Dù bị giới phê bình chê bai không ngớt, Venom: Let There Be Carnage thành công thu về hơn 441,5 triệu USD. Nhiều ý kiến cho rằng doanh thu ấn tượng của Venom 2 có sự đóng góp không nhỏ từ yếu tố "phản anh hùng" - mô-típ mở ra cơ hội xây dựng vũ trụ điện ảnh riêng biệt mới cho Sony.
Sự lười biếng "có chủ đích" của biên kịch
Trong phần phim thứ hai, Venom tiếp tục chiến đấu với sinh vật ký sinh (Symbiote) khác là Carnage. Nếu trong phần một, Riot được xem như anh em của Venom thì tại phần hai, Carnage xuất hiện dưới tư cách đứa con sinh ra từ máu Venom.
Có thể nói nữ biên kịch Kelly Marcel không mất quá nhiều công sức để xây dựng cốt truyện khi cô mang toàn bộ cấu trúc kịch bản từ phần phim trước đó sang phần 2, chỉ thay đổi vật chủ từ nhà tài phiệt thành tên sát nhân tâm thần.
Trái với toàn bộ series phim siêu anh hùng khác, thay vì vất vả nghiên cứu để xây dựng hình tượng phản diện mới lạ, phù hợp với dòng thời gian của vũ trụ phim, biên kịch Venom chỉ thuận tiện chọn một phiên bản ký sinh khác, và điều chỉnh lại thông tin lai lịch cho khớp cùng vật chủ.
Đây có lẽ là hướng đi khác biệt mà Sony lựa chọn cho vũ trụ riêng của họ, nhằm cạnh tranh cùng MCU của Disney. Thay vì tạo lập biệt đội siêu anh hùng, bên cạnh người hùng trung tâm Spider-man, Sony chọn phát triển phần phim riêng xoay quanh tuyến nhân vật phụ như Venom hay Mobius. Từ đó, họ tạo ra sự va chạm có hệ thống giữa loạt sự kiện khác nhau, dẫn dắt tới cuộc đối đầu có quy mô lớn hơn, khiến người xem mong muốn theo dõi những cuộc chiến này trong tương lai.
Cách làm này giúp người hâm mộ không cần ghi nhớ toàn bộ cột mốc, sắp xếp dòng thời gian sự kiện như MCU, đồng thời đem lại cho nhà sản xuất khả năng cân chỉnh tầm vóc từng dự án, dựa theo mức độ chính phụ, lớn nhỏ.
Bất chấp lời chê bai, hậu truyện của Venom vẫn là một trong những phim ăn khách nhất năm 2021. Ảnh: Sony. |
Tuy nhiên, cách làm nào cũng có hạn chế nhất định. Dù mới phát hành hai phần, Venom đã xuất hiện nhiều điểm "rập khuôn" thiếu sáng tạo.
Cấu trúc phần hai như "đúc khuôn" ra từ phần đầu tiên. Vẫn là cuộc đấu khẩu giữa Eddie và Venom về hành vi xã hội. Kẻ phản diện cũng từng có xích mích với Eddie. Ký sinh Carnage vẫn ganh ghét với Venom về độ độc địa và đáng sợ. Eddie tiếp tục được Anne giúp đỡ, nhưng anh không thể yêu cô lại như xưa.
Điểm khác biệt duy nhất là sự xuất hiện của Frances Barrison - bạn gái kẻ ác Cletus Kasady - với siêu năng lực "tiếng hét siêu âm" có khả năng gây sát thương cho đối thủ. Nếu Sony tiếp tục sử dụng công thức này cho phần phim kế tiếp, họ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc làm hài lòng người hâm mộ.
Uổng phí dàn sao đình đám
Sau thành công của phần phim đầu tiên, Sony tăng cường đầu tư vào Venom. Hãng mời thêm hai ngôi sao khác, Naomie Harris và Woody Harrelson, nhằm tăng sức hút cho Venom 2. Tuy nhiên, dường như kịch bản không đem lại cho họ bất kỳ điều gì đặc biệt để làm bùng nổ khả năng diễn xuất của cả hai.
Tom Hardy vẫn là trụ cột của cả phim. Anh đảm nhận hai vai diễn Venom và Eddie Brock. Nét hài duyên có phần cọc cằn cùng chất giọng khàn đặc trưng của anh luôn thành công trong việc chiếm tình cảm từ khán giả.
Ngược lại, những cái tên từng được đề cử giải Oscar như Michelle Williams, Naomie Harris và Woody Harrelson - dàn diễn viên gây dựng danh tiếng thông qua loạt vai diễn được đánh giá cao - không để lại ấn tượng gì với hậu truyện Venom.
4 ngôi sao từng được đề cử Oscar không để lại ấn tượng gì trong Venom 2. Ảnh: Sony. |
Vẫn vào vai cô bạn gái cũ đóng vai trò quan trọng trong tâm trí Eddie và Venom, nhưng với đất diễn ít ỏi, lời thoại tầm thường, thậm chí có phần nhạt nhẽo, minh tinh từng 4 lần nhận đề cử Oscar hoàn toàn bị lu mờ. Thậm chí, nhiều người hâm mộ không thể nhận ra sự hiện diện của cô trong cả hai phần phim Venom. Không ít ý kiến cho rằng Anne Weying là vai diễn mà nữ diễn viên nào cũng có thể đảm nhận, không cần đến tài năng diễn xuất tuyệt vời của Michelle Williams.
Naomie Harris và Woody Harrelson thủ vai cặp sát nhân bệnh hoạn. Ấy vậy, với vai diễn "thiếu tính đột phá, nghèo nàn trong sự phát triển", hai ngôi sao trên đã "làm lu mờ sự nghiệp lẫy lừng của mình chỉ để kiếm tiền".
Vai Cletus Kasady như phiên bản "quá nhàm chán" từ những vai phản diện trước của Woody Harrelson. Còn với Naomie Harris, cô không còn nét diễn quyết liệt, đầy nội lực thường thấy. Thay vào đó, khán giả chỉ bắt gặp nữ tội phạm dị nhân luôn gầm thét mỗi khi cô xuất hiện, khiến người xem cảm thấy mệt mỏi.
"Phản anh hùng" hiện là xu hướng mới
Những năm gần đây, song song với biệt đội siêu anh hùng chính nghĩa, cả hai ông lớn Marvel và DC đều bắt đầu phát triển mô-típ nhân vật "phản anh hùng" (có thể kể đến các thương hiệu như Venom, Deadpool, Suicide Squad, The Boys…).
Công thức này luôn thu lại con số doanh thu ấn tượng tại phòng vé, dù bộ phim được khen ngợi hay bị chê bai.
Sau hơn một thập kỷ hồi sinh và phát triển của dòng phim siêu anh hùng trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel và DC, khán giả dần chán ngán những câu chuyện gia đình đầy đạo lý. Ngược lại, họ có xu hướng tò mò, thích thú trước kiểu nhân vật "thiện ác bất phân".
Trong vũ trụ Sony xây dựng xoay quanh Spider-man, Venom và Mobius đều là nhân vật phản diện có tiếng. Tuy nhiên, họ lại được chọn để phát triển thành tuyến nhân vật chính.
Khi xem phim, hầu hết người xem có thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra với người tốt. Trong điện ảnh luôn tồn tại mô-típ chung, đó là nhân vật chính diện làm điều đúng đắn, rồi sống sót, đánh bại kẻ thù và cứu thế giới.
Nhưng với kẻ ác, khán giả khó có thể dự đoán số mệnh của họ. Điều này mang đến điểm cuốn hút trong hành trình của những kẻ phản diện, khiến khán giả buộc xem tới cuối phim để thỏa mãn sự tò mò. Do vậy, không lạ khi cả hai phần phim Venom đều thể hiện sự đối lập trong quan điểm giữa khán giả phổ thông và giới phê bình điện ảnh.
Venom 2 thành công một phần nhờ sự yêu thích của khán giả dành cho kẻ ác. Ảnh: Sony. |
Không chỉ vậy, Venom 2 cho thấy góc nhìn bắt kịp xu hướng thời đại khi bộ phim giới thiệu đôi tình nhân phản diện có hình tượng thu hút, gợi nhớ người xem tới cặp đôi huyền thoại Bonnie và Clyde trong tác phẩm kinh điển cùng tên ra mắt năm 1967.
Có thể nói kiểu nhân vật này mang đến cảm giác rất chân thật với con người ngoài đời. Trong khi đó, vai "người tốt" của điện ảnh thường được mô tả như mẫu người "gần như hoàn hảo", khiến công chúng cảm thấy khó khăn để đồng cảm với họ.
Do vậy, với những người buộc sống trong điều kiện xã hội mang tính ép buộc, hoặc bản thân phải tự kiềm chế khát khao riêng để phù hợp với lợi ích chung, đặc biệt trong chuyện tình cảm, họ có xu hướng đam mê những mối tình "đầy tội lỗi nhưng rất tự do" trên màn bạc.
Venom: Let There Be Carnage có thể chưa làm vừa lòng giới chuyên môn, nhưng với doanh thu nhảy vọt, Sony có nhiều cơ hội tạo ra vũ trụ điện ảnh riêng biệt về những nhân vật truyện tranh xoay quanh Người Nhện, theo một hướng khác biệt và độc đáo hơn cả MCU.