Hầu hết người Hàn Quốc có tên dài 3 chữ. Ảnh minh họa: Alex Finch. |
Khi Vittoria Oliveira de Souza Ventura từ quê hương Brazil đến Hàn Quốc cách đây 5 năm, cô không ngờ lại gặp rắc rối với cái tên của mình.
“Tên đầy đủ của tôi có hơn 25 chữ cái (theo bảng chữ cái tiếng Anh) và tôi bị từ chối truy cập vào nhiều dịch vụ vì không thể đăng ký tên", cô nói với Korea Herald. Khi được viết bằng Hangeul - bảng chữ cái tiếng Hàn - tên đầy đủ của cô cũng dài tới 16 chữ, so với ba của hầu hết tên ở Hàn Quốc.
“Tôi gặp vấn đề với ngân hàng, dịch vụ điện thoại di động, chương trình tích điểm thành viên, đăng ký vaccine và ứng dụng ngân hàng online”, sinh viên 25 tuổi tại Đại học Sogang ở Seoul cho biết.
Ví dụ khi mở tài khoản tại Ngân hàng KB Kookmin, Ventura được cho biết hệ thống ngân hàng sẽ không hiển thị tên đầy đủ của cô và đề nghị cô dùng tên viết tắt Vittoria Venture.
Sau hai lần đến ngân hàng và nhiều giờ nói chuyện, cuối cùng cô cũng có thể thay đổi tên trên tài khoản ngân hàng thành dạng "hoàn chỉnh", dù nó sẽ không được hiển thị đầy đủ trên hệ thống. Tuy nhiên, việc làm có vẻ như đúng vào thời điểm đó lại dẫn đến một vấn đề khác.
"Sau đó, nhà cung cấp dịch vụ điện thoại nói họ không thể đăng ký tên đầy đủ của tôi vì quá dài. Sao tôi có thể chấp nhận lý do mình không thể đăng ký là tên quá dài?".
Rắc rối vì tên dài
Phần lớn tên được đặt ở Hàn Quốc có 3 chữ, gồm họ và tên riêng. Tính đồng nhất của tên 3 chữ này đã ăn sâu vào các hệ thống tại Hàn Quốc, ở cả lĩnh vực công cộng và tư nhân. Quốc gia này thậm chí còn có luật không cho phép công dân đặt tên có trên 5 chữ.
Paulo Andre Nobrega Marinho (39 tuổi), giám đốc chiến lược khoa học tại một công ty địa phương, cũng gặp không ít rắc rối vì cái tên dài.
“Một hãng hàng không Hàn Quốc (dường như đã nhầm tên tôi ngay từ đầu) và cố gắng thuyết phục tôi qua điện thoại rằng tôi không phải Paulo Andre Nobrega Marinho. Phải mất cả tháng với nhiều cuộc gọi, email và thậm chí cả đe dọa pháp lý thì tôi mới xử lý xong”, anh cho hay.
Nhiều người nước ngoài tới Hàn Quốc sinh sống có tên dài. Ảnh: Jirka Matousek/flickr. |
Người đàn ông sống ở Hàn Quốc từ năm 2017 cũng từng mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn sau khi một cơ quan ghi sai tên của anh vào hệ thống vì “quá dài”.
“Tôi muốn mua một chiếc điện thoại di động và cần phải gửi một số giấy tờ, bao gồm cả tài khoản ngân hàng. Ngân hàng Woori không thể nhập tên đầy đủ của tôi vào hệ thống dữ liệu của họ bởi giới hạn 20 ký tự. Họ đã rút ngắn và viết ngược tên tôi thành Nobrega Marinho Paul hay tệ hơn là Paul Nobrega Marinho. Điều đó gây ra vấn đề”, anh nói.
Julia Magdalena Zientara, sinh viên 22 tuổi đến từ Ba Lan, cho biết cô cũng có những trải nghiệm tương tự.
"Tôi sẽ không rơi vào những tình huống như vậy ở Ba Lan bởi chúng tôi không có giới hạn số lượng chữ cái hoặc âm tiết tối đa cho tên cá nhân trong các hệ thống".
Phân biệt đối xử gián tiếp
Vào tháng 8, một ngân hàng địa phương bị Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc cho là có "hành động phân biệt đối xử gián tiếp" sau khi từ chối cung cấp dịch vụ cho một người nước ngoài vì tên quá dài.
Người này đã đệ đơn lên cơ quan giám sát vào tháng 7 sau khi anh bị từ chối cấp tài khoản cá nhân sử dụng cho các giao dịch kinh doanh. Ngân hàng yêu cầu tên của cả chủ tài khoản và doanh nghiệp và giới hạn tổng số ký tự tiếng Anh là 20. Trong khi đó, tên của tiếng Anh của vị khách dài 17 chữ cái, tên doanh nghiệp dài 7 chữ cái, tổng cộng là 24.
Đáp lại, phía ngân hàng cho biết chính sách tương tự cũng được áp dụng cho khách hàng Hàn Quốc và đó không phải vấn đề phân biệt chủng tộc. Nếu muốn cung cấp dịch vụ cho những khách hàng có tên dài như vậy, họ cần sửa đổi toàn bộ hệ thống và có thể dẫn đến "các lỗi không mong muốn". Ngân hàng cũng cho biết sẽ không thay đổi chính sách của mình.
Nhiều người nước ngoài gặp rắc rối vì tên quá dài ở Hàn Quốc. Ảnh minh họa: Alex Finch. |
Trong phán quyết, ủy ban cho rằng vụ việc là một ví dụ về "phân biệt đối xử gián tiếp" khi một chính sách trung lập gây bất lợi cho một nhóm hoặc một cá nhân nhất định.
"Theo luật, người Hàn Quốc sinh ra ở Hàn Quốc không được có tên dài hơn 5 chữ. Vì vậy, chính sách có hệ thống của ngân hàng tạo ra bất lợi rõ ràng cho người nước ngoài, khiến vụ việc trở thành một hành động phân biệt đối xử gián tiếp", cơ quan này nêu rõ.
Dù vậy, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc không có quyền hạn pháp lý hoặc thực thi để chỉnh sửa quy định này.
“Những gì chúng tôi có thể làm là 'khuyến nghị' các tổ chức bị cáo buộc phân biệt đối xử thay đổi các quy tắc", người phát ngôn của cơ quan cho hay.
Nhà có nhiều cột
Bình đẳng giới không phải là đưa phụ nữ ra khỏi nhà và đẩy đàn ông quay trở lại căn bếp. Xã hội nên là nơi mọi cá nhân được tôn trọng, tự do phát triển và đối xử bình đẳng bất kể thuộc giới tính nào. Mục Đời Sống giới thiệu tới độc giả cuốn Nghĩ bình đẳng, sống bình đẳng. Tác phẩm được hy vọng mang đến cho người đọc những nhận thức cơ bản về vấn đề bình đẳng giới và chất liệu cho các thảo luận về giới và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.