Theo The Verge, CEO Apple dành buổi chiều 20/11 để trò chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi cả hai đến thăm nhà máy sản xuất Mac Pro của "Táo khuyết" tại Austin, Texas. Vào buổi sáng, gã khổng lồ xứ Cupertino đã tự hào thông báo trước về sự kiện này.
Apple cũng ra thông cáo báo chí khẳng định công ty này sẽ đóng góp cho nền kinh tế Mỹ khoảng 350 tỷ USD trong giai đoạn 2018-2023. Theo CNBC, chuyến thăm cho thấy mối quan hệ gần gũi giữa ông Trump và ông Cook.
"Tôi luôn nói về Apple và luôn muốn thấy Apple xây dựng nhà máy ở Mỹ. Và điều đó đang diễn ra. Và Tim Cook là người tôi vô cùng kính trọng", ông Trumpo khẳng định.
Tim Cook thường xuyên gặp mặt Tổng thống Mỹ. Ảnh: Getty Images. |
Công khai “ve vãn” chính quyền Mỹ
Làm thân với Tổng thống Mỹ là động thái lạ của Apple. Trong quá khứ, lãnh đạo tập đoàn này hiếm khi gặp gỡ các nhân vật chính trị. Họ không phải đối mặt với bộ máy kiểm duyệt nội dung hay chịu áp lực duy trì mạng lưới quảng cáo khổng lồ, những điều ảnh hưởng sâu sắc đến Facebook và Google.
Tuy nhiên, thời gian gần đây Tim Cook thể hiện thái độ thân mật với Tổng thống Trump. Apple chưa từng mạnh miệng chỉ trích chính phủ Mỹ như Amazon sau khi mất hợp đồng quân sự trị giá 10 tỷ USD vào tay Microsoft.
CEO Amazon Jeff Bezos công khai bày tỏ thái độ khó chịu với tổng thống Mỹ, Facebook cũng không ưa gì Washington sau nhiều lần CEO Mark Zukerberg bị điều trần tại các ủy ban của Quốc hội. Ngược lại, Tim Cook không ngần ngại năm lần bảy lượt đến gặp ông Trump.
Về phần mình, ông chủ Nhà trắng nhắc tên CEO Apple hàng chục lần trong 3 năm qua. Ngoài các cuộc họp chính thức, 2 người đàn ông này thường xuyên giữ liên lạc với nhau.
Ông Trum từng khoe đi ăn với Tim Cook hồi tháng 8 và liên tục trao đổi trực tiếp qua điện thoại. "Ông ấy là một CEO tuyệt vời vì đã gọi cho tôi, những người khác không làm vậy", Donald Trump nhận xét.
Mối quan hệ nồng ấm đem lại lợi ích cho cả hai bên. Ảnh: Getty Images. |
Mối quan hệ thân mật với ông Trump mang lại nhiều lợi ích cho Apple. Năm 2017, tập đoàn gửi 230 tỷ USD ở nước ngoài. Họ chờ đợi vị tổng thống thuộc đảng Cộng hòa giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để chuyển khoản tiền này về Mỹ với chi phí thấp nhất.
Đồng thời, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc hiện nay có thể gây ra hậu quả thảm khốc cho Apple, công ty phụ thuộc vào khâu gia công, sản xuất tại quốc gia đông dân nhất thế giới nhiều hơn bất kỳ doanh nghiệp Mỹ nào.
Các sản phẩm iPhone, MacBook của Apple lắp ráp tại Trung Quốc có thể bị đánh thuế nặng khi nhập khẩu vào Mỹ. Với cả hai lý do đó, Apple phải chọn giải pháp vận động hàng lang chính trị.
Bánh vẽ của Apple
Trên thực tế, cả hai đã có những cuộc tiếp xúc trước khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Vài tuần sau ngày bầu cử, tân tổng thống mời CEO Apple đến Trump Tower dự hội nghị thượng đỉnh công nghệ cùng với Larry Page, Jeff Bezos, Sheryl Sandberg, Elon Musk, Peter Thiel và một số nhân vật quan trọng khác.
Trong các bài phát biểu của ông Trump, Tim Cook luôn được đánh giá theo hướng tích cực. Tổng thống Mỹ đã dùng con số cam kết 350 tỷ USD của Apple để dẫn chứng cho hiệu quả thu hút đầu tư nhờ chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp áp dụng từ 2017.
Không có bằng chứng nào cho thấy biện pháp kinh tế của ông Trump khiến các doanh nghiệp đổ tiền vào Mỹ, nhưng 350 tỷ USD rõ ràng con số quảng cáo tuyệt vời.
Theo The Verge, hiện tại Apple không đóng góp cho kinh tế Mỹ nhiều hơn giai đoạn ông Obama làm tổng thống. Họ không xây dựng bất kỳ nhà máy nào ở đây vì đơn giản là Apple không tự sản xuất thiết bị.
Donald Trump và Tim Cook ghé thăm nhà máy lắp ráp Mac Pro hôm 20/11. Ảnh: AP. |
Nhà máy mà Trump ghé thăm hôm 20/11 thuộc sở hữu của Flex (trước đây là Flextronics), đối tác đã lắp ráp Mac Pro từ năm 2013 và sẽ tiếp tục gia công phiên bản mới.
Apple lên kế hoạch xây trụ sở trị giá 1 tỷ USD tại Texas, ngay cạnh nhà máy ráp Mac Pro, nhưng không có đồng nào từ con số 350 tỷ USD mà Tim Cook đã nhắc đến.
Khoảng tiền khổng lồ đó là lợi nhuận ở nước ngoài, Apple chỉ muốn chuyển về cho các cổ đông tại Mỹ của họ. Vì vậy câu nói “đóng góp 350 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ” không đồng nghĩa với việc bỏ ra từng ấy tiền để phát triển sản xuất.
Ngoài vấn đề giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, Tim Cook còn mong muốn chính quyền loại trừ iPhone, MacBook hay Airpods khỏi danh sách hàng hóa bị đánh thuế trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. So với các công ty khác của nước này, Apple chịu tác động nặng nề nhất bởi phần lớn iPhone được sản xuất trực tiếp tại Trung Quốc.