Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao 6 trưởng phòng không bị truy cứu sau vụ tướng CSB tham ô 50 tỷ?

VKS xác định 6 trưởng phòng thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát biển có dấu hiệu đồng phạm về tội Tham ô tài sản nhưng thực hiện theo mệnh lệnh của cấp trên, không tư lợi.

Trong cáo trạng vụ tham ô tài sản xảy ra tại Bộ tư lệnh Cảnh sát biển năm 2019, VKS Quân sự Trung ương truy tố 7 bị can, gồm Nguyễn Văn Sơn (cựu Tư lệnh Cảnh sát biển), Hoàng Văn Đồng (cựu Chính ủy), Doãn Bảo Quyết (cựu cựu Phó chính ủy), Phạm Kim Hậu (cựu Phó tư lệnh, cựu Tham mưu trưởng), Bùi Trung Dũng (cựu Phó tư lệnh), Nguyễn Văn Hưng (cựu Cục trưởng Cục Kỹ thuật) và Bùi Văn Hòe (cựu Phó trưởng Phòng Tài chính).

Theo VKS, đầu tháng 4/2019 tại phòng ăn của thủ trưởng Bộ tư lệnh này, bị can Nguyễn Văn Sơn chủ động trao đổi với 5 thủ trưởng khác về việc chỉ đạo cựu Cục trưởng Kỹ thuật Nguyễn Văn Hưng rút 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách phân bổ cho đơn vị để chi cho các thủ trưởng của Bộ tư lệnh. Hôm đó, tất cả đều đồng ý và không có ý kiến gì khác.

Ngày 4/5/2019, ông Sơn ký quyết định giao 179 tỷ đồng ngân sách cho Cục Kỹ thuật, rồi yêu cầu bị can Hưng rút lại 50 tỷ đồng. Chấp hành chỉ đạo của cựu tư lệnh, ông Hưng yêu cầu 6 trưởng phòng dưới quyền phải rút lại tiền để Hưng chuyển lại cho thủ trưởng Bộ tư lệnh sử dụng việc chung.

Nghe yêu cầu của ông Hưng, các trưởng phòng gồm thượng tá Lê Sơn (Phòng Quản lý kỹ thuật tàu), thượng tá Nguyễn Đình Quý (Phòng Khí tài điện tử), đại tá Vũ Văn Đoàn (Phòng Vật tư), thượng tá Tăng Anh Tuấn (Phòng Tiêu chuẩn - Đo lường chất lượng), đại tá Nguyễn Văn Hùng (Phòng Quân khí) và đại tá Lê Xuân Hanh (Phòng Xe máy) đều báo cáo đây là việc khó thực hiện.

Tuy nhiên, VKS xác định bị can Nguyễn Văn Hưng tiếp tục yêu cầu 6 trưởng phòng xác định việc rút 50 tỷ đồng "là nhiệm vụ thủ trưởng Bộ tư lệnh giao và phải hoàn thành". Sau đó, các phòng trực thuộc đã rút đủ 50 tỷ đồng.

Tu lenh Canh sat bien anh 1

Cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn (trái) và cựu Chính ủy Hoàng Văn Đồng.

Căn cứ chỉ đạo của bị can Hưng, các trưởng phòng cấp dưới đã chia nguồn ngân sách thành 29 gói thầu. Trong đó, 9 gói được chia nhỏ có giá trị dưới 10 tỷ đồng để thuộc thẩm quyền Tư lệnh Cảnh sát biển phê duyệt, không phải báo cáo Bộ Quốc phòng.

Các cá nhân liên quan cũng liên hệ với một số nhà thầu thực hiện các bước về đấu thầu hạn chế đối với 21 gói, chào hàng cạnh tranh thông thường 4 gói, chỉ định thầu 3 gói và mua sắm trực tiếp một gói. Những trưởng phòng này còn chủ động đặt vấn đề và được các nhà thầu đồng ý nâng giá vật tư, thiết bị. Mục đích rút lại cho đủ 50 tỷ đồng.

