Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao bà Ba Sương kêu cứu Bộ Công an?

“Không ngờ, chỉ trong mấy năm, Sohafood lại xảy ra nhiều chuyện như vậy. Chúng tôi rất thương nông dân, bằng mọi cách không để họ mất trắng tiền của”. Bà Sương cho biết.

Bà Trần Ngọc Sương (Ba Sương) - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty CP Chế biến thực phẩm Sông Hậu (Sohafood) vừa gửi đơn “kêu cứu khẩn cấp” đến Bộ Công an đề nghị điều tra những tiêu cực xảy ra tại công ty này.

Sóng gió ngày về

Tháng 11/2009, sau khi bị tuyên án 8 năm tù tại phiên tòa phúc thẩm (nhưng được tại ngoại vì lý do sức khỏe), bà Ba Sương từ giã Cần Thơ lên TP.HCM vừa khiếu nại vừa thực hiện ý định làm trái cây đã được bà ấp ủ từ lâu, cho đến khi vụ án bị đình chỉ điều tra.

Đến đầu tháng 8/2013, bà Ba Sương quyết định trở lại thương trường theo lời mời của công ty CP Chế biến thực phẩm Sông Hậu - nơi bà và cha ruột đã gây dựng từ nhiều năm trước. Tại đây, bà đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc. Thế nhưng, niềm vui của ngày trở về chưa được bao lâu thì bao sóng gió đã ập đến.

Bà Trần Ngọc Sương (Ba Sương) - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty CP Chế biến thực phẩm Sông Hậu.

Vụ việc bắt đầu từ ngày 1/8/2013, khi ông Nguyễn Tấn Thanh bị tạm đình chỉ chức vụ Giám đốc điều hành, Sohafood tổ chức kiểm tra toàn diện các giao dịch và sổ sách kế toán, phát hiện nhiều điều khuất tất. Theo đơn kêu cứu khẩn cấp, ông Nguyễn Tấn Thanh có 3 công ty riêng.

Tổng giá trị hàng hoá Sohafood bán cho 3 công ty này gần 115 tỷ đồng và mua lại hơn 81 tỷ đồng. Trong những lần mua bán, giá cả có nhiều bất lợi cho Sohafood. Tổ kiểm tra đã xem trong sổ sách có nhiều số liệu chênh lệch, nghi vấn có một số hoá đơn khống.

Ngoài ra, còn có số tiền hoa hồng 8,6 tỷ đồng chi nhưng không có hợp đồng môi giới, tiền của Sohafood đã được chuyển vào tài khoản cá nhân. Bước đầu, xác định được gần 4,2 tỷ đồng đã chuyển vào tài khoản của 3 cá nhân, còn lại treo nợ phải trả và thu lại tiền thuế thu nhập cá nhân.

Ngoài ra, Sohafood còn nợ tiền cá tra của nông dân 55 tỷ đồng khó có khả năng trả. Sohafood còn lập quỹ mua cá bằng tiền góp từ nhiều cá nhân. Khi mua, ép người bán với giá thấp, sau đó nâng lên trong sổ sách. Số tiền chênh lệch từ việc làm này là hơn 3,2 tỷ đồng

“Nóng” chuyện giành ghế lãnh đạo

Ngày 1/8/2013, HĐQT và Ban kiểm soát Sohafood tổ chức cuộc họp chấp nhận đơn xin từ nhiệm của Chủ tịch HĐQT Trần Thanh Long và tạm đình chỉ chức vụ Giám đốc của ông Nguyễn Tấn Thanh; đồng thời bổ nhiệm bà Trần Ngọc Sương vào hai chức vụ đó.

Sau khi thôi chức, ông Thanh liên tục gây áp lực và cho rằng, nếu được phục chức, ông sẽ đem tài sản cá nhân thế chấp vay vốn cho Sohafood hoạt động, trả nợ nông dân, nhưng với điều kiện gạt bà Sương ra khỏi mọi chức vụ.

Sau đó, ông Thanh và luật sư đại diện của mình đã gửi đơn đến Sở KHĐT TP.Cần Thơ và họp lấy chữ ký của các nông dân chủ nợ, đề nghị can thiệp phục chức Giám đốc điều hành cho ông. Tuy nhiên, Sở KHĐT cho biết, không thể phục chức Giám đốc cho ông Thanh, vì luật không cho phép một người đồng thời làm Giasm đốc công ty cổ phần và công ty khác.

Trao đổi với PV qua điện thoại, bà Trần Ngọc Sương cho biết, hiện đang ở Hà Nội để nhờ Bộ Công an can thiệp đối với những tiêu cực xảy ra tại công ty . Ngoài ra, bà đang lo “chạy vốn” để tái cấu trúc công ty và trả nợ tiền cá cho nông dân.

“Không ngờ, chỉ trong mấy năm, Sohafood lại xảy ra nhiều chuyện như vậy. Chúng tôi rất thương nông dân, bằng mọi cách không để họ mất trắng tiền của”. Bà Sương cho biết thêm. Được biết, ngày 11/11 tới, Sohafood sẽ tiến hành đại hội cổ đông, nhiều khả năng, những chuyện khuất tất đang diễn ra tại công ty sẽ được phơi bày tại đây.

Theo Lao động

Bạn có thể quan tâm