Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao bệnh nhân 979 không cách ly tại nhà đủ 14 ngày?

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết bệnh nhân 979 không tiếp xúc ca mắc Covid-19, nên chỉ được khuyến cáo cách ly tại nhà.

Sáng nay (18/8), Bộ Y tế công bố ca mắc Covid-19 thứ 11 tại Hà Nội. Đây là bệnh nhân nữ, 33 tuổi, nhân viên kế toán, trú tại Phú Thượng, Tây Hồ. Bệnh nhân đi du lịch Đà Nẵng ngày 22-24/7. Sau đó, bệnh nhân cách ly tại nhà 7 ngày. Ngày 31/7, nữ kế toán có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính. Một ngày sau, người phụ nữ này đi làm trở lại.

Bệnh nhân không thuộc diện cách ly bắt buộc tại nhà

Trao đổi với Zing, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết trường hợp này không có triệu chứng nhưng mang virus trong người. Người phụ nữ này không nhận biết được cơ thể phát bệnh khi nào. Chuyên môn dịch tễ gọi trường hợp này là người lành mang trùng.

Về việc nữ kế toán không cách ly tại nhà đủ 14 ngày, ông Hạnh lý giải theo quy định, người này không tiếp xúc gần bệnh nhân Covid-19 nên không thuộc diện cách ly bắt buộc. Với nữ bệnh nhân ở Hà Nội, nhân viên y tế chỉ khuyến cáo tự cách ly tại nhà.

Quan ly F1 o Ha Noi anh 1

Người Hà Nội về từ Đà Nẵng được lấy mẫu xét nghiệm lại bằng phương pháp rRT-PCR. Ảnh: Việt Linh.

Theo ông Hạnh, việc cách ly tại nhà được chia làm 2 trường hợp. Thứ nhất, bệnh nhân bắt buộc phải cách ly tại nhà theo yêu cầu của UBND phường. Những người này được theo dõi sức khỏe chặt chẽ, đo nhiệt độ, kiểm tra hàng ngày.

Trường hợp còn lại được khuyến cáo cách ly không có nhân viên y tế theo dõi sức khỏe, đòi hỏi sự tự giác của người dân. Khi có dấu hiệu bất thường, người dân phải đến cơ sở y tế khai báo ngay.

"Xét nghiệm nhanh không có ý nghĩa sàng lọc. Vì vậy, những người có kết quả âm tính vẫn phải xét nghiệm lại bằng phương pháp rRT-PCR", Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói.

Theo Công điện khẩn số 07 của UBND Hà Nội do Phó chủ tịch Ngô Văn Quý ký ngày 18/8, thành phố yêu cầu mở rộng đối tượng xét nghiệm SARS-CoV-2 như ho, sốt, khó thở không rõ nguyên nhân, bệnh nhân nặng, viêm phổi cấp cứu tại các cơ sở y tế.

Cần quản lý người về từ vùng dịch

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cố vấn chuyên môn chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, cho biết đến nay, tình hình các ổ dịch còn phức tạp. Nhiều ca bệnh được ghi nhận trong thời gian gần đây có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính.

Vì vậy, Hà Nội quyết định tái xét nghiệm cho các trường hợp về từ Đà Nẵng bằng phương pháp rRT-PCR. Những trường hợp có kết quả âm tính khi xét nghiệm nhanh như bệnh nhân 979 cũng được thực hiện lại.

“Việc bệnh nhân trở về từ vùng dịch đi lại tự do là lỗ hổng rất lớn trong quản lý. Chúng ta không biết người này dương tính với SARS-CoV-2 từ khi nào. Do đó, đây là ca đặc biệt, cần theo dõi, giám sát các trường hợp F1”, bác sĩ Khanh cho hay.

Chuyên gia này cho rằng những người thuộc diện F1 được chia thành hai trường hợp. Đó là người về từ vùng dịch tễ hoặc tiếp xúc trực tiếp bệnh nhân.

"F1 tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân dương tính đã được chuyển vào khu cách ly tập trung. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa quản lý tốt những trường hợp về từ vùng dịch. Trong khi đó, đây là những người có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Đặc biệt, kết quả xét nghiệm nhanh âm tính khiến những người này càng có tâm lý chủ quan khi tiếp xúc ngoài cộng đồng", bác sĩ Khanh nói.

30 bệnh nhân Covid-19 xuất viện

11 người ở Quảng Nam và 19 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) sẽ được công bố khỏi Covid-19.

Phương Anh - Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm