"Mỗi ngày, công ty cung ứng vài tấn cá hồi Na Uy cho thị trường Hà Nội" và "không bán cá hồi Việt Nam vì chất lượng thấp" là bộc bạch của đại diện một đơn vị nhập khẩu hải sản có trụ sở tại đường Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Lời bộc bạch này cho thấy nhu cầu tiêu thụ cá hồi tại thị trường thủ đô là rất lớn, cũng như sự ngộ nhận của người tiêu dùng về chất lượng cá hồi Việt.
Theo khảo sát tại các điểm bán cá hồi ở TP HCM và Hà Nội, bao gồm cả các siêu thị gia đình và hệ thống siêu thị lớn, cá hồi Na Uy hoặc Nhật Bản là lựa chọn của đa số khách hàng và người bán. Một lượng nhỏ còn lại là dành cho sản phẩm cá hồi Chile, trong khi cá Việt Nam hoàn toàn mất dấu.
Đại diện một công ty chuyên nhập khẩu cá hồi tại Hà Nội giải thích, cá hồi Việt Nam có trọng lượng nhỏ hơn, dinh dưỡng không bằng cá nhập khẩu do môi trường nuôi không phù hợp. "Cá hồi vốn sống ở vùng nước lạnh, động, trong khi khí hậu Việt Nam là nóng ẩm. Do đó, chất lượng cá Việt chắc chắn không bằng hàng nhập ngoại, khó cạnh tranh được với sản phẩm của Na Uy".
Cá hồi Việt Nam hoàn toàn không có "cửa" để vào siêu thị do lượng cung ít ỏi. Ảnh: Ngọc Lan. |
Quản lý một chuỗi nhà hàng sushi tại Hà Nội cũng khẳng định, đơn vị này chỉ sử dụng cá hồi Nhật Bản để phục vụ khách. Từ chối so sánh về chất lượng cá nhập khẩu và cá Việt Nam, vị này cho hay, giá cá nội địa khá đắt, lượng cung ít, trong khi cá Nhật rẻ hơn và dễ có đầu mối cung cấp ngay tại Việt Nam.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thủy sản nước lạnh tại huyện Sìn Hồ, Sapa cho biết, mỗi năm, sản lượng cá hồi nuôi trong nước đạt xấp xỉ 1.000 tấn. Giá bán cá hồi "made in Vietnam" nguyên con là 400.000 đồng/kg, tức là đắt hơn so với cá nhập khẩu từ 5.000 đồng tới 200.000 đồng/kg.
"Ở Việt Nam, cá thường được nuôi tại các huyện biên giới phía Bắc như Sapa, Điện Biên, Sơn La, hoặc ở Đà Lạt. Đây là những vùng có khí hậu lạnh, phù hợp với loài cá này", ông Hải nói.
Vị này cũng khẳng định, chất lượng cá hồi Việt Nam hoàn toàn không thua kém hàng nhập khẩu do được bảo tồn giống thuần chủng, nuôi trong điều kiện thuận lợi và tươi hơn sản phẩm tương tự ở Na Uy hay Nhật Bản.
"Sản lượng 1.000 tấn một năm đúng là thấp hơn nhiều so với nhu cầu của thị trường vì số cá này thậm chí chưa đủ để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn tại địa phương chứ nói gì đến việc chuyển về thủ đô. Riêng cá nuôi ở Sapa thì chúng tôi cũng không có tham vọng chiếm lĩnh thị trường Hà Nội, hay dùng để cung ứng cho nhà hàng sushi, vì như vậy sẽ làm giảm giá trị kinh tế của dự án", ông Hải thừa nhận.