Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vị đại sứ 14 lần ăn Tết ở Việt Nam

Đại sứ Palestine tại Việt Nam, ông Saadi Salama, thả cá chép ở hồ Gươm và sắm hai cành đào ở chợ hoa Hàng Lược (Hà Nội) để đón Tết Nguyên đán theo phong tục của Việt Nam.

Sáng 1/2, Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama ra hồ Gươm thả cá chép tiễn Táo quân chầu trời.
Gắn bó với cuộc sống và con người của mảnh đất hình chữ S trong 36 năm, đại sứ nói rằng vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, ông không quên nhiệm vụ thả cá chép để "ông Táo lên chầu trời" như một người Việt Nam thực thụ.

Không chỉ nhập gia tuỳ tục, Đại sứ coi đây là một tục lệ đẹp của văn hoá Việt và còn dành thời gian tìm hiểu về nguồn gốc của ngày các vị Táo quân cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Ông còn thuộc sự tích liên quan đến bếp lửa và câu chuyện "hai ông một bà", có thể kể lại từng chi tiết với bạn bè Palestine và đại sứ của các nước khác. 

Theo đại sứ, câu chuyện ông Táo lên chầu trời là minh chứng cho sự hy sinh và lòng thuỷ chung của người Việt Nam. Ông dự định dành thời gian viết một bài viết ngắn về phong tục này để giới thiệu với bạn bè Palestine.
Ông tự tay bắt từng con cá thả xuống mặt nước. Với ông, dù làm bất cứ việc gì dù nhỏ nhất cũng cần xuất phát từ tấm lòng và cái tâm của chính mình.
Sau khi thả cá chép, Đại sứ ghé thăm chợ hoa Hàng Lược du xuân, sắm đào về chơi Tết. 

Ông Saadi Salama thành thạo tiếng Việt và rất am hiểu văn hoá Việt. Khi mua hàng tại phố Hàng Lược, đại sứ thân thiện trò chuyện với người bán hàng, hiểu rõ tục "bán mở hàng" và trả giá rất khéo léo.

Từ năm 1980, khi mới 19 tuổi, ông Saadi Salama đã đến Việt Nam học tập tại trường Đại học Tổng Hợp (nay là Đại học Quốc Gia).  Đây đã là năm thứ 14 ông Salama đón Tết Nguyên đán tại Việt Nam sau 3 nhiệm kỳ công tác.

Sau khi trở về nước, ông có nhiều cơ hội làm việc tại nhiều nước phát triển nhưng sau đó vẫn chọn Việt Nam. Ông tâm sự, đó là cái "duyên" của ông với mảnh đất xinh đẹp và mến khách này.

Gần nửa đời người sống và làm việc tại đây, ông đã coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. 
"Những năm 80 đi chợ Đồng Xuân, chợ hoa Hàng Lược thích lắm, đẹp và không khí hơn hẳn những năm gần đây. Năm nào tôi cũng phải ghé thăm chợ hoa một lần, sắm đồ chuẩn bị đón Tết", ông tâm sự.
Ông mua hai cành đào, một cành để ở nhà riêng, còn một cành để cắm tại nơi làm viêc. 
Trong những ngày đầu năm mới, Đại sứ sẽ đi thăm hỏi chúc Tết những người thầy giáo đầu tiên của ông tại Việt Nam và tới thăm những người bạn mà ông coi như người thân ở mảnh đất này. Ngoài ra, ông cũng dành thời gian mua sắm và ăn bữa cơm thân mật với bạn bè.

Đại sứ Pháp chuẩn bị đón Tết lần thứ 8 ở Việt Nam

Ngài Jean-Noël Poirier coi Việt Nam là ngôi nhà thứ 2 của mình. Đã 8 năm, ông ăn Tết cổ truyền cùng người dân đất nước hình chữ S.

Anh Tuấn - Hoàng Hiệp - Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm