viện đào tạo liên tục của trường này.

Ông Trần Khắc Hùng là tiến sĩ, từng là ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và được Unesco Việt Nam trao tặng biểu tượng "Rồng thiêng doanh nhân hiền tài”.

Lý lịch của Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đông còn cho thấy sau thời gian sinh sống tại Nhật Bản, năm 1999, ông Hùng về Việt Nam, làm Phó giám đốc Công ty TNHH Việt Phương.

Giai đoạn 2000-2003, người này giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại Hùng Phát kiêm Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực thuộc Viện nghiên cứu và phát triển nông thôn.

Tiếp đó, trong các năm 2003-2007, bị can là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn SARA kiêm Giám đốc Công ty cổ phần SARA Việt Nam.

Từ tháng 12/2010, ông Trần Khắc Hùng là Chủ tịch HĐQT kiêm quyền Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư VNN.

10 bị can liên quan vụ án bị đề nghị truy tố tội Giả mạo trong công tác:

Dương Văn Hòa; Trần Kim Oanh và Lê Ngọc Hà (2 cựu hiệu phó); Trần Ngọc Quang (cựu Trưởng phòng Đào tạo); Nguyễn Thị Huệ (cựu Trưởng phòng Tài vụ); Nguyễn Thị Ngọc Thái, Phạm Vân Thùy, Lê Thị Thanh Tâm, Lê Thị Lương và Ngô Quang Hiển (các cựu cán bộ nhà trường).

Dùng bằng giả của Đại học Đông Đô để bảo vệ luận án tiến sĩ

Bộ Công an xác định Đại học Đông Đô cấp bằng giả cho 193 cá nhân. Trong đó, 55 người dùng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ.

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm