Ra mắt ngày 13/7 và thu về 7,1 triệu USD sau 3 ngày ra mắt, trong khi bỏ ra tới 112 triệu USD sản xuất, Asura (A Tu La) buộc phải dừng chiếu để tìm phương án thay đổi tình hình.
Năm 2016, một bom tấn khác do Hướng Hoa Cường hợp tác cùng phía Trung Quốc, Phong thần bảng truyền kỳ, cũng gây chấn động khi chỉ thu về hơn 40 triệu USD doanh số. Phim thần thoại kỹ xảo với dàn sao hạng A đã lỗ vốn.
Tam sinh tam thế thập lý đào hoa hay Tước tích nối dài chuỗi thất bại doanh thu của những tác phẩm được gọi “bom tấn” kỹ xảo.
Hình tượng Đát Kỷ bị ném đá vì giống thần đầu rắn Medusa. |
Không ngoa khi nói rằng những phim đầu tư lớn đã trở thành bom xịt. Ở Trung Quốc, hiện chỉ có thương hiệu xứng đáng được gọi là bom tấn khiến các nhà làm phim ngả mũ, đó là Châu Tinh Trì.
Châu Tinh Trì đánh bật 'phần còn lại thế giới điện ảnh Trung Hoa'
Đó là nhận định của không ít nhà phê bình điện ảnh Trung Quốc hiện nay. Giữa những sóng gió làm phim, Tinh Gia luôn một mình một cõi đối lập với lực lượng hùng hậu các ê-kíp sản xuất. Nhưng Châu Tinh Trì chưa bao giờ phải nghĩ đến hai chữ thất bại.
Phim gần nhất mang mác Châu Tinh Trì, Tây du ký mối tình ngoại truyện 2, dù không được đánh giá quá cao về chuyên môn nhưng vẫn dễ dàng đút túi 250 triệu USD doanh thu. Trong khi, vốn sản xuất là 64 triệu USD.
Dàn sao hạng A trong Phong thần bảng không giúp phim thoát mác thảm họa. |
Mỹ nhân ngư 2 ra mắt khán giả vào năm 2019 hứa hẹn sẽ lập kỷ lục lịch sử doanh thu. Phần 1 ra mắt đạt doanh số hơn 550 triệu USD.
Nhà sản xuất Trần Lam từng tự tin cho rằng Phong thần bảng truyền kỳ sẽ cướp ngôi ông hoàng điện ảnh của Tinh Gia. Sau đó, bà đành im bặt khi phim không thu hồi được vốn.
Phong thần bảng truyền kỳ cùng dàn sao Lý Liên Kiệt, Phạm Băng Băng, Huỳnh Hiểu Minh, Angelababy, Cổ Thiên Lạc, Lương Gia Huy, Hướng Tả thậm chí còn bị chấm 2,9 điểm trên Douban.
Trong khi đó, 20 nhà sản xuất phim A Tu La đồng loạt đổ lỗi cho những website chấm điểm phim ảnh không công bằng, khiến lượng khán giả đến rạp giảm sút nghiêm trọng.
Douban chấm phim 3,2 điểm/10 với hơn 60% khán giả bầu chọn 1 sao. Khán giả Trung Quốc đánh giá đây là tác phẩm điện ảnh thảm họa nhất trong năm. Còn với các nhà sản xuất, họ thực sự đứng ngồi không yên khi đối diện nguy cơ mất trắng tiền đầu tư.
Trên các diễn đàn phim ảnh Trung Quốc, công chúng chế nhạo A Tu La không lo đơn độc bởi Phong thần bảng truyền kỳ và vô số phim trước đó cũng thất bại tương tự.
Lý giải về sự thất bại của các ông lớn ở dòng phim kỹ xảo thần thoại viễn tưởng, một số ý kiến hoài nghi về thị hiếu khán giả. Ở diễn biến khác, mang tiếng hài nhảm và kỳ dị nhưng Châu Tinh Trì luôn là nhà làm phim thành công về cả doanh thu và tình cảm của khán giả.
Châu Tinh Trì chưa bao giờ đi theo lối mòn. Làm phim với ông là đòi hỏi nghiêm khắc về lịch trình và kịch bản. |
Tân Kinh báo cho rằng cái hay của phim hài phong cách Châu Tinh Trì là yếu tố mới lạ. Châu Tinh Trì chưa bao giờ lặp lại chính mình. Hơn thế, mỗi phim đều để lại giá trị về cuộc sống và văn hóa. Do đó, phim của Châu Tinh Trì luôn hội tụ những yếu tố hút khán giả bên cạnh sự hài hước quen thuộc.
Phim thần thoại viễn tưởng Đông Tây tạp nham
Theo Tân Hoa Xã, sau những năm miệt mài làm phim hài, các nhà sản xuất hứng thú với dòng phim thần thoại viễn tưởng có không gian nhiều cõi, có sự tồn tại của thần, ma, ác linh, quái vật và con người.
Nhưng sự sáng tạo đã bị bóp méo. Phong thần bảng truyền kỳ chuyển thể từ Phong thần diễn nghĩa. Câu chuyện về Đát Kỷ, Trụ Vương quen thuộc với nhiều thế hệ Trung Quốc.
Phim Trung Quốc lạm dụng phong cách Hollywood. |
Để tạo ra sự mới lạ, nhà sản xuất đã thay đổi từ tình tiết tới bối cảnh. Như Phong thần bảng truyền kỳ, nhân vật nam chính Lôi Chấn Tử (Hương Tả đóng) là sự xuyên tạc với các tư liệu trước đó. Lôi Chấn Tử được cho là con nuôi Chu Văn Vương, nhiều khả năng là họ Cơ. Việc tùy tiện đặt tên cho thấy ê-kíp không tôn trọng văn hóa truyền thống, dễ gây phản ứng ngược với khán giả.
Nhân vật Đát Kỷ là hồ ly chín đuôi của Phạm Băng Băng lại xuất hiện với hình ảnh xúc tu na ná Medusa trong thần thoại Hy Lạp.
Việc lồng ghép bối cảnh cổ xưa của châu Á vào phương Tây gây ra nhiều phản ứng tiêu cực. “Sự học hỏi là điều chấp nhận được nhưng với một dự án thần thoại phương Đông, mang hình ảnh Tây hóa lại là sự kệch cỡm”, một nhà phê bình lên tiếng khi chiêm ngưỡng cung điện triều nhà Thương giống hệt lâu đài châu Âu trong phim.
Phim Tước tích hứng gạch đá khi sản xuất theo mô típ 3D nhưng giống hệt game online. Với Trường Thành, Trương Nghệ Mưu còn để cả đội lính châu Âu giải cứu Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc.
Kỹ xảo phong cách 'phiên bản lỗi của Hollywood'
Việc mời chuyên gia Hollywood đến hợp tác và bị chế nhạo sao chép không còn là chủ đề mới với dòng phim được xếp hàng “bom tấn”.
Khán giả dễ dàng thấy đó hình ảnh của Chúa tế những chiếc nhẫn, Tây du ký, Star Wars, X-Men trong Phong thần bảng, Avatar ở phim Tước tích.
Quái vật trong phim Trung Quốc sử dụng kỹ xảo giống hệt quái vật phim Hollywood. |
QQ từng nhận định: “Phong thần bảng truyền kỳ cũng mắc lỗi kỹ xảo. Người thiết kế mỹ thuật và hậu kỳ không có mắt thẩm mỹ. Hoàng cung màu vàng, vua chúa mặc đồ vàng, tướng sĩ mặc áo giáp vàng, sa mạc màu vàng. Bối cảnh vàng trở nên đơn điệu”.
Theo Huaxie, A Tu La huy động hơn 7.000 người làm hậu kỳ kỹ xảo, 2.400 cảnh hình ảnh xử lý cao, 10.000 m vải xanh làm phông chắn, 12 triệu USD chi phí cho riêng thiết bị. Đội ngũ kỹ xảo của phim đều là chuyên gia đẳng cấp Oscar.
Nhưng phim lại giống như nồi lẩu thập cẩm về kỹ xảo khi hình ảnh phim được cho là dùng lại từ Avatar, Chúa tể của những chiếc nhẫn, Biên niên sử Narnia. Tạo hình nữ chính khiến khán giả nhớ tới Mẹ Rồng trong Game of Throne.
Hình tượng ba đầu của A Tu La được quảng bá là tốn tới một năm hoàn thành và nghiên cứu “nguồn sáng”. Hiệu quả thực tế thu về lại là hình ảnh ba đầu chuyển động cứng đờ, thiếu tự nhiên và lộ rõ ghép vi tính. Hệ thống động thực vật trong phim không có quy tắc rõ ràng.
Thất bại khi có quá nhiều ngôi sao
Một nguyên nhân cho sự thất bại là sự xuất hiện nhiều ngôi sao trong các bom tấn để hút khán giả. Thực tế cho thấy Angelababy, Phạm Băng Băng, Huỳnh Hiểu Minh hay Lý Liên Kiệt dù là những cái tên lớn cũng không thể giúp Phong thần bảng truyền kỳ “sống”.
“Trong quá trình quay với ngôi sao sẽ có nhiều vấn đề. Lịch trình nghệ sĩ hạng A rất khó sắp xếp, được người này lại mất người kia. Họ không nắm bắt được mạch phim do gián đoạn thời gian quay. Đó là chưa kể đạo diễn phải cân bằng đất diễn của dàn sao”, nhà phê bình Lý Vỹ của Phê bình phim ảnh Trung Quốc cho hay.
“Từ Khắc từng than trời khi quay phim từ phần kết trước. Sau đó sao hạng A mới có mặt để quay các cảnh đầu tiên”, Lý Vỹ nói thêm.
Điều này không bao giờ có trong phim của Châu Tinh Trì. Giới làm phim đều biết quay phim cùng Tinh Gia phải gạt bỏ các cơ hội làm việc bên ngoài, sống cùng đoàn phim và nhân vật.
Phần ba đầu cứng đờ của A Tu La. |
Châu Tinh Trì đắc tội không ít sao lớn về yêu cầu này. Ông cũng không để tâm đến điều đó. Châu Tinh Trì sẵn sàng mời những gương mặt mới nhưng có nhiệt huyết đóng phim.
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu khi nói về vấn đề đáng lo ngại của phim ảnh Trung Quốc đã rất trăn trở. “Tôi sợ tôi hay những đạo diễn, nhà làm phim khác trở thành công cụ của tiền bạc”, ông nói.
“Để mong thu về tối đa, các nhà làm phim tìm mọi cách gây chú ý về mặt hiệu ứng, bỏ qua giá trị đích thực của phim ảnh. Càng làm lại càng thất bại”, ông nói thêm.
Trên Sina, Trần Khải Ca tán đồng: “Công nghệ không thể tạo ra sức nóng cho phim ảnh. Dàn sao càng không. Tự bộ phim đó phải tạo ra sức nóng của chính mình”.