Ngày 29/10, dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ là nội dung nhận được nhiều ý kiến trao đổi giữa Bộ Công an và Bộ Y tế trong phiên thảo luận chung giữa 2 cơ quan.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT, nêu 10 nhóm vấn đề trao đổi, tham vấn ý kiến các chuyên gia ngành y tế. Trong đó, tập trung vào quy định về mũ bảo hiểm, ghế ngồi dành riêng cho trẻ em và cơ chế bảo vệ cho người đi bộ...
96 quốc gia quy định ghế an toàn cho trẻ em
Tại khoản 3, Điều 8 dự Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ nêu: Trẻ em dưới 12 tuổi hoặc người có chiều cao dưới 1,35 m không được ngồi cùng hàng ghế với tài xế. Trẻ dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành riêng…
Theo PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Đại học Y tế công cộng, ghế an toàn là giải pháp được WHO khuyến cáo nhằm giảm nguy cơ thương tích và tử vong cho trẻ em khi tham gia giao thông.
Ở Việt Nam tai nạn giao thông là nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em hàng đầu, chỉ sau đuối nước. Trong đó, xu hướng tai nạn giao thông liên quan đến ôtô đang tăng dần.
Theo thống kê, việc sử dụng ghế dành riêng cho trẻ (0-9 tuổi) giảm tỷ lệ thương tích và tử vong 55-90%. Trong khi đó, nếu trẻ chỉ đeo dây an toàn mà không có ghế an toàn thiết kế riêng thì tỷ lệ này là 24-32%.
Dự luật mới đề xuất trẻ dưới 4 tuổi phải được ngồi ghế có thiết kế riêng. Ảnh: Minh Khoa. |
Đối với đề xuất trẻ dưới 12 tuổi hoặc người có chiều cao dưới 1,35 m không được ngồi cùng hàng ghế với tài xế, các chuyên gia cho rằng vị trí ghế trước chịu nhiều lực tác động hơn khi xảy ra tai nạn. Hơn nữa, khi túi khí bung ra với vận tốc có thể lên tới 300 km/h, cơ thể trẻ em có phần lưng và cổ rất yếu nên dễ bị tổn thương.
Về cấu trúc sinh học, trẻ em cũng có tỷ lệ đầu lớn so với cơ thể nên khó giữ thăng bằng hơn người trưởng thành, thời điểm túi khí bung rất dễ xảy ra chấn thương nghiêm trọng.
PGS.TS Phạm Việt Cường cũng cho biết hiện 96 quốc gia đã quy định về ghế an toàn cho trẻ em. Ở Việt Nam, tỷ lệ sử dụng ôtô có xu hướng tăng nhanh. Do vậy, khi xây dựng một bộ luật mới, các cơ quan chức năng cần tính toán tới tầm nhìn dài hạn.
Tuy nhiên, để thực thi tốt, ông Cường khuyến cáo cơ quan chức năng cần quy định rõ về tiêu chuẩn kỹ thuật ôtô để có thể lắp ghế an toàn cho trẻ, đồng thời cần quy định chất lượng ghế an toàn bán ra thị trường. “Tránh để phát sinh việc những loại ghế kém chất lượng bán tràn lan giống như tình trạng mũ bảo hiểm hiện nay”, ông Cường nói.
Còn theo đại diện của Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI), cơ quan chức năng cần thực thi từng bước. Trước hết, chỉ áp dụng ghế dành riêng của trẻ em cho xe cá nhân, bởi những trường hợp này ghế sẽ được sử dụng thường xuyên, đồng thời nguồn tài chính của họ hoàn toàn có thể đáp ứng được.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT trao đổi với Zing. Ảnh: H.Q. |
Trả lời câu hỏi của Zing về lo ngại phát sinh tranh cãi cách đo lường giữa lực lượng thực thi công vụ và người dân về quy định trẻ em dưới 1,35 m và 12 tuổi, đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết Cục CSGT đang tham vấn các doanh nghiệp, chuyên gia về công nghệ thông tin đặc biệt là trí tuệ nhân tạo.
Sắp tới, camera giám sát được đồng bộ dữ liệu, có chức năng phát hiện vi phạm của người trong xe. “Việc kiểm soát sẽ chủ yếu dựa vào công nghệ, đồng thời chúng tôi hướng đến việc nâng cao tính chấp hành của người dân thay vì xử phạt”, đại tá Bình nói.
Quản lý từ vỉa hè
Tại buổi hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp (Bộ Y tế), nêu hiện nay có những người cách nơi làm việc chỉ 2-3 km nhưng vẫn đi xe cá nhân. “Họ chấp nhận tắc đường bởi vỉa hè không còn chỗ để đi nữa, nếu đi xuống lòng đường thì nguy cơ tai nạn rất cao”, ông Sơn nói.
Từ thực tế trên, ông Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo luật cần tính toán quản lý trật tự từ vỉa hè, lòng đường, bảo vệ và ưu tiên cho người đi bộ, phương tiện công cộng và những người yếu thế.
Ùn tắc ngay trên vỉa hè ở Hà Nội. Ảnh: H.Q. |
Trước tình trạng mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng vẫn còn tràn lan, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng phải thống nhất chất lượng. Ông Sơn cho biết việc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn giảm tỷ lệ tử vong rất lớn bởi phần đầu dễ tổn thương khi xảy ra tai nạn, nếu không tử vong cũng có nguy cơ cao thương tật suốt đời.
“Cần có quy chuẩn mũ bảo hiểm, sau đó CSGT cần có cơ chế giám sát, quản lý giống như kiểm định phương tiện. Hiện nay, tôi thấy mũ không đạt chuẩn rất nhiều trên đường, chỉ cần rơi đã vỡ, rất nguy hiểm”, ông nói.
Còn bà Trần Thị Xuân Hằng, chuyên viên Vụ Pháp chế của Bộ Y tế, quan tâm đến vấn đề mũ bảo hiểm cho trẻ em và cho biết hiện nay chưa có quy chuẩn về mũ bảo hiểm cho các trường hợp này. Bà Hằng cũng đánh giá việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em hiện chưa được thực hiện nghiêm, chưa có nghiên cứu về độ tuổi nào có thể đội được mũ bảo hiểm quy chuẩn thế nào.
“Chúng tôi đề nghị có nghiên cứu cụ thể để quy định trong Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, khắc phục được những vấn đề này”, bà Hằng nói.
Ngoài ra, tại hội thảo, Cục CSGT cũng xin ý kiến của các chuyên gia y tế về việc hạ độ tuổi tài xế xe khách trên 30 chỗ, xe container… từ 27 tuổi xuống 24 tuổi như các nước trên thế giới. Việc này nhằm phát huy thế mạnh lao động, dân số vàng để phát triển kinh tế.