Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Vì sao cần thận trọng khi cho trẻ nhỏ ở TP.HCM ra đường?

"Việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ nhỏ cần được xem xét nhiều yếu tố. Do đó, trong thời gian chờ đợi, các bé không nên ra đường, đến nơi đông đúc", bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.

Ngày cuối tuần đầu tiên TP.HCM mở cửa, chị Lan Linh (29 tuổi, sống tại TP Thủ Đức) dẫn con trai đến trung tâm thương mại tại quận 7. Tuy nhiên, chị được bảo vệ tòa nhà khuyên không nên đưa trẻ vào bên trong vì khu vực mua sắm lúc này khá đông đúc.

Vì lời hứa dẫn con đi mua đồ chơi mới sau khi thành phố hết giãn cách, chị Linh cố gắng thuyết phục bảo vệ nhưng vẫn bị từ chối.

"Tôi đành dỗ dành con và dẫn bé ra phố đi bộ chơi. Hy vọng sớm có nghiên cứu vaccine cho trẻ em để các bé cũng được bảo vệ như người lớn", chị Linh nói.

Trẻ nhỏ nên hạn chế ra đường không cần thiết

Nhiều ngày qua, chị Trần Thị Thanh Thủy (quận Tân Phú) vẫn chưa an tâm đưa con ra đường vui chơi. Để tâm lý bé thoải mái hơn sau nhiều tháng ở nhà, chị Linh cố gắng đưa con xuống sân chung cư, chọn không gian thưa người.

"Nhìn các em nhỏ khác tụm lại chơi với nhau tôi rất lo lắng, sợ nhất là người lớn ra ngoài nhiều sau đó vô tình lây nhiễm cho trẻ. Hy vọng sẽ sớm có nghiên cứu vaccine để tiêm chủng cho trẻ em. Khi nào trẻ được bảo vệ, tâm lý của phụ huynh mới thật sự an tâm khi đưa bé trở lại trường học", chị Linh chia sẻ.

the xanh Covid-19 cho tre em chua tiem vaccine anh 1

Một gia đình đưa con đến phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) đi dạo chiều cuối tuần ngày 3/10. Ảnh: Duy Hiệu.

Trao đổi với Zing, một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết ông đồng cảm với tâm tư của các phụ huynh trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Tuy nhiên, thành phố đang chờ hướng dẫn từ Bộ Y tế và có nguồn vaccine phù hợp mới có thể triển khai tiêm chủng an toàn cho trẻ nhỏ.

Trước đó, tại buổi họp báo thông tin lộ trình thực hiện Chỉ thị 18, phóng viên đặt câu hỏi với lãnh đạo TP.HCM về việc tiêm vaccine cho trẻ dưới 18 tuổi và quy định áp dụng cho trẻ khi các bé chưa có chứng nhận tiêm chủng.

Trả lời câu hỏi này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết thành phố quản lý các trường hợp dưới 18 tuổi bằng khai báo y tế. Ngoài ra, theo lộ trình mở cửa, học sinh TP.HCM vẫn tiếp tục học trực tuyến nên chưa phải đến trường. Do đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM khuyến cáo nếu không có việc cần thiết, nhóm này không nên ra đường.

“Hiện nay, Bộ Y tế chưa có quy định, hướng dẫn tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi. Trẻ em là tài sản của quốc gia. Do vậy, các gia đình không để trẻ tự ý ra đường, ảnh hưởng đến sức khỏe”, ông Lê Hòa Bình nói.

Theo PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trong giai đoạn hiện nay, phụ huynh cần cân nhắc khi đưa trẻ đến các khu vực công cộng tập trung đông người, hạn chế tiếp xúc không cần thiết.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng trong những môi trường như công viên, trung tâm thương mại..., không nên quy định quá khắt khe mà từ chối trẻ nhỏ. Các bé có thể tự do sinh hoạt, vui chơi nếu đảm bảo khẩu trang, môi trường an toàn.

the xanh Covid-19 cho tre em chua tiem vaccine anh 2

Bé gái đeo khẩu trang vui vẻ chơi đùa trên phố. Ảnh: Duy Hiệu.

