So với dàn cầu thủ Việt kiều từng thử sức ở Việt Nam như Mạc Hồng Quân, Đặng Văn Lâm, Michal Nguyễn, Martin Lo..., Lee Nguyễn vốn nổi bật bởi xuất phát điểm ấn tượng khi từng khoác áo PSV Eindhoven. Tuy nhiên, đẳng cấp và trình độ vượt trội không giúp Lee Nguyễn có chỗ đứng ở V.League.
Lee Nguyễn toả sáng ở MLS trong màu áo Los Angeles FC và New England Revolution. Ảnh: USA Today Sports. |
Nỗi đau của bầu Đức
Mùa 2009, chủ tịch Đoàn Nguyên Đức của HAGL kích nổ bom tấn chuyển nhượng mang tên Lee Nguyễn từ CLB Randers (Đan Mạch) với hy vọng thiết lập một “Dải ngân hà” trên hàng công cùng ngôi sao Dasakorn Thonglao của Thái Lan.
Mức lương 10.000 USD/tháng cùng suất đá chính cho thấy Lee Nguyễn được HAGL trân trọng đặc biệt. Sự biệt đãi mà bầu Đức dành cho Nguyễn là điều anh luôn ghi nhớ. “Hợp đồng họ đề nghị thực sự quá điên rồ, thành thật mà nói là quá khó để từ chối”, Nguyễn chia sẻ với MLS Soccer nhiều năm sau.
Đương nhiên, đắt thì xắt ra miếng. Lee Nguyễn đáp ứng kỳ vọng với cú hat-trick vào lưới Sài Gòn United ở trận ra mắt. Xuyên suốt mùa giải 2009, Lee Nguyễn chơi ấn tượng, ghi 12 bàn (9 bàn ở V.League), kiến tạo 16 lần, cùng với Thonglao tạo thành bộ đôi hoàn hảo ở phố núi. Thành công của Lee Nguyễn giúp anh giành danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất tháng 5” và vào Đội hình tiêu biểu V.League mùa 2009.
Tuy nhiên, HAGL chỉ về đích ở vị trí thứ 6, kém đội vô địch SHB Đà Nẵng 13 điểm, không đạt mục tiêu bầu Đức đề ra. Hàng công HAGL do Lee Nguyễn dẫn dắt chơi không tệ, nhưng hàng thủ quá kém (thủng lưới nhiều thứ 3 V.League) khiến đội chủ sân Pleiku bị loại khỏi nhóm đầu.
Thất bại này khiến HAGL chia tay HLV Chatchai Budprom, mở ra một sự kiện thay đổi mãi mãi tương lai của Lee Nguyễn ở phố Núi. Đó là sự hiện diện của HLV Kiatisak Senamuang.
HLV Kiatisak khiến Lee Nguyễn phải ra đi. |
Kiatisak là tượng đài ở sân Pleiku. “Zico Thái” cùng dàn tinh binh Chukiat Noosarung, Dusit Chalermsan giúp HAGL là đội đầu tiên vô địch V.League liền hai mùa (từ khi giải đấu này lên chuyên nghiệp). Sức ảnh hưởng của Kiatisak ở HAGL cộng với “bộ não” Lee Nguyễn được kỳ vọng giúp đội bóng bứt phá.
Nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược.
Lee Nguyễn bị loại khỏi đội hình ra sân ở hai trận đầu tiên. Khi gặp Khatoco Khánh Hòa, Lee Nguyễn chỉ được vào sân khi đội nhà thua 2-4. Trận gặp Hòa Phát Hà Nội, cầu thủ Việt kiều lắc đầu từ chối khi được Kiatisak ra hiệu khởi động.
Chia sẻ sau này, Lee Nguyễn tin rằng anh đã bị đối xử bất công bởi huyền thoại người Thái Lan. Nhiều ý kiến cũng nhận định Kiatisak không ưa Lee Nguyễn vì “một núi không thể có hai hổ”. Mâu thuẫn giữa đôi bên tích tụ qua từng ngày và chỉ chờ cái lắc đầu của Lee Nguyễn để bùng nổ. Đây cũng là cử chỉ đặt dấu chấm hết cho tương lai của Lee Nguyễn ở phố núi.
Giữa cầu thủ “con cưng” và HLV Kiatisak, bầu Đức buộc phải đưa ra lựa chọn. Và ông đã chọn huyền thoại người Thái. Lee Nguyễn rời HAGL năm 2010, bị chỉ trích vì thiếu chuyên nghiệp. Nhiều người tin rằng Kiatisak là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc chia tay của HAGL với cầu thủ Việt kiều hay nhất lịch sử.
Lee Nguyễn không thành công ở V.League, nhưng lại hợp với MLS. Ảnh: USA Today Sports. |
Tiêu cực, cám dỗ và bạo lực sân cỏ
Bức màn bí ẩn xung quanh mâu thuẫn Lee Nguyễn - Kiatisak chưa từng được vén lên. Có thông tin cho rằng hai nhân tố quan trọng nhất HAGL muốn tranh giành tầm ảnh hưởng, cũng có nguồn tin nói Lee Nguyễn không được lòng đồng đội, HLV vì khác biệt ở suy nghĩ và cách hành xử không chuyên nghiệp.
“Theo tôi biết, Lee Nguyễn gặp một số vấn đề sinh hoạt. Khi ở HAGL hay Bình Dương, cậu ấy còn trẻ nên cũng chơi bời, ăn nhậu rồi đi chơi thâu đêm suốt sáng. Ngoài ra, Lee Nguyễn được chiều chuộng, bị những tay môi giới mua chuộc nên có nhiều vấn đề chưa thể hiện được sự chững chạc và bản lĩnh", chuyên gia Vũ Mạnh Hải chia sẻ với Zing.vn về nguyên nhân thất bại của Lee Nguyễn.
Thi đấu ở V.League giai đoạn 2009-2011, Lee Nguyễn được săn đón như một ngôi sao. “Khi ở Hà Lan hay Đan Mạch, ít người biết tôi là ai. Nhưng về Việt Nam, mọi người luôn nhận ra ở bất cứ nơi nào tôi xuất hiện. Tôi cứ ngỡ mình là một ngôi sao ca nhạc vậy. Các tay săn ảnh luôn xuất hiện để chụp hình”, Lee Nguyễn trả lời báo chí Mỹ năm 2014. Cám dỗ khiến cầu thủ từng khoác áo PSV không giữ được mình.
Một vấn đề khác mà Lee Nguyễn phải đối mặt tại cả HAGL và Bình Dương là tiêu cực V.League, cụ thể là bạo lực sân cỏ.
HLV Mai Đức Chung, người từng dẫn dắt Lee Nguyễn ở mùa giải 2010, nhớ lại: “Thời gian đó, Lee Nguyễn chưa phù hợp với bóng đá Việt Nam. Chúng ta dùng sức mạnh, tiểu xảo, thậm chí đá bậy nhiều quá. Nhiều cầu thủ Việt Nam có tâm lý vào bóng quyết liệt, không ngại va chạm với Lee Nguyễn. Chính Nguyễn cũng rất ngại chấn thương trong khi thi đấu ở V.League”.
Thành công của các cầu thủ Việt kiều như Văn Lâm, Hồng Quân là nguồn động viên lớn với Lee Nguyễn. Ảnh: Kiệt Trần. |
Chuyên gia Vũ Mạnh Hải cũng chung nhận định khi cho rằng Lee Nguyễn không thành công do nền tảng V.League không tốt. “Nhìn cách đá của Lee Nguyễn, dễ thấy đây là cầu thủ có trình độ cao. Tuy nhiên, Lee Nguyễn không thành công vì V.League khi ấy nhiều tiêu cực”.
Bạo lực đã đành, trọng tài cũng tạo nên nhiều trận không thật. Các cầu thủ vướng nhiều vấn đề không hay, trong đó có bán độ. Xâm nhập vào môi trường như thế, Lee Nguyễn khó đá và tiêu cực cũng nảy sinh thôi”, ông Hải nhấn mạnh.
Tháng 3/2010, Lee Nguyễn rời HAGL. Anh đã muốn quay về MLS ngay lập tức nhưng giải Mỹ lúc này chỉ đưa ra một đề nghị hợp đồng tối thiểu. Lee, người đang ngụp lặn trong tiền bạc và hào quang ở Việt Nam, chưa thể chấp nhận được.
Mọi thứ chỉ thực sự rõ ràng sau mùa giải thất bại của Lee Nguyễn ở V.League 2011, nơi chấn thương tàn phá sự nghiệp của anh. Cộng thêm sự xuất hiện của Jurgen Klinsmann ở tuyển Mỹ. Lee Nguyễn biết rằng thời của anh đã tới. “Tôi thấy Jurgen lên nắm quyền, thấy ông ấy ưa chuộng những cầu thủ kỹ thuật, thấy một người thực sự muốn chơi bóng. Tất cả mọi thứ đều đã thay đổi ở tuyển quốc gia. Tôi biết mình có một cơ hội và có thể trở thành người Jurgen muốn. Điều đó tạo động lực cho tôi trở về và chứng tỏ bản thân”.
Không lâu sau đó, Nguyễn rời Việt Nam. Chúng ta đều đã biết phần sau của câu chuyện.