Trong khi tiểu thương kinh doanh trong chợ Bình Điền phải tốn chi phí mặt bằng, bến bãi, kho chứa hàng… thì việc buôn bán bên ngoài cổng chợ không tốn bất kỳ một chi phí giao dịch nào. Đây cũng là lý do mà nhiều mặt hàng nông sản có giá rẻ hơn trong chợ, không khí mua bán bên ngoài cũng tấp nập hơn.
Chị Hải, một tiểu thương ở quận 4 cho biết, đã hơn 2 năm nay chị đều mua hàng của đại lý hoa quả trước cổng chợ về để bán lại mà không vào trong chợ. Giá hoa quả, đặc biệt là mít, dứa đều rẻ. Mua số lượng lớn, tiểu thương còn được chủ buôn giao hàng tận nhà. Đây là lý do chính khiến cho chị Hải và nhiều bạn chợ khác chọn mua hàng bên ngoài. Không chỉ vậy, theo lời tiểu thương này, các bạn hàng đổ xô lấy bên ngoài, giá giảm, rất cạnh tranh nên chị cũng buộc lòng phải làm theo.
Mặc cho biển báo "cấm tụ tập buôn bán" nhưng những sạp trái cây vẫn vô tư bày bán và luôn đông khách. Ảnh: Zen Nguyễn. |
Nhiều loại nông sản trong chợ phải nhường thị phần phân phối lại cho các vựa trái cây bên ngoài, đặc biệt là mít và dứa. Cũng vì vậy mà bên trong chợ, rất ít gian hàng bày bán loại nông sản này, hoặc có cũng chỉ cầm chừng để có hàng bán giữ mối. Ngay đoạn rẽ vào cổng chợ từ đầu đường Nguyễn Văn Linh, có đến hơn 10 vựa trái cây chuyên cung cấp 2 loại quả này.
Bà Tuyết, một tiểu thương kinh doanh nông sản trong chợ buồn rầu cho hay, nhiều loại nông sản dù là thế mạnh trước đây, nhưng nay giới buôn bán đều phải chuyển qua nhập loại khác về bán. Trong chợ phải cạnh tranh khốc liệt mà lại gánh nhiều chi phí, trong khi ở bên ngoài hàng lại bán được nhiều, lại không phải đóng phí khiến những người buôn bán có điều kiện giảm giá, càng dễ kéo khách. Bà Tuyết cho hay, tiểu thương cũng đã có phản ánh lên ban quản lý, song đến nay chợ Bình Điền vẫn bị "bao vây" như vậy.
Cũng theo các tiểu thương này, những vựa trái cây trước cổng hình thành từ lúc chợ Bình Điền bắt đầu hoạt động. Nhiều hộ dân có mặt bằng rộng gần chợ còn cho các vựa trái cây bên ngoài thuê để làm nơi phân phối nông sản án ngữ ngay trước cổng chợ. Khu vực này tập trung nhiều khách hàng nên nhiều thương buôn hay tin cũng kéo về họp chợ, với nhiều loại nông sản được lấy tận gốc ở các tỉnh miền Tây.
Chỉ riêng trong 4 tháng cuối năm, hàng chục xe tự chế bị phường 7, quận 8 tịch thu. Số xe này đều không có người đến nhận và đang chờ thanh lý sắt vụn. Ảnh: Zen Nguyễn. |
Thời điểm buôn bán tấp nập nhất từ lúc 22h đến đến 6h sáng. Trên đường Nguyễn Văn Linh đêm nào cũng có hàng chục xe hải sản, chủ yếu là nghêu, sò từ miền Tây chở lên. Những xe này không vào chợ mà đậu dọc đường trước chợ rồi mở bán ngay trên xe. Đây là thời điểm các lực lượng chức năng chưa làm việc nên khó kiểm soát, khiến tình trạng "bao vây, cấm vận" bên ngoài chợ diễn ra từ nhiều năm.
Ông T., chủ một xe hàng ở Tiền Giang cho biết, bán bên ngoài được giá hơn vì có cả khách lẻ, trong khi nếu bán ở bên trong chợ thường chỉ là đổ buôn. Theo ông T., xe nghêu, sò của ông có mặt ở TP. HCM từ 16-17h, đi giao một loạt các nhà hàng, quán nhậu. Sau đó còn bao nhiêu, ông sẽ chở về cổng chợ để bán. Nhiều người khác cũng làm như ông.
Anh Tiến, làm nghề bốc vác khu vực chợ Bình Điền nói thêm, hơn 5 năm nay, con đường dẫn vào chợ luôn là địa điểm bán hàng của dân tứ xứ đổ về. Đủ loại nông sản được bày trên xe ba gác, xe kéo. Có người thì xách gà vịt chạy cả ra đường để chào khách. Những khi có nhiều xe tải xếp hàng dài vào chợ, khu vực này càng trở nên lộn xộn.
Mặc dù Ủy ban nhân dân TP HCM đã có quyết định cấm buôn bán các loại thực phẩm, nông sản, thủy sản trên các tuyến đường gần chợ Bình Điền, nhưng từ nhiều năm nay cảnh mua bán bên ngoài vẫn luôn tấp nập, và ngày càng nhộn nhịp, hơn hẳn so với bên trong chợ.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó chủ tịch phường 7, quận 8 cho biết, việc kiểm tra xử phạt những người "bao vây" chợ Bình Điền diễn ra thường xuyên. "Nhưng khu vực này là điểm tiếp giáp giữa phường 7, quận 8 và phường An Phú Tây, quận Bình Chánh. Do đó, việc kiểm tra, xử phạt gặp khó khăn, có khi bắt bên này họ lại chạy sang bên kia. Đã có nhiều trường hợp khi lực lượng chức năng xuất hiện, người bán vứt cả xe hàng bỏ chạy, hôm sau lại mua xe, chở hàng bán tiếp", ông Phong giải bày.
Lãnh đạo phường này cũng cho rằng, trong thời gian tới, phía chính quyền, tiểu thương và ban quản lý sẽ họp ba bên để đưa ra phương án hợp lý nhất.