Cuộc rút lui của Comvik, SK Telecom và VimpelCom khỏi thị trường viễn thông Việt Nam có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, sự ra đi của VimpelCom với khoản lỗ 418 triệu USD trong vòng 5 năm khiến nhiều người chú ý.
Hãng nghiên cứu Business Monitor International (BMI) vừa công bố báo cáo về thị trường viễn thông Đông Nam Á, trong đó có đánh giá thị trường viễn thông Việt Nam cạnh tranh rất khốc liệt.
Bản báo cáo nhận định, cạnh tranh về giá đang diễn ra gay gắt giữa các nhà mạng, khiến lợi nhuận giảm sút, buộc một số hãng phải ra đi. Tại Việt Nam, có 3 nhà đầu tư nước ngoài lớn đã phải rút khỏi thị trường từ năm 2005.
Comvik của Thụy Điển là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên thâm nhập thị trường viễn thông Việt Nam với tư cách là một nhà mạng, song cũng là hãng đầu tiên rút khỏi thị trường. Tiếp đến là SK Telecom của Hàn Quốc và VimpelCom của Nga.
Là một đại gia viễn thông trên thế giới nhưng Beeline đã phải "ngã ngựa" tại Việt Nam. |
Là một đại gia viễn thông trên thế giới, với thương hiệu Beeline được đánh giá có giá trị gần 9 tỷ USD vào năm 2009, nên nguyên nhân khiến Beeline “ngã ngựa” tại thị trường Việt Nam được nhiều hãng viễn thông có ý định thâm nhập thị trường Việt Nam quan tâm. Ông Jo Lunder, Tổng giám đốc VimpelCom khẳng định, việc rút lui là do định hướng chiến lược của tập đoàn, hướng tới việc gia tăng giá trị trong tương lai.
“Chúng tôi quyết định thu gọn hoạt động tại một số khu vực và vùng lãnh thổ, nhằm tập trung vào các thị trường trọng điểm”, ông Pavel Borodin, Phó chủ tịch VimpelCom cho biết.
Số liệu của VimpelCom cho thấy, năm 2011, doanh thu bình quân trên một thuê bao của Beeline tại Việt Nam chỉ đạt 0,7 USD/tháng trong quý III và 0,9 USD/tháng trong quý IV, thấp nhất trong số các nước mà VimpelCom có đầu tư. Việt Nam và Campuchia là 2 thị trường mà VimpelCom bị lỗ, với tổng lỗ tính đến hết năm 2011 trên 500 triệu USD.
Sau 4 năm triển khai kinh doanh, Beeline vẫn không được cấp băng tần phù hợp để có thể cung cấp dịch vụ 3G. Để đạt được vùng phủ sóng tốt nhất cho dịch vụ thoại, vì chạy trên dải băng tần 1.800 MHz, lại không có 3G, Beeline cần ít nhất 20.000 trạm phát sóng. Trong khi đó, với những nhà mạng khác sử dụng băng tần 800 - 900 MHz, thì chỉ cần một nửa số trạm phát sóng nói trên, mà suất đầu tư mỗi trạm lại ít hơn, nhưng hiệu quả phủ sóng cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Dư, Tổng giám đốc Gtel cho biết, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến việc VimpelCom rút khỏi liên doanh.
Thứ nhất, chính sách Việt Nam không cho phép phía nước ngoài sở hữu cổ phần đa số trong liên doanh, trong khi phía đối tác đổ vào khoảng nửa tỷ USD, nhưng lại không được chủ động như ý muốn.
Thứ hai, năm 2011, khủng hoảng tài chính lan rộng khắp châu Âu. Giá cổ phiếu công ty mẹ giảm sâu, nên Tập đoàn gặp khó khăn trong huy động vốn.
Thứ ba, do việc tái cơ cấu chiến lược hoạt động kinh doanh của công ty mẹ là tập trung vào thị trường có khả năng doanh thu và mang lại lợi nhuận cao, trong khi thị trường viễn thông Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt.
Thứ tư, tần số mà Gtel Mobile được cấp không đủ cạnh tranh với các nhà mạng khác.
Rõ ràng, mặc dù có trong tay cả công nghệ và tài chính, nhưng do không được cấp tài nguyên băng tần, không được nắm cổ phần chi phối, Comvik, SK Telecom và cả VimpelCom đều phải “ngậm đắng, nuốt cay” từ bỏ thị trường viễn thông Việt Nam.
Ở một góc độ nào đó, cuộc rút lui của các đại gia viễn thông nước ngoài cũng cho thấy, các nhà mạng nhỏ có “yếu tố nước ngoài” dù có công nghệ, vốn khủng cũng không dễ quật đổ “tam đại gia” Viettel - MobiFone - VinaPhone, vốn là những doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.