Từ tháng 12/2019 đến đầu năm 2020, các nhà thầu đã chuyển lại từ 50 triệu đồng đến 25 tỷ đồng cho 5 trưởng phòng. Riêng với đại tá Lê Xuân Hanh, cáo trạng nêu ông này đề nghị nhà thầu hỗ trợ 50 triệu đồng, nhưng sau khi thực hiện hợp đồng, nhà thầu không chuyển tiền, nên ông Hanh bỏ ra 50 triệu đồng để nộp cho ông Hưng.

VKS Quân sự Trung ương đánh giá trong vụ án, cựu trung tướng Nguyễn Văn Sơn giữ vai trò chủ mưu, khởi xướng. Các bị can còn lại chịu trách nhiệm thấp hơn ông Sơn.

Đối với 6 trưởng phòng thuộc Cục Kỹ thuật, cáo trạng cho thấy các quân nhân này đều thừa nhận sai phạm khi chia nhỏ một số gói thầu dưới 10 tỷ đồng để Tư lệnh ký duyệt, không phải báo cáo Bộ Quốc phòng. Họ cũng khai đã trực tiếp trao đổi, thống nhất với các nhà thầu để nâng giá vật tư, thiết bị một số gói thầu, đề nghị nhà thầu chuyển lại tiền với mục đích tạo nguồn quỹ cho đơn vị sử dụng việc chung.

Theo VKS, hành vi của các trưởng phòng trên có dấu hiệu đồng phạm về tội Tham ô tài sản. Tuy nhiên, các cán bộ này vi phạm lần đầu, có mối quan hệ lệ thuộc, thực hiện theo mệnh lệnh của cấp trên. Ngoài ra, họ không có động cơ vụ lợi, không nhận tiền hoặc vật chất khác từ các nhà thầu, cũng không biết số tiền 50 tỷ đồng chuyển về bị các bị can chia nhau để sử dụng cá nhân.

"Quá trình điều tra họ thành khẩn khai báo, nhận thức rõ về hành vi của mình. Do vậy, VKS không xem xét xử lý hình sự mà xử lý nghiêm minh theo quy định hiện hành của Đảng và quân đội cũng bảo đảm đủ tính răn đe", cáo trạng nêu.

Còn với các nhà thầu, cơ quan tố tụng xác định việc mua sắm vật tư, thiết bị từ nguồn ngân sách có liên quan 21 nhà thầu với 29 hợp đồng. Các nhà thầu đều là các doanh nghiệp tư nhân, trong đó 16 doanh nghiệp liên quan việc rút lại tổng số tiền là 50 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, 8 doanh nghiệp khai đã chuyển tổng số tiền 18,6 tỷ đồng cho các trưởng phòng. 8 doanh nghiệp còn lại chưa thừa nhận đã chuyển lại tổng số tiền 31,4 tỷ đồng. Những doanh nghiệp này cho rằng việc chuyển lại tiền đều do các trưởng phòng đặt vấn đề hỗ trợ, tạo điều kiện để tạo nguồn quỹ cho đơn vị.

"Các doanh nghiệp không có động cơ vụ lợi, không biết số tiền chuyển lại bị một số cá nhân chiếm đoạt, chia nhau", VKS kết luận và xác định hành vi của các cá nhân thuộc doanh nghiệp này không đồng phạm tội Tham ô tài sản, nên không xem xét xử lý trong vụ án.

Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.

Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…

Cấp dưới tố cáo cựu Tư lệnh Cảnh sát biển trong vụ tham ô 50 tỷ đồng

Ngày 19/6/2020, cựu Phó tư lệnh Phạm Kim Hậu có đơn kèm 2 file ghi âm phản ánh những tiêu cực, tham nhũng của bản thân và một số thủ trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển.

Ông Nguyễn Sơn Lộ bị bắt tạm giam

Bộ Công an cho biết sau khi được tại ngoại, ông Nguyễn Sơn Lộ có dấu hiệu tiếp tục phạm tội. Cơ quan an ninh điều tra đã bắt tạm giam bị can này.

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm