Mỗi năm Việt Nam nhập về 9,2 tấn salbutamol (chất tạo nạc), chủ yếu qua các công ty dược được cấp phép của Bộ Y tế. Tuy nhiên, qua xác minh, 6,2 tấn salbutamol không được sử dụng để sản xuất thuốc. Đây là số liệu được đại tá Trần Trọng Bình (Cục phó Cục phòng chống tội phạm về Môi trường, Bộ Công an) cung cấp vào sáng 23/3.
6,2 tấn salbutamol đã đi đâu?
Ông Bình cho biết, chúng ta chưa có thông tin đầy đủ chính xác về việc các công ty dược đưa bao nhiêu chất cấm này vào chăn nuôi. Chúng ta cũng chưa phát hiện bất cứ một vụ nhập lậu nào qua các đường khác. Tuy nhiên, salbutamol lại được phát hiện trong các đàn heo.
"Không loại trừ khả năng các doanh nghiệp dược đã bán chất này ra thị trường để rồi nó được sử dụng trong chăn nuôi", ông Bình nói.
Buổi tọa đàm về chất cấm trong chăn nuôi tại TP HCM vào sáng 23/3. Ảnh: H.Hương |
Theo ông Nguyễn Văn Việt (Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT), chất cấm trong chăn nuôi đến từ 2 nguồn. Thứ nhất là qua thương lái kết nối với trang trại. Những người này chủ động cung cấp và đề nghị trang trại cho heo ăn để tăng trọng. Nguồn thứ 2 là đến từ các cơ sở sản xuất cám gia công, họ vừa bán chất cấm vừa bán cám.
Ông Tống Xuân Chinh (Cục phó Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT) cho rằng cần phải khống chế ngay lượng chất salbutamol phục vụ cho mục đích y tế để họ không tuồn ra ngoài. Ngoài ra, Việt Nam có đường biên giới với Lào, Campuchia, Trung Quốc. Do đó, theo ông Chinh, muốn hạn chế chất cấm trong chăn nuôi thì cần phải kiểm soát các hoạt động nhập khẩu dọc đường biên giới.
“Không phải tỉnh nào cũng phát hiện ra chất salbutamol. Đối với miền Bắc, trọng điểm nằm ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh. Ở phía Nam là TP HCM, Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Đồng Nai", ông Chinh nói.
Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị xử lý hình sự
Theo ông Trần Trọng Bình, trước đây rất khó xử lý hình sự các vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) vì phải chứng minh được hậu quả. Tuy nhiên, với Luật Hình sự mới, các hoạt động mua bán, vận chuyển, sử dụng chất cấm đã đủ cấu thành tội phạm và có thể bị xử lý hình sự. Theo đó, mức phạt tù cao nhất cho loại tội phạm liên quan đến ATTP là 20 năm tù.
Ông khẳng định, quy định mới này sẽ tác động tích cực đến cuộc đấu tranh chống lại việc sử dụng hoá chất trong chăn nuôi. “Trước đây, cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc của chất cấm do vướng về luật. Những người dùng đều biết ai là nhà cung cấp chất cấm. Tuy nhiên, khi chưa áp dụng hình thức tố tụng thì không thể buộc người ta trả lời được”, ông Bình nói.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Kim Đoán (Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai) nếu không giải quyết được vấn đề thương lái thì không thể ngăn chặn triệt để việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ông Đoán đề nghị phải có mức phạt nặng, đủ sức răn đe đối với các thương lái tiêu thụ các sản phẩm có chứa chất cấm.
Nhà khoa học cũng không biết thịt an toàn
“Chúng tôi là dân khoa học, đi ra chợ cũng khó xác định được thịt nào là an toàn thì bà con nông dân phải làm sao? Vì vậy, việc đánh giá kiểm soát chất lượng ATTP là cực kỳ quan trọng. Một vấn đề quan trọng nữa là chúng ta thiếu các thương hiệu có bao bì, nhãn mác giúp người tiêu dùng đánh giá và lựa chọn", ông Tống Xuân Chinh - Cục phó Cục Chăn nuôi cho biết.