Kākāpō được mệnh danh là loài vẹt sống lâu nhất và nặng cân nhất thế giới. Theo các nhà khoa học, chúng có tuổi thọ trung bình là 60 tuổi. Chúng thường có màu xanh và nâu vàng, không thể bay và luôn ẩn náu vào ban ngày.
Theo Guardian, kākāpō là một trong những loài nguy cấp của New Zealand. Vào thập niên 1990, dân số của loài này chỉ khoảng 50 cá thể. Tuy nhiên, sau những nỗ lực bảo tồn, số lượng kākāpō đã tăng lên đáng kể. Hiện nay, có khoảng 213 cá thể kākāpō sinh sống trong tự nhiên.
Kākāpō - loài vẹt béo nhất và sống lâu nhất thế giới - được vinh danh là loài chim của năm 2020 ở New Zealand. Ảnh: Getty. |
Chúng được vinh danh là loài chim của năm ở New Zealand lần đầu vào năm 2008. Năm nay, kākāpō giành giải lần thứ hai, trở thành loài duy nhất hai lần chiến thắng cuộc thi này cho đến nay.
Béo và chậm
Kākāpō từng sống trên khắp đảo quốc New Zealand, nhưng hiện nay, chúng chỉ tồn tại trên những đảo không có động vật ăn thịt.
Cá thể kākāpō đực thường phát ra tiếng kêu lớn nghe như tiếng nổ để thu hút con cái. Chúng có mùi mốc, khá giống với mùi nhựa thông và mùi gỗ, Laura Keown, phát ngôn viên của giải thưởng, mô tả.
“Những đặc điểm này vừa tạo nên sự độc đáo cho kākāpō, vừa khiến chúng dễ gặp nguy hiểm. Chúng khá chậm chạp, làm tổ trên mặt đất và phòng thủ chủ yếu bằng cách ngụy trang giống các bụi cây. Cách ngụy trang này tuy phát huy tác dụng khá tốt tại các đảo bản địa của chúng, nhưng lại không thể đánh lừa những loài săn mồi du nhập như cò, chuột, và mèo”, Laura Keown cho biết thêm.
Cuộc thi cũng đã giới thiệu đến công chúng nhiều cá thể chim độc lạ và đáng ngưỡng mộ. Con kākāpō nổi tiếng nhất thế giới hiện nay là Sirocco, giống đực. Chú ta từng mắc một căn bệnh về đường hô hấp và được con người chữa trị. Điều này đồng nghĩa Sirocco là cá thể kākāpō đực đầu tiên được con người nuôi dưỡng. Theo các bác sĩ, Sirocco luôn nghĩ mình là con người từ sau khi chú ta được con người điều trị.
Sirocco năm nay 23 tuổi. Chú ta được mang đi khắp New Zealand để quảng bá cho loài của mình. Năm 2009, Sirocco nổi tiếng toàn cầu sau khi nhảy lên đầu nhà động vật học Mark Carwardine và cố gắng tán tỉnh. Đoạn video thuộc bộ phim tài liệu Last Chance to See của BBC đã đạt hơn 18 triệu lượt xem.
Sirocco - chú kākāpō nổi tiếng nhất thế giới hiện nay. Ảnh: Facebook Sirocco Kākāpō. |
Cạnh tranh khốc liệt
Cuộc thi thường niên này quy tụ nhiều loài chim bản địa tham gia, trong đó có nhiều loài nguy cấp. Mỗi loài đều có đội ngũ quản lý chiến dịch riêng, với các hoạt động kêu gọi bỏ phiếu cạnh tranh nhau khốc liệt. Người tham gia có thể bỏ phiếu cho tối đa 5 loài chim và xếp hạng chúng theo thứ tự lựa chọn.
Một loài chim có nguy cơ tuyệt chủng khác tại New Zealand là hải âu Antipodes. Chúng là ứng cử viên sáng giá cho giải loài chim của năm 2020 khi giành được phần lớn số phiếu trong tổng số hơn 55.000 phiếu bầu. Tuy nhiên, theo hệ thống ưu tiên, kākāpō trở thành loài chiến thắng chung cuộc.
Như các cuộc thi dành cho con người, cuộc đua giành giải loài chim của năm tại New Zealand cũng thường chứng kiến các vụ lùm xùm từ ứng cử viên. Năm nay, chim hihi (hay stitchbird) vướng vào “scandal thương mại” khi vô tình trở thành “chim đại diện” cho một cửa hàng đồ chơi người lớn. Trong khi đó, chim kiwi pukupuku là trung tâm của vụ “bê bối” gian lận phiếu bầu. Các tình nguyện viên giám sát đã phát hiện ra 1.500 phiếu bầu được bỏ ra cho chim kiwi pukupuku trong một đêm, từ cùng một địa chỉ IP.
Hải âu Antipodes là ứng cử viên sáng giá của cuộc thi năm nay khi nắm phần lớn số phiếu bầu. Tuy nhiên, theo hệ thống ưu tiên, kākāpō trở thành người chiến thắng chung cuộc. Ảnh: Bộ Bảo tồn New Zealand. |
Bất chấp đối thủ đáng gờm và một số “kẻ gian lận”, kākāpō đã tạo nên lịch sử trong cuộc thi năm nay.
Các nhà hoạt động cho biết cuộc thi được tổ chức lần đầu vào năm 2005. Sau 15 năm thực hiện, cuộc thi đã giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường tại New Zealand một cách đáng kể.
“Cuộc thi chắc chắn là một phần tạo nên sự thay đổi trong suy nghĩ của con người về sự cần thiết của môi trường và các loài bản địa độc đáo đối với New Zealand”, các nhà tổ chức khẳng định.
Trong những năm gần đây, dưới sự cầm quyền của liên minh đảng Lao động và đảng Xanh, Bộ Bảo tồn New Zealand - cơ quan chuyên trách chăm sóc các loài bản địa - đã nhận được khoản tài trợ lớn nhất trong suốt 15 năm tổ chức cuộc thi.
Chính phủ New Zealand hứa sẽ gắn camera trên tất cả các tàu đánh cá thương mại. Họ cũng đặt mục tiêu không còn động vật ăn thịt vào năm 2050 để bảo vệ các loài dễ bị tổn thương.