Chiều 22/5, phát biểu tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Trần Việt Hà, Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, trả lời về việc cưỡng chế hàng loạt công trình vi phạm tại Dự án Cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô.
Theo ông Hà, sau một tuần tổ chức cưỡng chế, UBND quận đã lập biên bản 21 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Các cơ quan tiến hành cưỡng chế đã cơ bản lắp đặt 700 m dài hàng rào tôn cao 3 m.
34/42 cơ sở dừng hoạt động
Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy thông tin sau 7 ngày thực hiện cưỡng chế, 34/42 cơ sở vi phạm trật tự xây dựng tại mương thoát nước Nghĩa Đô đã dừng hoạt động và di chuyển. Đối với các doanh nghiệp không có đăng ký kinh doanh, xây dựng trên các bãi xe, UBND Cầu Giấy kiên quyết cưỡng chế giải tỏa.
Đối với trường hợp có đăng ký kinh doanh như các nhà hàng KFC, Vuvuzela... được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp phép nhưng kinh doanh không đúng mục đích, quận đã thông báo yêu cầu dừng hoạt động, tìm địa điểm khác.
Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy khẳng định trong quá trình xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại mương thoát nước Nghĩa Đô chắc chắn sẽ có thiệt hại cho doanh nghiệp.
Về trách nhiệm của UBND quận Cầu Giấy để vi phạm tồn tại lâu năm, ông Hà cho biết UBND Hà Nội đã yêu cầu Thanh tra thành phố vào cuộc xem xét. "Chúng tôi cũng đang chờ kết luận của Thanh tra thành phố về trách nhiệm cụ thể trong sự việc này như thế nào", ông Trần Việt Hà nói.
Ông Trần Việt Hà, Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy. Ảnh: Văn Chương. |
Phó chủ tịch quận Cầu Giấy khẳng định hiện tại trách nhiệm của quận là kiểm tra và cưỡng chế các công trình theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và UBND Hà Nội. Hàng năm, quận đều ra quân xử lý vi phạm trật tự trên tuyến đường này.
14.000 m2 mương thoát nước bị 'xẻ thịt'
Trước đó, ngày 17/5, UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) công bố quyết định, tổ chức cưỡng chế phá dỡ các công trình vi phạm trật tự xây dựng tại Dự án Cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô.
Dự án cống hóa mương Nghĩa Đô (ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) để xây dựng bãi đỗ xe được UBND Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 31/5/2007 cho Công ty Cổ phần Đầu tư, xây lắp, Thương mại và Dịch vụ. Quy mô đầu tư khoảng 185 ôtô và 500 xe máy và các dịch vụ phụ trợ.
Gần 2 tháng sau, UBND Hà Nội có quyết định thu hồi hơn 14.000 m2 đất để giao cho chủ đầu tư thuê để cống hóa mương Nghĩa Đô kết hợp làm bãi đỗ xe và công trình dịch vụ phụ trợ. Tiếp đó, ngày 28/9/2007, UBND quận Cầu Giấy cấp giấy phép xây dựng số 862/GPXD cho chủ đầu tư xây dựng dự án trên.
Ngày 17/5, UBND quận Cầu Giấy tiến hành cưỡng chế công trình vi phạm ở mương Nghĩa Đô. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Điều đáng nói sau khi thực hiện xong dự án cống hóa, vào tháng 9/2011, chủ đầu tư cũng đã tiến hành ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư An Lộc.
Nội dung trong hợp đồng nêu rõ: "Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp Thương mại và Dịch vụ là chủ đầu tư dự án cống hóa mương Nghĩa Đô xây dựng bãi đỗ xe chuyển toàn bộ tài sản (gồm vốn góp, tài sản, các quyền và nghĩa vụ, quyền lợi) của mình trong dự án cho Công ty Cổ phần Đầu tư An Lộc tiếp tục thực hiện khai thác kinh doanh dự án".
Ngay sau đó, Công ty Cổ phần Đầu tư An Lộc đã tiếp tục ký tới 30 hợp đồng cho các tổ chức, cá nhân để khai thác, sử dụng các công trình của dự án. 30 tổ chức, cá nhân này đã sử dụng đất với nhiều mục đích khác nhau.
Thay vì làm bãi gửi xe và công trình phụ trợ, 14.000 m2 đất công đã bị "xẻ thịt" làm nhà hàng, quán ăn. Từ năm 2012, chính quyền quận Cầu Giấy, phường Quan Hoa cho biết đã nhiều lần xử lý các vi phạm trên. Nhưng trên thực tế, việc xử lý của chính quyền địa phương chưa quyết liệt, triệt để.
Cuối tháng 12/2017, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo xử lý đối với đất sử dụng sai mục đích, các công trình xây dựng không phép, sai phép ở 2 dự án cống hóa Phan Kế Bính (hơn 6.000 m2) và Nghĩa Đô (hơn 14.000 m2); đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh, liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
Phó thủ tướng yêu cầu UBND Hà Nội phải báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trước ngày 1/4/2018. UBND Hà Nội yêu cầu các chủ đầu tư tự tháo dỡ công trình vi phạm. Hai chủ đầu tư cho biết nếu phải di dời, phá dỡ công trình thì Hà Nội phải bồi thường hàng trăm tỷ đồng họ đã đầu tư vào dự án.
Các công trình xây dựng vi phạm trên mương thoát nước (vạch đỏ). Ảnh: Google Maps. |