Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao 5 đại gia ngân hàng tăng mạnh nợ xấu?

Nợ xấu của năm ngân hàng lớn đang niêm yết trên sàn chứng khoán tăng rất mạnh trong 6 tháng đầu năm. Nợ có khả năng mất vốn của Vietinbank, ACB tăng hơn 2 lần.

Vì sao 5 đại gia ngân hàng tăng mạnh nợ xấu?

Nợ xấu của năm ngân hàng lớn đang niêm yết trên sàn chứng khoán tăng rất mạnh trong 6 tháng đầu năm. Nợ có khả năng mất vốn của Vietinbank, ACB tăng hơn 2 lần.

> Ngân hàng ồ ạt báo lãi giảm, nợ xấu tăng
> TS Võ Trí Thành: 'Chủ ngân hàng phải trả giá cho nợ xấu'

Trong 6 tháng đầu năm, số nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn của Vietinbank đã tăng từ hơn 915 tỷ đồng lên trên 2.254 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ (nhóm 4) cũng tăng mạnh gần 10 lần, từ hơn 200 tỷ đồng lên trên 1.900 tỷ còn nhóm 3 là trên 2.700 tỷ đồng. Tổng cộng, nợ xấu của Vietinbank đã tăng từ khoảng trên 2.200 tỷ đồng vào cuối 2011 lên gần 7.000 tỷ đồng vào thời điểm 30/6. Số tiền mà ngân hàng này bỏ ra để trích lập rủi ro trong quý II là hơn 1.400 tỷ đồng.

Vietcombank cũng bỏ ra hơn 2.000 tỷ đồng để dự phòng rủi ro nợ xấu. Chỉ riêng 3 tháng từ tháng 3 đến cuối tháng 6, đã có trên 1.000 tỷ đồng được Vietcombank bỏ ra để dự phòng rủi ro. Nợ có khả năng mất vốn của nhà băng này thậm chí còn cao hơn Vietinbank, lên tới gần 3.900 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nói chung cũng tăng từ 2% lên 3,47%, đến hết 30/6.

Một ngân hàng niêm yết khác là ACB cũng công bố nợ có khả năng mất vốn tăng thêm hơn 2 lần, từ mức gần 300 tỷ đồng vào cuối 2011 lên hơn 600 tỷ vào cuối tháng 6/2012. Hai nhóm còn lại gồm dưới tiêu chuẩn và nghi ngờ, nợ xấu cũng tăng gấp trên dưới 2 lần, lần lượt ở trên 500 tỷ đồng460 tỷ đồng. Gộp chung lại, nợ xấu của ACB tại ngày 30/6 dao động 1.500 tỷ đồng đến 1.600 tỷ đồng. Số tiền dùng để dự phòng rủi ro sau khi đã trừ đi phần giá trị tài sản đảm bảo là gần 360 tỷ đồng.

Số nợ xấu 5 ngân hàng niêm yết đang gánh vào khoảng 15.000 tỷ đồng.

Mức nợ xấu gộp lại của Eximbank và Quân đội đến hết tháng 6 lần lượt là trên 1.300 tỷ đồng, 1.193 tỷ đồng. Trong số này, nợ nhóm 3 và 5 (dưới tiêu chuẩn, có khả năng mất vốn) của MB giảm so với cuối 2011. Riêng nợ nghi ngờ tăng từ trên 111 tỷ đồng lên hơn 483 tỷ đồng. Như vậy, 5 ngân hàng niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh đang gánh khoảng 15.000 tỷ đồng nợ xấu. Số này bằng 10% so với mức 117.000 tỷ đồng mà các ngân hàng báo cáo về Ngân hàng Nhà nước cách đây không lâu.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Ngân hàng Á Châu cho biết, các khoản vay nhiều rủi ro nhất khiến cho nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này tăng lên gấp đôi chủ yếu của doanh nghiệp, phần của cá nhân không nhiều. Vị này cũng khẳng định, ACB không có nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản mà chủ yếu ở doanh nghiệp thủy hải sản có quan hệ với thị trường thế giới. “Gần như tất cả nợ của chúng tôi đều có tài sản đảm bảo. 6 tháng đầu năm, hầu như ngân hàng nào cũng có nợ xấu do kinh tế chung suy thoái, bản thân nhà băng cũng là doanh nghiệp nên không tránh khỏi ảnh hưởng”, ông nói.

Vị này cho biết thêm, hiện có một số nợ xấu tập trung ở các khoản vay của Vinashin, nhưng không nhiều. Những khoản tín dụng này ACB rót cho công ty con do Vinashin đứng ra bảo lãnh, có tài sản đảm bảo. Ngoài ra, có một phần nợ nằm trong Công ty thủy sản Bình An nhưng cũng được đảm bảo bằng nhà máy của doanh nghiệp này. Lãnh đạo này chia sẻ, Bianfishco cũng đang đàm phán với DATC về vấn đề mua nợ, nên nếu mọi việc ổn thỏa, thì khoản tín dụng này cũng không hẳn là nợ xấu.

Trước đó, khi công bố báo cáo tài chính quý II, nhà băng này cũng lý giải có 2 nguyên nhân khiến cho lợi nhuận sụt giảm hơn 86 tỷ đồng so với cùng kỳ 2011. Thứ nhất là trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng lên do sự gia tăng của nợ không đủ tiêu chuẩn. Mặt khác, trong 6 tháng đầu năm chi phí lương nhân viên của nhà băng này cũng tăng so với trước. Lương, phụ cấp bình quân cán bộ nhân viên ACB nhận được 6 tháng đầu năm đang là 15,62 triệu đồng/tháng, tạm dẫn đầu ngành.

Nguồn tin từ Ngân hàng Công thương (Vietinbank) tiết lộ, có hai nguyên nhân khiến nợ xấu của nhà băng này tăng trong 6 tháng đầu năm. Thứ nhất là tình hình kinh tế khó khăn chung: Sản xuất, tiêu thụ chậm, doanh nghiệp thu hẹp nhu cầu đầu tư, các công nợ phải thu thì chưa thu được. Ngoài ra, từ đầu năm, Vietinbank áp dụng chuẩn đánh giá nợ xấu mới gần hơn với quốc tế bằng hai phương pháp định tính và định lượng cũng là nhân tố khiến con số sát thực hơn. Vị này bổ sung, lĩnh vực tập trung nợ xấu chủ yếu là doanh nghiệp, nhà thầu sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp nông thôn có liên quan xuất khẩu thị trường nước ngoài nhưng gặp khó.

Theo đánh giá của nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm, nợ xấu các ngân hàng tăng mạnh cũng là điều dễ hiểu vì các khoản nợ cũ quá hạn đang tăng lên trong khi ngân hàng huy động mà lại không cho vay ra được, doanh nghiệp phá sản nhiều. Dù thế, số liệu cũng như đối tượng tập trung nợ mà các ngân hàng báo cáo, theo nhận định của ông, có thể vẫn chưa hoàn toàn chinh xác. Vì trước đó, trên thị trường đã xuất hiện nhiều con số khác nhau, từ trên 3% lên 4,47%, rồi 8,6%, 10%. “Mỗi ngân hàng đánh giá theo tiêu chí khác nhau, nhưng cần phải có điều tra, khảo sát và giám sát thực sự, mới biết nợ đó đã thực chất hay chưa”, ông bình luận.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, bản thân các nhà băng lớn hay nhỏ, hoạt động tốt hay không đều có xu hướng giấu nợ xấu. Nhà băng nhỏ giấu vì sợ nếu lộ ra sẽ bị phân biệt đối xử, khách hàng rút chạy. Còn những ngân hàng lớn, giấu nợ xấu, trích dự phòng rủi ro thiếu để tăng lợi nhuận, kích giá cổ phiếu cũng như thu hút khách hàng.

LAN ANH

Theo Infonet

 

LAN ANH

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm