Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao 230 triệu trẻ trên thế giới không chính thức tồn tại

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết một phần ba trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới không được đăng ký khai sinh.

Trong báo cáo "Mọi trẻ em đều có quyền được khai sinh: Bất bình đẳng và Xu hướng trong đăng ký khai sinh", UNICEF cho biết gần 230 triệu trẻ em trên thế giới không tồn tại một cách chính thức, điều này khiến chúng dễ bị bỏ bê và lạm dụng.

 


Báo cáo cũng nói rằng một tờ giấy khai sinh đảm bảo cho đứa trẻ không bị chối bỏ quyền lợi hoặc các dịch vụ cơ bản như giáo dục.

Các quốc gia tại Nam Á và Châu Phi hạ Sahara là những nơi có tỷ lệ đăng ký khai sinh cho trẻ em thấp nhất thế giới.

"Việc khai sinh có ý nghĩa nhiều hơn một quyền lợi. Đó là cách công nhận đầu tiên của xã hội cũng như biết về thân thế và sự tồn tại của một đứa trẻ," Geeta Rao Gupta, phó giám đốc điều hành UNICEF cho biết.

"Khai sinh cũng là chìa khóa để bảo bảo rằng đứa trẻ không bị lãng quên, bị phủ nhận quyền lợi hay bị che đậy khỏi sự tiến bộ của đất nước."

Để hoàn thành báo cáo của mình, UNICEF đã phân tích dữ liệu từ 161 quốc gia.

Theo báo cáo vào năm 2012 của UNICEF, chỉ có khoảng 60% trong số những đứa trẻ được sinh ra trên thế giới được khai sinh.

Tỷ lệ này tại các quốc gia không giống nhau, với nhiều nơi chỉ có 1 trong số 10 em nhỏ được khai sinh như tại Somalia, Liberia và Ethiopia, trong khi tỷ lệ này tại Nam Phi lên 95%, gần bằng mức của các quốc gia G8.

UNICEF cho biết sẽ sử dụng những biện pháp tiếp cận mới mẻ để giúp đỡ chính phủ và các cộng đồng củng cố hệ thống đăng ký khai sinh và công dân của mình.

Ví dụ, tại Uganda, chính phủ - được Liên Hợp Quốc và khu vực kinh tế tư nhân hỗ trợ - đã sử dụng điện thoại di động "để hoàn thành thủ tục khai sinh trong vài phút, thay vì vài tháng như trước kia," báo cáo cho biết.

UNICEF cho biết tại các quốc gia ở phía đông và Nam Phi, chỉ có một nửa trẻ em được đăng ký khai sinh và có giấy khai sinh.

Phí phạt, nhận thức về luật pháp và quy trì làm thủ tục kém, rào cản văn hóa và nỗi sợ hãi về phân biệt đối xử... là những nguyên nhân khiến các gia đình không đi khai sinh cho con.

Những đứa trẻ không được khai sinh hay không có giấy tờ nhận dạng thường không được tiếp cận với giáo dục, chăm sóc y tế và sự bảo đảm của xã hội.

Và nếu đứa trẻ bị tách khỏi gia đình trong các thảm họa tự nhiên, các cuộc xung đột hay bị bắt cóc, việc giúp chúng trở về với cha mẹ là một việc làm rất khó khăn nếu không có các tài liệu chứng minh chính thức.

"Mọi đứa trẻ được sinh ra với tiềm năng to lớn. Nhưng nếu xã hội không đếm xỉa tới chúng và thậm chí không công nhận sự tồn tại của chúng, chúng sẽ dễ dàng bị lờ đi hoặc lạm dụng," bà Rao Gupta nói.

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm