Vào tháng 2/2021, các nhân viên chăm sóc sức khỏe và dịch tễ học tại Ấn Độ đã rất phấn khởi khi nhận thấy các số liệu liên quan tới đại dịch đều đi xuống một cách đáng mừng. Số ca mắc Covid-19 giảm, số lượng máy thở oxy đủ đáp ứng cho bệnh nhân. Các chuyên gia lúc đó dự đoán Ấn Độ đã vượt qua làn sóng dịch bệnh lần thứ hai.
Tuy nhiên đến tháng 4, "thần may mắn" bất ngờ biến mất. Hình ảnh hàng loạt thi thể phải xếp lần lượt đợi đến lượt hỏa thiêu tràn ngập trên mạng xã hội. Các bệnh viện thiếu giường và oxy trầm trọng. Nhiều người bệnh và gia đình tuyệt vọng đã phải chuyển sang mua thuốc tại chợ đen. Trong khi đó, nhiều người khác chết ngạt đau đớn trong bệnh viện vì thiếu oxy, theo Washington Post.
Số lượng ca bệnh mới của Ấn Độ đạt kỷ lục liên tiếp trong những ngày qua. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy số ca nhiễm sẽ giảm trong tương lai gần.
Các giàn hỏa thiêu tạm thời đang được dựng lên hàng loạt tại Ấn Độ. Ảnh: Reuters. |
Tập trung đông người
Trở lại đầu tháng 2, mỗi ngày Ấn Độ chỉ có hơn 13.000 ca nhiễm, trong khi dân số lên tới 1,4 tỷ dân. Các nhà dịch tễ học cho rằng Ấn Độ đã đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.
Đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ trở thành tâm điểm của đại dịch toàn cầu và nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng quốc tế. Ngày 29/4, nước này ghi nhận 379.257 ca mắc Covid-19 mới và 3.645 người tử vong vì đại dịch, đánh dấu ngày tồi tệ nhất từ trước tới nay vì đại dịch ở Ấn Độ. Tới nay, số ca mắc Covid-19 tại nước này lên tới 18,38 triệu, trong đó có 204.832 trường hợp tử vong, theo Bộ Y tế Ấn Độ.
Các chuyên gia nhận định rằng khả năng miễn dịch cộng đồng tại Ấn Độ có thể không tồn tại như đánh giá trước đây.
Các Naga Sadhus - những "thánh nhân" tu tập khổ hạnh theo đạo Hindu - mang theo kiếm hoặc đinh ba, dẫn đầu những tín đồ tham gia lễ hội Kumbh Mela ngày 11/3. Ảnh: Reuters. |
Làn sóng dịch bệnh mới khiến tầng lớp người nghèo đã khốn khổ nay càng cám cảnh hơn. Không những vậy, nó cũng đang tiếp cận đến tầng lớp giàu có trong xã hội Ấn Độ. Mặc dù những người giàu đã cố gắng cách ly với xã hội trong làn sóng dịch bệnh lần đầu tiên nhưng họ cũng không thể tránh né được dịch bệnh lần này.
Các cuộc tụ tập đông người cũng đóng một vai trò vô cùng lớn trong việc phát tán virus. Các hạn chế phong tỏa và cách ly được cho là đã bị dỡ bỏ quá sớm ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Người dân được phép tổ chức các cuộc diễu hành lớn. Các lễ hội của đạo Hindu thu hút hàng chục triệu người hành hương. Những người này thường tập trung tại các địa điểm chật hẹp mà không có biện pháp bảo vệ.
Xét nghiệm ngẫu nhiên tại các khu vực hành hương ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới.
Thậm chí trong lúc dịch đang đạt đỉnh, người dân Ấn Độ vẫn không tuân theo quy định. Hàng nghìn người tập trung tại sông Hằng thực hiện nghi lễ tắm sông. Họ tin rằng nước sông Hằng có thể cứu họ thoát khỏi dịch bệnh.
Ramanan Laxminarayan, một nhà dịch tễ học tại Đại học Princeton, cho biết: “Mọi người đã lơ là cảnh giác hơn khi Ấn Độ phát động chiến dịch tiêm chủng vào tháng 1. Người dân đã quay lại cuộc sống bình thường, đi du lịch, tổ chức đám cưới linh đình và không thực hiện bất kỳ hạn chế nào, ngay cả việc đeo khẩu trang”.
Biến thể mới
Các nhà khoa học vẫn đang tranh luận về vai trò các biến thể mới trong việc khiến đại dịch tại Ấn Độ trở nên tồi tệ đến mức khó tin.
Biến thể B.1.1.7, lần đầu tiên được phát hiện tại Anh, hiện là biến thể chiếm đa số tại bang Pubjab của Ấn Độ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng B.1.1.7 dễ lây lan hơn từ 40 đến 70% so với virus ban đầu. Đồng thời nó cũng khiến người bệnh dễ tử vong hơn.
Một nhân viên y tế bước bên những thi thể tại một điểm hỏa táng tập thể ở Delhi hôm 26/4. Ảnh: Reuters. |
Một biến thể khác là B.1.617 cũng xuất hiện trên phần lớn bệnh nhân tại bang Maharashtra. Biến thể này được gọi là “đột biến kép” khi chứa đến 2 đột biến chính thức được tìm thấy trong hai chủng khác. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu chính thức cho thấy B.1.617 có khả năng lây truyền mạnh hơn các biến thể khác hay không. Ấn Độ cũng không đủ khả năng để giải mã trình tự gene của B.1.617.
Bên cạnh đó, các biến thể Brazil và Nam Phi cũng được tìm thấy tại Ấn Độ.
Tại sao Ấn Độ thiếu oxy?
Thông thường các bệnh viện và phòng khám y tế của Ấn Độ chỉ sử dụng 15% oxy hóa lỏng được sản xuất tại nước này. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, gần 90% nguồn cung của đất nước đã được chuyển tới các cơ sở chăm sóc sức khỏe.
Một số tiểu bang Ấn Độ không có nhà máy sản xuất oxy lỏng. Các khu vực này phải trông chờ vào sự cung cấp từ các bang khác. Để bơm đầy một xe chở oxy mất hai tiếng đồng hồ. Điều này khiến hàng loạt xe tải xếp hàng dài bên ngoài các nhà máy. Thậm chí, sau khi đầy, các xe chở oxy chỉ có thể lái ở tốc độ 40 km/h và chỉ di chuyển vào ban ngày.
Người dân ở Ấn Độ đang phải chống chọi với làn sóng Covid-19 tàn khốc chưa từng thấy. Ảnh: AP. |
Tháng 10/2020, Bộ Y tế Ấn Độ đã công bố kế hoạch xây dựng thêm nhà máy sản xuất oxy lỏng. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có 33 trong số 162 nhà máy được xây dựng. Thủ tướng Modi cũng tuyên bố kế hoạch xây dựng 551 nhà máy hóa lỏng oxy khác vào ngày 25/4. Dẫu vậy, như thế vẫn là quá muộn đối với các bệnh nhân sắp chết do thiếu oxy trên khắp Ấn Độ.
“Chúng tôi đã nói với chính quyền rằng chúng tôi sẵn sàng tăng công suất, nhưng chúng tôi cần hỗ trợ tài chính”, Rajabhau Shinde, giám đốc một nhà máy oxy nhỏ ở Maharashtra, cho biết.
Ấn Độ quyết định cung cấp vaccine cho bất kì ai trên 18 tuổi, bắt đầu từ 1/5. Nước này cũng hạn chế số lượng vaccine xuất khẩu và tập trung phân phối nội địa.
Một số thành phố và tiểu bang đã công bố các hạn chế phong tỏa mới. Chính quyền ra lệnh giới nghiêm, cấm đi lại và cấm các hoạt động không cần thiết.
Tuy nhiên, chính quyền cho rằng phong tỏa chỉ là quyết sách cuối cùng. Ông từ chối ban bố lệnh phong tỏa trên toàn quốc.
Một người phụ nữ và họ hàng sau khi người chồng mất vì Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Chính quyền Ấn Độ gửi đi các chuyến tàu chở oxy đến khắp các khu vực trên cả nước. Các kho dự trữ thiết bị y tế quân sự được mở nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt khẩn cấp. Lực lượng vũ trang đã được triển khai tới các bệnh viện.
Thế giới tức tốc giải cứu Ấn Độ
Các quốc gia đã bắt đầu thực hiện các biện pháp giúp đỡ Ấn Độ. Singapore, Đức, Anh đã gửi các thiết bị liên quan đến oxy vào ngày 26/4. Pháp, Nga, Australia sẽ gửi viện trợ y tế. Trung Quốc và Pakistan đã đề nghị giúp đỡ.
Liên minh châu Âu đã phối hợp với các quốc gia thành viên để cung cấp oxy và thuốc men. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ gửi thêm nhân viên và vật tư đến Ấn Độ.
Nhà Trắng ngày 28/4 cho biết sẽ cung cấp viện trợ trị giá 100 triệu USD cho Ấn Độ, gồm 1.000 bình oxy y tế, 15 triệu khẩu trang N95 và một triệu bộ xét nghiệm nhanh Covid-19.
"Cũng giống như Ấn Độ đã gửi hỗ trợ cho Mỹ khi các bệnh viện của chúng tôi bị căng thẳng trong thời kỳ đầu của đại dịch, Mỹ quyết tâm trợ giúp Ấn Độ trong thời điểm cần thiết", thông cáo của Nhà Trắng đăng tải trên website ngày 28/4 nêu rõ.
Mỹ đang dỡ bỏ lệnh cấm gửi nguyên liệu thô ra nước ngoài, tạo điều kiện cho Ấn Độ sản xuất nhiều vaccine AstraZeneca hơn. Tổng thống Biden đang huy động một nhóm các chuyên gia y tế và tài trợ cho việc mở rộng khả năng sản xuất vaccine của Ấn Độ.
Tổ chức Bác sĩ không biên giới hoan nghênh động thái của Mỹ. Tổ chức này kêu gọi chính phủ Mỹ yêu cầu các công ty dược phẩm “chia sẻ công nghệ và bí quyết”. Tuy nhiên các công ty từ chối yêu cầu này.