Về các giải pháp nhiều người đề xuất thay thế để làm "thẻ xanh Covid" cho trẻ như xét nghiệm âm tính, PGS Dũng cho rằng không cần thiết.

"Xét nghiệm âm tính bắt buộc trước khi ra đường với trẻ nhỏ là không cần thiết. Mỗi lần xét nghiệm có thể gây ra chấn thương niêm mạc nhạy cảm của bé. Nhiều quốc gia hiện nay vẫn chưa bắt buộc tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em và trẻ em cũng tự do sinh hoạt trong môi trường bên ngoài", PGS Dũng nói thêm.

Chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Dược nhấn mạnh khẩu trang là biện pháp bảo vệ tốt nhất và quan trọng để phòng bệnh cho trẻ em.

Chờ vaccine an toàn cho trẻ em

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng giai đoạn này, phụ huynh không nên nôn nóng, vượt rào để tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ nhỏ.

Theo chuyên gia này, vaccine phòng Covid-19 có thời gian nghiên cứu khá nhanh và vẫn còn khá mới, do đó, việc tiêm chủng cho trẻ em cần được cân nhắc thận trọng.

the xanh Covid-19 cho tre em chua tiem vaccine anh 3

Bác sĩ ở Bệnh viện dã chiến số 12 tặng quà cho các trẻ đang điều trị Covid-19. Ảnh: Chí Hùng.

"Vaccine phòng bệnh từ trước đến nay thường nghiên cứu tiêm chủng trên đối tượng là trẻ em. Nhưng với vaccine Covid-19 thì nghiên cứu tiêm cho người trưởng thành. Việc tiêm vaccine cho trẻ em cần được cân nhắc dựa trên yếu tố bao gồm công nghệ sản xuất, số liệu nghiên cứu", bác sĩ Khanh nói.

Theo ông, trẻ em mắc Covid-19 đa số có triệu chứng bệnh nhẹ và tự khỏi sau thời gian được chăm sóc. Những trẻ nhiễm nCoV có tình trạng nặng đa số mắc bệnh nền nguy hiểm như ung thư, tim, béo phì, phổi mạn tính, tiểu đường, mạch vành, thiếu hụt miễn dịch...

"Khi chưa có chỉ định, phụ huynh không nên nôn nóng, vượt rào. Khi nào toàn bộ người lớn tuổi và người có nguy cơ cao được tiêm chủng, trẻ em cũng phần nào được cộng đồng bảo vệ. Trong thời gian chờ, không nên đưa trẻ đến khu vực có nguy cơ cao và luôn cho bé đeo khẩu trang khi ra đường", bác sĩ Khanh chia sẻ.

Đồng quan điểm này, PGS Đỗ Văn Dũng cũng cho rằng hiện tại, nguy cơ diễn biến nặng khi mắc Covid-19 ở trẻ em thấp hơn nhiều so với người lớn. Do đó, khi cả nước vẫn chưa có lượng vaccine đủ để tiêm cho người dân, việc bảo vệ người lớn quan trọng hơn. Đa số trẻ mắc Covid-19 không có biến cố nặng, trừ khi bé mắc bệnh nền nguy hiểm.


TP.HCM cần tăng cường sàng lọc tại cơ sở y tế khi số F0 mới vẫn cao

Với số lượng người đến khám, chữa bệnh tăng cao sau ngày TP.HCM mở cửa, chuyên gia cho rằng các cơ sở y tế cần tích cực sàng lọc, tránh xảy ra bùng phát ổ dịch.

Nguyên nhân TP.HCM có nhiều trẻ nhỏ mắc Covid-19

Chuyên gia cho biết đa số trẻ em mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc biểu hiện bệnh nhẹ. Tuy nhiên, một số trường hợp có nguy cơ diễn biến nặng.

Dịch Covid-19

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm