Hạ chí xảy ra hàng năm trong khoảng thời gian từ ngày 20-22/6. Ảnh: ABC. |
Hạ chí là một sự kiện thiên văn, đánh dấu ngày dài nhất trong năm. Đồng thời, đây cũng là ngày đầu tiên của mùa hè ở Bắc bán cầu và là ngày đầu tiên của mùa đông ở Nam bán cầu. Theo thông lệ, hạ chí gần như luôn rơi vào ngày 21/6, nhưng cũng có thể rơi vào ngày 20 hoặc 22/6 tùy thuộc vào từng năm và múi giờ bạn đang ở.
Năm nay, hạ chí sẽ diễn ra lúc 3h46 (giờ Việt Nam) ngày 21/6, theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS). Lúc này, Mặt Trời đạt tới vị trí tối đa về phía bắc của bầu trời. Mặt Trời sẽ chiếu sáng thẳng lên đường chí tuyến bắc tại 23,44 vĩ độ bắc.
Vào ngày này, gần 90% dân số thế giới, những người sống phía trên đường xích đạo ở Bắc bán cầu, sẽ trải qua ban ngày dài nhất và buổi đêm ngắn nhất trong năm. Ngược lại, ở Nam bán cầu, đây là ngày ngắn nhất năm, ảnh hưởng đến khoảng 10% dân số thế giới.
Ngày hạ chí xảy ra khi Mặt Trời ở vị trí cao nhất. Theo NASA, "hạ chí" (Solstice) có nghĩa là "Mặt Trời đứng yên" trong tiếng Latin. Hiện tượng này xảy ra mỗi năm một lần vì trục Trái Đất nghiêng khoảng 23,5 độ so với mặt phẳng quỹ đạo quanh Mặt Trời.
Độ nghiêng đó có nghĩa là các khu vực khác nhau của Trái Đất sẽ nhận được ánh sáng ở những thời điểm khác nhau. Vào ngày hạ chí, Bắc bán cầu nghiêng về phía Mặt Trời, đón nhận toàn bộ tia nắng chói chang - nghĩa là ngày dài nhất trong năm. Ngoài ra, độ nghiêng của trục Trái Đất cũng là nguyên nhân gây ra sự thay đổi các mùa.
Độ dài của ngày thay đổi trong năm do trục Trái Đất nghiêng. Ảnh: Conversation. |
Trong vài ngày hoặc vài tuần trước và sau ngày 21/6, những người sống ở Bắc Cực, bao gồm các vùng ở Alaska, Canada, Greenland và Scandinavia, sẽ nhận ánh sáng ban ngày liên tục dẫn đến hiện tượng “Mặt Trời lúc nửa đêm”. Theo thuật ngữ thiên văn, ngày hạ chí sẽ đánh dấu ngày đầu tiên của mùa hè đối với những người sống ở Bắc bán cầu.
Ngược lại, với những người sống ở các quốc gia như Argentina, Australia, Nam Phi và New Zealand, ngày 21/6 đánh dấu ngày đông chí hay còn gọi là ngày đầu tiên của mùa đông.
Vào ngày hạ chí, bạn càng đi xa về phía bắc ở Bắc bán cầu, tổng số giờ nắng càng nhiều. Người dân ở bán cầu Bắc có thể nhìn thấy Mặt Trời lên rất cao vào buổi trưa. Tại các điểm phân - xảy ra 2 lần trong năm khi cả hai bán cầu đều có lượng ánh sáng ban ngày và ban đêm như nhau - Mặt Trời xuất hiện ngay trên đầu, ở góc 90 độ so với đường xích đạo vào buổi trưa.
Ngày 21/6, những người ở nửa phía Bắc bán cầu sẽ trải qua ngày hạ chí - ngày dài nhất trong năm. Ảnh: Alamy. |
Bên cạnh đó, nhiều người đặt câu hỏi nếu có nhiều ánh sáng Mặt Trời chiếu ở Bắc bán cầu trong ngày hạ chí, tại sao đây lại không phải là ngày nóng nhất trong năm? Theo Hiệp hội Khí tượng Hoàng gia, nguyên nhân là đất và nước trên Trái Đất cần thời gian nóng lên, hay còn gọi là hiện tượng trễ mùa. Nước trên Trái Đất bao phủ khoảng 70% bề mặt hành tinh và hấp thụ rất nhiều nhiệt, và phải mất nhiều thời gian hơn để làm nóng đất.
Sau ngày hạ chí, ngày sẽ dần ngắn hơn ở Bắc bán cầu. Các vùng trung du phía Bắc có khoảng 15 giờ được chiếu ánh sáng ban ngày, so với khoảng 9 giờ ánh sáng Mặt Trời hàng ngày vào ngày đông chí. Ngoài ra, Bắc bán cầu vẫn nghiêng về phía Mặt Trời, khiến thời tiết trở nên nóng bức.
Theo Livescience, mỗi năm, ngày hạ chí ở Bắc bán cầu rơi vào một trong 2 ngày - 20/6 hoặc 21/6. Ở Nam bán cầu, ngày hạ chí diễn ra vào ngày 21/12 hoặc 22/12. Ngày này thay đổi vì lịch Gregory có 365 ngày. Cứ 4 năm lại có thêm một ngày nhuận vào tháng 2. Trên thực tế, quỹ đạo Trái Đất quanh Mặt Trời mất 365,25 ngày, theo NASA. Do sự khác biệt này, ngày hạ chí không phải lúc nào cũng diễn ra trong cùng một ngày.
Những câu hỏi lớn - Vũ trụ
Sách đề cập đến những vấn đề cơ bản trong khoa học tự nhiên, dưới hình thức thảo luận 20 câu hỏi về thiên văn và vũ trụ như: Vũ trụ là gì? Vũ trụ rộng lớn thế nào? Vì sao các hành tinh luôn bay theo quỹ đạo?...