Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Bộ Y tế công bố thông điệp 5T?

Thông điệp 5T được Bộ Y tế công bố trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều địa phương giãn cách xã hội thời gian dài.

Bộ Y tế vừa công bố thông điệp 5T gồm: Tuân thủ 5K - Test Covid-19 - Tiêm chủng - Thực phẩm đủ - Thầy, thuốc đến tận nhà. Thông điệp được truyền tải trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, chủ yếu do tác động của biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh.

"5K chưa đủ để ngăn biến chủng Delta"

Đó là nhận định của bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), về giải pháp chống dịch trong giai đoạn mới. Do đó, ngành y tế cần đưa ra thông điệp sâu sát và phù hợp với bối cảnh dịch hiện nay.

“Tôi đánh giá cao thông điệp 5T mà Bộ Y tế phát động. Trong giai đoạn khó khăn và phức tạp hiện nay, để đối phó với biến chủng Delta thì thông điệp 5K chưa đủ. Phải là 5T thì mới toàn diện và đúng tình hình”, bác sĩ Khanh cho biết.

thong diep 5T cua Bo Y te anh 1

Đường phố TP.HCM trong những ngày tăng cường Chỉ thị 16. Ảnh: Y Kiện.

Theo bác sĩ Khanh, trong các đợt dịch trước, thời gian giãn cách xã hội ngắn, người dân tuân thủ nghiêm 5K, dịch sớm được kiểm soát.

Hiện tại, việc kéo dài liên tiếp các đợt giãn cách xã hội đặt ra nhu cầu về lương thực thực phẩm, thuốc và sinh hoạt thiết yếu.

“Mục đích của giãn cách xã hội là ngăn chặn sự lây nhiễm từ người bệnh sang người lành. Khi thời gian giãn cách quá dài, tính an toàn lương thực cho người dân cần được đảm bảo. Phải an lòng dân thì người dân mới yên tâm giãn cách, từ đó mục tiêu chống dịch mới đạt được hiệu quả”, bác sĩ Khanh nói thêm.

Phải an lòng dân thì người dân mới yên tâm giãn cách, từ đó mục tiêu chống dịch mới đạt được hiệu quả

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ

PGS.BS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), cho rằng Bộ Y tế thay đổi thông điệp 5T là phù hợp với tình hình dịch trong nước.

“Biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh. Số ca nhiễm tăng cao gây sức ép lớn cho hệ thống y tế. Do đó, để dập dịch và bảo vệ tính mạng con người, ngoài 5K, việc đẩy mạnh test Covid-19, tiêm vaccine là giải pháp căn cơ lâu dài. Trước mắt, để người dân an tâm giãn cách xã hội thì thực phẩm thiết yếu, thuốc cần được đáp ứng”, bác sĩ Nhung nói.

Chuyên gia này nhấn mạnh dù ngành y tế thay đổi biện pháp tuyên truyền chống dịch, "T" đầu tiên là tuân thủ 5K vẫn là giải pháp quan trọng, hiệu quả nhất để bảo vệ người dân trước nguy cơ lây nhiễm.

Cần tăng tốc độ xét nghiệm và tiêm vaccine

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, hai biện pháp trong thông điệp 5T mà ông quan tâm nhất là "Test Covid-19" và "Tiêm chủng ngay phường/xã". Chuyên gia này đánh giá đây là giải pháp phù hợp để sớm kiểm soát dịch.

Để dập dịch và bảo vệ tính mạng con người, ngoài 5K, việc đẩy mạnh test Covid-19, tiêm vaccine là giải pháp căn cơ lâu dài

PGS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương

Tuy nhiên, trong quá trình xét nghiệm Covid-19, nhân viên y tế cần đảm bảo không xảy ra lây nhiễm chéo trong quá trình lấy mẫu.

Giải pháp hiệu quả và an toàn nhất là giao việc lấy mẫu cho người dân, nhân viên y tế đóng vai trò giám sát và hỗ trợ khi cần thiết.

“Trước đây, chúng ta có nhiều sơ suất trong công tác tổ chức lấy mẫu, tạo sự tập trung đông đúc. Nếu test Covid-19 mà để lây nhiễm thêm thì xem như nỗ lực giãn cách xã hội không đạt hiệu quả”, bác sĩ Khanh nói.

Theo ông, việc lấy mẫu test nhanh Covid-19 không khó nên hãy để dân tự làm. Việc xét nghiệm sàng lọc diện rộng sẽ giúp phát hiện sớm F0, từ đó, ngành y tế chủ động có biện pháp chăm sóc y tế phù hợp cho người dân.

Về vấn đề tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, chuyên gia này nhấn mạnh: "Chỉ khi đạt miễn dịch cộng đồng nhờ vaccine, chúng ta mới có thể ngủ yên trước hàng loạt thông tin phong tỏa. Chỉ khi được tiêm vaccine đủ, chúng ta mới sống hòa bình với Covid-19 và từng bước đẩy lùi đại dịch".

thong diep 5T cua Bo Y te anh 2

Nhân viên y tế mang vaccine Pfizer đến tận nhà để tiêm cho người cao tuổi. Ảnh: Phạm Ngôn.

Kể cả trong giai đoạn giãn cách xã hội, công tác tổ chức tiêm chủng cũng không được gián đoạn. Các địa phương cần có kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phù hợp, bố trí điểm tiêm ngay tại phường, xã, tổ khu phố… càng gần dân càng tốt.

“Nếu người dân di chuyển xa xôi dù là để tiêm vaccine thì cũng xem như không đảm bảo giãn cách xã hội. Với vùng dịch như TP.HCM, Bình Dương…, độ phủ vaccine càng sớm càng tốt, tổ chức điểm gần nhà dân càng tốt để người dân không phải di chuyển nhiều”, bác sĩ Khanh đề xuất.


Ngoài ra, các chuyên gia nhấn mạnh ngành y tế cần tập trung chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. Việc tổ chức đội cấp cứu, trạm y tế lưu động, thầy, thuốc đến tận nhà để kịp thời chăm sóc F0 đặc biệt cần thiết.

Ông nhận định ba thông điệp quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với tình hình TP.HCM là đảm bảo "Thực phẩm đủ tại nhà - Test Covid-19 diện rộng và Tiêm chủng ngay phường, xã".

"Khi đảm bảo lương thực thực phẩm cho nhu cầu thiết yếu, người dân sẽ không di chuyển nhiều. Việc xét nghiệm cần đảm bảo an toàn để phát hiện sớm F0. Tiến độ tiêm chủng cần tổ chức thật tốt, thật nhanh và người dân phải tiếp tục thực hiện 5K nghiêm ngặt", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.


Vì sao người đã tiêm vaccine Covid-19 vẫn cần thực hiện 5K? Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, người dân không cần thiết phải thực hiện xét nghiệm kháng thể sau khi tiêm vaccine Covid-19 mà nên tiếp tục tuân thủ biện pháp 5K.

Bộ Y tế công bố 'thông điệp 5T' chống dịch giai đoạn mới

Thông điệp gồm: Tuân thủ 5K - Test Covid-19 - Tiêm chủng - Thực phẩm đủ - Thầy, thuốc đến tận nhà.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm