Đại gia bán lẻ Takashimaya đầu tư vào thị trường Việt Nam với nhiều kỳ vọng. |
Takashimaya được biết như một “người khổng lồ” trong lĩnh vực bán lẻ của Nhật Bản. Thương hiệu này chuyên sở hữu những trung tâm thương mại cao cấp nhắm đến đối tượng khách hàng thuộc phân khúc trung và thượng lưu.
Takashimaya là thương hiệu thế nào?
Được thành lập từ năm 1831 với hoạt động kinh doanh ban đầu là quần áo cũ ở Kyoto, Nhật Bản, ít ai có thể ngờ sau gần 2 thế kỷ, Takashimaya vươn lên trở thành một cái tên đình đám trong giới bán lẻ toàn cầu.
Với phương châm đặt con người lên hàng đầu, kể từ khi hoạt động đến nay, Takashimaya liên tục cung cấp cho khách hàng trải nghiệm những giá trị mới, hướng tới từng độ tuổi, từng đối tượng riêng biệt.
Hiện tại, Takashimaya đã có 20 trung tâm ở Nhật, 3 trung tâm ở Singapore, Thượng Hải, Đài Bắc (Trung Quốc). Với những trung tâm nòng cốt này, tập đoàn đã tiến hành triển khai một loạt các hoạt động kinh doanh bao gồm phát triển, xây dựng và thiết kế.
Takashimaya đang thực hiện chiến lược xúc tiến dọc theo 2 trục chính là Trung Quốc và Đông Nam Á như hai thị trường trọng điểm để phát triển tương lai, và việc mở một trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2016 cũng nằm trong kế hoạch đề ra này.
Được biết, trung tâm thương mại Takashimaya được đầu tư với số vốn hơn 25 triệu USD trên diện tích 15.000 m2 đặt tại một trong những nơi đắc địa nhất ở TP HCM là Saigon Centre.
Một trong những điểm độc đáo nhất được Takashimaya kỳ vọng sẽ thu hút khách hàng Việt chính là hàng hóa Nhật Bản, thiên đường ẩm thực depachika và dịch vụ đỉnh cao vốn đã tạo thành tiếng vang cho thương hiệu này.
Takashimaya toan tính gì khi lựa chọn Việt Nam?
Việc trung tâm mua sắm Takashimaya chính thức hoạt động ở Việt Nam được coi là động thái để hãng này tiếp cận với các thị trường nước ngoài tăng trưởng nhanh hơn, đặc biệt là các thị trường Đông Nam Á, phát ngôn viên Hironobu Hanai của hãng cho hay.
Bên cạnh đó, lý do cho sự chuyển hướng này một phần đến từ tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc, và mức tăng trưởng nằm ngang ở Nhật Bản - quốc gia lớn có dân số lão hóa nhanh nhất thế giới đang chứng kiến dân số hạ kỷ lục, lần thứ bảy liên tiếp trượt xuống vào năm 2015.
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng với tầng lớp trung lưu đang bùng nổ mạnh mẽ. Các đại gia Nhật đều thừa nhận rằng, những năm gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến một sự đi lên với chi tiêu mạnh mẽ, phần lớn trong đó đến từ sự “chịu chi” của giới trẻ Việt.
Hơn nữa, người trẻ lại chiếm một tỷ lệ khá đông trong đất nước có 93 triệu dân như Việt Nam. Thu nhập trung bình cũng ngày càng tăng, từ 433 USD năm 2000 lên hơn 2.000 USD năm 2015.
Còn theo khảo sát của hãng Nielsen, người tiêu dùng Việt ngày càng khắt khe hơn và muốn có trải nghiệm mua sắm tốt hơn. Chi tiêu tại các cửa hàng bán lẻ chính thức và trung tâm, trái ngược với các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống, được cho là sẽ tăng lên 40% tổng chi tiêu tiêu dùng vào năm 2020 từ mức 25% hiện nay.
Thực tế, Takashimaya không phải là tập đoàn duy nhất tấn công vào thị trường Việt Nam. Ngày càng nhiều tập đoàn Nhật Bản hăng hái tìm kiếm tăng trưởng bên ngoài quốc gia mặt trời mọc. Tại một hội nghị đầu tư ở Hà Nội giữa tháng 7, khoảng 20% công ty tiêu dùng đến từ Nhật Bản đã gặp gỡ các đối tác tiềm năng ở Việt Nam, triển khai các kế hoạch hoạt động dài hạn trong tương lai với mong muốn gặt hái lợi nhuận từ thị trường mới nổi này.
Tuy nhiên, cuộc chơi giữa các đại gia bán lẻ Nhật tại thị trường Việt Nam không hề dễ xơi chút nào, đặc biệt đối với những thương hiệu cao cấp như Takashimaya.
Bởi thực tế, hàng hóa đắt tiền nhìn chung vẫn còn xa tầm với đối với nhiều người dân Việt. Ngay cả với các đại gia nổi tiếng như Parkson của Malaysia, Lotte của Hàn Quốc hay Tràng Tiền Plaza cũng ít nhiều từng nếm mùi thất bại khi đầu tư tại thị trường Đông Nam Á này.