"Vi phạm chuẩn mực hành vi" và "xung đột lợi ích" là hai điểm ông Cung nhấn mạnh khi nhắc đến việc bổ nhiệm con trai cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vào vị trí thành viên HĐQT đại diện cho cổ phần nhà nước, đồng thời kiêm chức Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Bia rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Quyết định bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải được cho là bất thường, có xung đột lợi ích. |
Không công ty nào bổ nhiệm lãnh đạo với thành tích như vậy
Ông Cung phân tích, đặt sang một bên việc ông Hải là con của Bộ trưởng Công Thương vào thời điểm đó, chỉ xét yếu tố ông Hải có gì trong hồ sơ ứng viên cho vị trí lãnh đạo tập đoàn? Trước khi làm lãnh đạo của Công ty cổ phần đầu tư tài chính dầu khí (PVFI), do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) nắm giữ trên 51% vốn điều lệ, hồ sơ ông Hải không có gì đáng chú ý.
Thông thường, một năm thua lỗ lớn như vậy đã đủ buộc anh phải từ chức, làm sao lại có chuyện sau đó được bổ nhiệm lãnh đạo một tập đoàn lớn.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương
Trong những năm giữ vị trí Tổng giám đốc PVFI, công ty liên tục thua lỗ, và đã được ghi chép trong hồ sơ, không thể giấu giếm hay né tránh. "Thông thường, một năm thua lỗ lớn như vậy đã đủ buộc anh phải từ chức, làm sao lại có chuyện sau đó được bổ nhiệm lãnh đạo một tập đoàn lớn", ông Cung nêu câu hỏi.
"Không một công ty nào trên thế giới này bổ nhiệm một lãnh đạo với bảng thành tích như vậy, theo cách thông thường. Để cân nhắc vị trí hội đồng quản trị của một doanh nghiệp, bao giờ người ta cũng xem trí tuệ ứng viên có gì, kinh nghiệm, đặc biệt là giá trị đóng góp ra sao trong thời gian trước", ông Cung phân tích.
Nhìn lại hồ sơ ông Vũ Quang Hải, nhà đầu tư chỉ nhìn thấy không gì khác ngoài thua lỗ, làm sao có thể yên tâm. Nói cách khác, đây là quyết định không bình thường khi ứng viên không đáp ứng được năng lực và điều kiện cần có.
Bổ nhiệm như vậy là có xung đột lợi ích
Vì thế, "dư luận có quyền đặt câu hỏi: Nếu ông Hoàng không phải là Bộ trưởng thì liệu có hay không việc bổ nhiệm cho ông Hải", ông Cung nêu. "Lựa chọn ấy không giải thích được, trừ khi đó là lý do con bộ trưởng".
Vị lãnh đạo Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ rõ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng người đứng đầu cơ quan đại diện trực tiếp chủ sở hữu ở Sabeco, về pháp lý, và quy tắc chuẩn mực hành vi, không bao giờ được bổ nhiệm con mình làm quản lý doanh nghiệp. Việc bổ nhiệm như vậy là có xung đột lợi ích, làm nguy hại cho lợi ích người khác.
"Là chính khách, ông Hoàng phải tuân thủ chuẩn mực hành vi, để phụng sự quốc gia, vì đang thực thi quyền lực công", ông Cung nêu.
Vị chuyên gia kinh tế chia sẻ mối băn khoăn của VAFI về cơ sở pháp lý nào để bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm thành viên HĐQT và Phó tổng giám đốc của Sabeco. Ông đề nghị, ông Hải "nên thôi nhiệm vụ thành viên HĐQT và Phó Tổng giám đốc Sabeco, vì danh dự".
Ông Cung nói thêm: "đừng xét nét quy trình làm gì. Ở Việt Nam, cứ nêu đúng quy trình thì sẽ phủi trách nhiệm hết thôi".
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trong một chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời. |
Thông điệp méo mó về quản trị quốc gia, quản trị nhà nước
Theo ông Cung, việc bổ nhiệm ông Hải ở Sabeco gửi một thông điệp méo mó về quản trị quốc gia và quản trị nhà nước. Theo đó, cơ chế bổ nhiệm người ở Việt Nam: "anh biết ai chứ không phải anh biết cái gì".
"Chúng ta cứ nói mãi về việc bổ nhiệm dựa trên thực tài, các bộ trưởng phải là người đầu tiên áp dụng những điều đó. Còn cứ hành động theo kiểu thân hữu, thì người dân và nhà đầu tư nghĩ ngay việc đề bạt như thế là để tạo dựng vây cánh, đề bạt để họ trở lại phục vụ lợi ích của anh, bỏ qua lợi ích công, không ai nghĩ quyết định ấy là để người ấy hoàn thành nhiệm vụ", ông Cung phân tích.
Trong bối cảnh nhà nước đang thúc đẩy cải cách DNNN, nỗ lực thay đổi và điều hành, các bộ trưởng phải làm gương, phải hành động thôi. "Bộ trưởng hành động kiểu này, thì khó cải cách. Cải cách, hành động phải dựa trên nguyên lý, quy tắc chuẩn mực trong quản trị quốc gia, quản trị nhà nước, khi sử dụng quyền lực công, làm việc công".
Cứ hành động theo kiểu thân hữu, thì người dân và nhà đầu tư nghĩ ngay việc đề bạt như thế là để tạo dựng vây cánh, đề bạt để họ trở lại phục vụ lợi ích của anh, bỏ qua lợi ích công.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương
Ông cũng nói thêm, những quyết định bổ nhiệm kiểu như ông Hải ở Sabeco sẽ làm giảm giá trị của doanh nghiệp, làm chậm tiến trình cổ phần hóa, cải cách, đổi mới. "Muốn niêm yết phải công khai, minh bạch về quản trị công ty và những quyết định bổ nhiệm kiểu này, làm sao nhà đầu tư tin, bỏ tiền mua... Vì nhà đầu tư bỏ tiền để mua niềm tin".
Trước đó, ngày 13/6, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) có văn bản gửi nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa chất vấn về việc điều động ông Vũ Quang Hải (28 tuổi, con trai nguyên Bộ trưởng Hoàng) về làm thành viên HĐQT, đại diện cho cổ phần nhà nước, đồng thời kiêm chức Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Bia rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hồi đầu năm 2015.
Trong văn bản này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI chất vấn: Việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải khi mới 25 tuổi làm Tổng giám đốc PVFI là đúng hay sai? Ai chịu trách nhiệm gánh hậu quả làm mất vốn nhà nước và vốn của 4.700 cổ đông là người lao động trong ngành dầu khí?
VAFI cũng đặt câu hỏi về cơ sở pháp lý để bổ nhiệm ông Hải giữ chức Phó Vụ trưởng tại Bộ Công Thương cũng như sau đó được tiếp tục bổ nhiệm làm thành viên HĐQT và Phó tổng giám đốc của Sabeco, doanh nghiệp nhà nước có vốn chủ sở hữu hơn 12.000 tỷ đồng.
“Dư luận thắc mắc là tại sao Vũ Quang Hải còn quá trẻ, không có kinh nghiệm trong ngành tài chính lại được giao trọng trách lớn như vậy? Người ta giải thích vì Vũ Quang Hải là con trai của ông Vũ Huy Hoàng, tuy nhiên việc bổ nhiệm này hoàn toàn trái với các quy định của nhà nước”, VAFI đánh giá.
Liên quan đến thư của VAFI, trao đổi với Zing.vn, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, các nhân sự và đơn vị liên quan sẽ có ý kiến trả lời các nội dung liên quan trực tiếp đến Hiệp hội.
"Một bộ là cơ quan đại diện chủ sở hữu một tổng công ty thì bộ trưởng, thứ trưởng không thể cử vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em ruột làm giám đốc hay tổng giám đốc cái tổng công ty này. Bộ trưởng, thứ trưởng cũng không thể cử con đẻ làm thành viên hội đồng thành viên hay hội đồng quản trị một công ty mà bộ là cơ quan đại diện chủ sở hữu" (Điều 100 - Luật Doanh nghiệp).