Kathleen D. Vohs, nhà tâm lý học và nhà kinh tế học hành vi tại Đại học Minnesota, đã thực hiện một nghiên cứu mang tên Messy or tidy - which is better? để phân tích hành vi con người khi làm việc trong môi trường gọn gàng và lộn xộn.
Nghiên cứu bắt đầu khi bà Kathleen và cộng sự phát hiện một số tác động của môi trường làm việc đối với hành vi con người. Cụ thể, họ dự đoán những người làm việc trong môi trường gọn gàng có xu hướng tuân theo quy tắc xã hội, trong khi những người làm việc ở nơi lộn xộn thường sáng tạo và dám phá vỡ quy tắc truyền thống, theo Discover Magazine.
Bàn làm việc bừa bộn của Albert Einstein. Ảnh: Boing Boing. |
Để chứng minh, nhóm nghiên cứu chia các tình nguyện viên thành 2 nhóm, một nhóm làm việc trong môi trường ngăn nắp, một nhóm làm việc trong môi trường lộn xộn.
Khi đi ra ngoài, nhóm người ngăn nắp được mời một quả táo hoặc một thanh socola. Kết quả quan sát cho thấy họ có xu hướng chọn quả táo, món ăn nhẹ lành mạnh hơn. Qua đó, có thể thấy môi trường làm việc đã tác động đến cách đưa ra lựa chọn của con người.
Với nhóm người làm việc trong môi trường lộn xộn, họ được yêu cầu tìm cách sử dụng một quả bóng bàn. Đúng như dự đoán, căn phòng bừa bộn đã truyền cho họ nhiều cảm hứng để tìm ra những sáng kiến mới.
Những ý tưởng sáng tạo đòi hỏi con người phải phá vỡ những quy ước có sẵn. Họ cần mạo hiểu và thử những điều trước đây chưa ai dám làm. Trong một số trường hợp, sự bừa bộn đã kích thích khả năng sáng tạo và kéo con người bước ra khỏi vùng an toàn.
“Môi trường mất trật tự truyền cảm hứng cho việc phá vỡ truyền thống, điều này có thể tạo ra những hiểu biết mới mẻ", nhóm nghiên cứu nói với The Independent.
Ông Arif Dalvi, bác sĩ tại Viện Khoa học Thần kinh Palm Beach (Mỹ), nhận định sự sáng tạo là đặc điểm nổi bật của hầu hết thiên tài. Bàn làm việc lộn xộn là một trong những dấu hiệu cho thấy bạn thông minh hơn bạn nghĩ. Albert Einsten, Thomas Edison và thậm chí cả Steve Jobs đều có một bàn làm việc bừa bộn với nhiều giấy tờ, đồ dùng.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa những người ngăn nắp không thông minh, và con người cũng không nên cố tình biến bàn làm việc của mình thành một mớ hỗn độn để chứng minh bản thân là người có đầu óc.
Mục đích của các nhà nghiên cứu là chỉ ra việc bừa bộn không phải vấn đề quá nghiêm trọng. Với một số người, sự lộn xộn có vai trò quan trọng trong cuộc sống của họ. "Ngăn nắp và bừa bộn, trong một số trường hợp nhất định, có thể kích hoạt các trạng thái tâm lý khác nhau và mang lại nhiều lợi ích cho con người", nhóm nghiên cứu viết.